Những điếm nhấn trong mùa thi tốt nghiệp THPT năm 2024
Đề thi tổ hợp phân hoá cao, thí sinh khó đạt trên 8,0 điểm Sĩ tử 2k6 bước vào ngày cuối kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 Giáo viên dự đoán phổ điểm đề thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT |
Tiêu chí “4 đúng”, “3 không” gồm: “4 đúng” - đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” - không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng áp lực quá mức.
Thí sinh dự thi ngày đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT |
Thí sinh hào hứng vì đề thi “dễ thở”
Ngày 27/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.
Theo Bộ GD&ĐT, năm 2024, tổng số thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT là 1.071.393 (tăng hơn 45.000 thí sinh so với kỳ thi năm 2023). Thí sinh tự do là 46.978 chiếm 4,38% tổng số thi sinh. Thí sinh đăng ký trực tuyến là 1.014.020 chiếm 94,66% tổng số thí sinh.
Toàn quốc có 2.323 điểm thi (tăng 51 điểm thi so với kỳ thi năm 2023) với tổng số phòng thi là 45.149.
Cả nước có 66.927 thí sinh đăng ký miễn thi Ngoại ngữ, chiếm 6,25% tổng số thí sinh (Trong đó, Hà Nội có 21.554 thí sinh; TP HCM có 13.076 thí sinh).
Bắt đầu kỳ thi bằng môn thi Ngữ văn kéo dài 120 phút với tác phẩm "Đất nước" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, nhiều học sinh phải thốt lên vui sướng vì ôn thi "trúng tủ".
Triệu Tú Ngân, thí sinh thứ 2 bước ra khỏi điểm thi THPT Nhân Chính (phố Nguỵ Như Kon Tum) chia sẻ: "Đây là đoạn văn em muốn vào nhất. Em dự tính mình sẽ đạt trên 8,0 điểm". Tú Ngân khá hài lòng với bài thi môn Ngữ văn của mình.
Học sinh vui mừng vì đề thi dễ làm, vừa sức |
Vui vẻ ôm mẹ sau khi hoàn thành môn thi đầu tiên, em Nguyễn Quang Nghị (Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng) tự tin: "Em không tủ bài nào hết, cứ ôn tất cả để ra bài nào cũng làm được. Đề Văn năm nay em thấy không quá khó, cứ vận dụng kiến thức sách giáo khoa là làm bài được. Đề không quá đánh đố và cũng bắt kịp với xu hướng. Em tự tin bài làm khá ổn".
Bước sang buổi chiều cùng ngày, thí sinh làm bài thi môn Toán kéo dài 90 phút, đa phần thí sinh nhận định có thể dễ dàng đạt điểm 7,0-8,0.
Đã chống trượt vào một số trường đại học bằng phương thức tuyển thẳng, nhưng Hoàng Nam Anh (Trường THPT Trần Nhân Tông) vẫn quyết tâm đạt điểm cao trong kỳ thi này.
Nam sinh cho biết mình làm khá tốt 43 câu đầu, đề có 3-4 câu thực tế liên quan đến vận tốc, quãng đường khá phức tạp nhưng Nam Anh vẫn làm tốt và tự tin đạt trên 8,5 điểm môn Toán.
Ở tổ hợp Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội, thí sinh thổ lộ, kỳ thi năm nay có độ phân hóa cao, từ câu 1 đến câu 30 dễ, sau câu 30 rất “khó nhằn”.
Nhiều thí sinh cho rằng, các bài thi Tổ hợp có độ phân hoá cao |
Em Ngô Thị Hà Vy và em Trương Đình Tuấn, Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ dự thi tổ hợp KHTN tại Trường THPT Lê Lợi nói rằng, đề vừa sức với những bạn muốn lấy điểm 7,0-8,0 nhưng sẽ khó khăn với những bạn đặt mục tiêu 9,0-10,0.
Hà Vy nói, đề Lý dài và rất khó, đề thi có câu hỏi về tuổi thọ của mẫu cổ vật đúng vào công thức ít khi Vy động đến nên nữ sinh gần như đã quên.
Còn môn Hoá học thì không quá khó, với 75% câu hỏi thuộc mức độ Nhận biết - Thông hiểu, 25% câu hỏi thuộc mức độ Vận dụng - Vận dụng cao. Trong các câu thuộc khoảng điểm 7,5 - 10 điểm, có 1 câu lớp 11, còn lại thuộc chương trình lớp 12 với độ khó tương đương đề thi tốt nghiệp THPT môn Hóa năm 2023.
