Những kỹ sư trẻ trên công trình thủy điện quốc gia
Công trình thanh niên
Anh Đoàn Văn Minh, Bí thư Đoàn Thanh niên Viện Nghiên cứu cơ khí chia sẻ, “Nâng cấp hệ thống điều khiển, đo lường tín hiệu và bảo vệ 8 tổ máy phát – Công ty Thủy điện Hòa Bình” là dự án trọng điểm cấp quốc gia, mà toàn bộ kỹ sư tham gia gói thầu này đều là đoàn viên. Bởi vậy, anh đã đăng ký công trình thanh niên với lãnh đạo Viện và Đoàn Khối Công nghiệp Hà Nội. Điều này cũng nhằm thể hiện tính xung kích, chủ động tham gia các dự án lớn và công nghệ phức tạp của đội ngũ kỹ sư trẻ. Trong đó, đoàn viên Viện Nghiên cứu cơ khí đảm nhận thực hiện khâu khảo sát, thiết kế, giám sát tháo dỡ, lắp đặt và thí nghiệm hiệu chỉnh, đưa máy móc thiết bị vào vận hành.
“Thực hiện dự án, chúng tôi gặp rất nhiều thách thức. Đây là công trình sử dụng công nghệ cũ của Nga và hết sức phức tạp. Các thiết bị đặt trong hầm, tài liệu hoàn công không đầy đủ. Do vậy, quá trình khảo sát phải thật tỉ mỉ, thiết kế chi tiết, chính xác. Yêu cầu của việc nâng cấp phải đảm bảo công nghệ mới phù hợp với hiện hữu và không được mắc sai sót hoặc chậm tiến độ. Bên cạnh đó, số lượng cảm biến, đồng hồ đo của 8 tổ máy lên đến gần 1.000 thiết bị, nhiều loại đặc chủng. Mình phải lựa chọn hoặc thay thế phù hợp với hệ thống phần cứng hiện có”, anh Minh cho biết.
Giữ chức vụ Phó Giám đốc Trung tâm Máy và Tự động hóa, Viện Nghiên cứu cơ khí, anh Minh cũng phụ trách toàn bộ kỹ thuật nên phải kiểm soát rủi ro, phối hợp cán bộ, công nhân viên và đối tác nước ngoài để đảm bảo an toàn, tiến độ, chất lượng. Anh phải hiểu sâu công nghệ, thường xuyên trao đổi với bộ phận chuyên trách của chủ đầu tư, đảm bảo hệ thống sau nâng cấp đáp ứng được yêu cầu vận hành, sửa chữa, bảo dưỡng nhà máy.
Năm 2016, anh Phạm Đức Hiếu, 32 tuổi, vào làm tại Trung tâm Máy và Tự động hoá. Anh xác định, công trình “Nâng cấp hệ thống điều khiển, đo lường tín hiệu và bảo vệ 8 tổ máy phát - Công ty Thủy điện Hòa Bình” đặt ra rất nhiều thách thức không chỉ về kỹ thuật, tiến độ mà còn về sự an toàn cho nhà máy cũng như lưới điện quốc gia.
Để làm tốt vai trò, trách nhiệm của mình, Phạm Đức Hiếu dày công nghiên cứu, tìm hiểu kỹ hệ thống hiện hữu, nắm chắc logic hệ thống, sát sao với nhiệm vụ giám sát quá trình thi công, đảm bảo chắc chắn các công việc đúng với thiết kế hệ thống mới.
Tự hào sức trẻ
Anh Hiếu chia sẻ: “Thi thi công tổ máy 7 và 8 có năm anh em thực hiện. Mặc dù đã khảo sát hiện trường và hệ thống hiện hữu rất kỹ nhưng do làm việc ở dự án quan trọng của quốc gia chưa nhiều, chúng tôi rất lo lắng, tập trung cố gắng hết mình. Ban ngày làm việc, ban đêm, chúng tôi trao đổi với nhau những vấn đề vướng mắc để cùng tìm phương án giải quyết tốt nhất”. Sau 91 ngày thi công miệt mài, tổ máy 7, 8 đi vào hoạt động chính thức. Anh Hiếu thở phào nhẹ nhõm, vui mừng và tự hào vì đã vượt qua được khó khăn, thách thức, góp sức mình vào sự hoàn thiện dự án.
Với Giang Văn Vững, 27 tuổi, kỹ sư điều khiển và tự động hóa (Tổ điện, Trung tâm Máy và Tự động hóa), gắn bó với Viện Nghiên cứu cơ khí, anh có cơ hội được tiếp xúc những dự án lớn mang tầm quốc gia. Bên cạnh đó, việc được trao đổi, đọc hiểu tài liệu bằng tiếng Anh còn giúp chàng kỹ sư trẻ phát triển bản thân, nâng cao tay nghề, kỹ năng giao tiếp và cơ hội trong nghề nghiệp.
Đoàn viên thanh niên Khối Công nghiệp Hà Nội thăm Nhà máy Thủy điện Hoàn Bình - nơi các kỹ sư Viện Nghiên cứu cơ khí thực hiện dự án
Thực hiện công trình thanh niên, anh Vững có nhiệm vụ chính là tìm hiểu, nghiên cứu yêu cầu kĩ thuật, khảo sát hệ thống, thiết kế và triển khai thi công các hạng mục dự án. Trong suốt quá trình làm việc, anh Vững cùng đồng nghiệp phải luôn trau dồi, hoàn thiện các kĩ năng từ thiết kế đến thi công, không ngừng tìm hiểu về hệ thống cũ và hệ thống thay thế…
Niềm vui vỡ òa khi sức lao động, trí tuệ, sự sáng tạo của các kỹ sư trẻ Viện Nghiên cứu cơ khí được đền đáp bằng kết quả, công trình thanh niên đi vào hoàn thiện. Với họ, phải trải qua áp lực, gian khó, thì càng thu “được” nhiều điều.