Còn Đình Tuấn thì lại cho rằng, môn Vật lý có các câu hỏi về điện, cơ hệ, giao thoa ánh sáng là câu khó. Mặc dù quá trình luyện tập giải các dạng đề của mọi năm, trên câu 30 Tuấn vẫn tự tin làm được thêm 4-5 câu, nhưng đề của năm nay thì đúng là “bó tay”.
Theo cậu bạn, điểm thi tổ hợp KHXH sẽ phân ra 2 phe, 1 là 8,0 điểm và dưới 8,0 điểm, hai là phải xuất sắc hẳn mới có thể đạt 9,0-10,0 điểm.
Nhìn chung, về cơ bản, với mức độ đề như hiện tại, các thí sinh hoàn toàn yên tâm với mục tiêu xét điểm tốt nghiệp. Tất nhiên, để đạt được mức trên 8,0 đòi hỏi thí sinh phải nắm thật chắc kiến thức, có lối tư duy tốt và kỹ năng xử lý nhanh.
Kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn
Kết thúc ngày 28/6, hơn 1 triệu thí sinh trên cả nước đã hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, theo báo cáo nhanh của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), kỳ thi diễn ra nghiêm túc, an toàn, thí sinh vi phạm quy chế giảm.
Số liệu thống kê theo báo cáo của các địa phương và các đoàn thanh tra, kiểm tra cho thấy, trong cả Kỳ thi có 30 thí sinh vi phạm quy chế thi và bị đình chỉ thi do sử dụng tài liệu và mang điện thoại vào phòng thi, giảm 11 trường hợp so với năm 2023 dù tổng số thí sinh dự thi tăng so với năm ngoái. Không có cán bộ nào vi phạm quy chế thi.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi họp báo sau kỳ thi tốt nghiệp THPT |
“Đến thời điểm này, công tác tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc”, đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng ban chỉ đạo cấp quốc gia của kỳ thi tại buổi họp báo chiều nay, 28/6, sau khi kết thúc môn thi cuối cùng của kỳ thi này.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo thi quốc gia cho hay kỳ thi đã diễn ra trong điều kiện thời tiết khá thuận lợi trên cả nước.
Công tác chuẩn bị tổ chức thi được thực hiện chủ động, khẩn trương, kỹ lưỡng, chu đáo, toàn diện. Việc tổ chức coi thi tại tất cả các điểm thi bảo đảm an toàn, nghiêm túc, đúng kế hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức thi gọn nhẹ, thiết thực. Kỳ thi được tổ chức nghiêm túc, trung thực, khách quan, an toàn, đúng quy chế, bảo đảm thuận lợi và công bằng cho các đối tượng thí sinh.
Công tác đề thi an toàn, bảo mật từ Trung ương đến địa phương. Đề thi cơ bản đáp ứng yêu cầu tổ chức thi.
Theo đánh giá ban đầu của thí sinh, giáo viên và dư luận xã hội, đề thi các bài thi/môn thi nằm trong chương trình trung học phổ thông, có sự phân hóa phù hợp bảo đảm kết quả thi chính xác, khách quan dùng để xét công nhận tốt nghiệp và cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp sử dụng để tuyển sinh theo tinh thần tự chủ.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó trưởng Ban Thường trực Ban chỉ đạo thi quốc gia |
Ban Chỉ đạo thi các cấp đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc tổ chức coi thi tại các điểm thi, kịp thời phát hiện, nhắc nhở và hỗ trợ khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình tổ chức coi thi để tăng cường kỷ cương trường thi, giữ nghiêm kỷ luật phòng thi.
Một số thiếu sót trong quá trình thực thi nhiệm vụ của cán bộ làm công tác thi được khắc phục kịp thời. Các hành vi vi phạm quy chế của thí sinh đã được kịp thời phát hiện và xử lý theo đúng quy định của quy chế thi, bảo đảm tính nghiêm minh của kỳ thi. Đến thời điểm này, chưa phát hiện thí sinh sử dụng gian lận công nghệ cao.
Nhiều “điểm sáng” trong đề thi
Trước đó, vào trước buổi thi môn Ngữ văn, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã tới kiểm tra điểm thi Trường THPT B Duy Tiên, điểm thi Trường THPT Chuyên Biên Hòa, tỉnh Hà Nam và động viên học sinh, giáo viên ở 2 điểm thi này.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đánh giá cao công tác chuẩn bị cho kỳ thi đã được tỉnh Hà Nam thực hiện chu đáo, bao gồm các điều kiện chuẩn bị về cơ sở vật chất, công tác tập huấn hướng dẫn cho cán bộ cũng như hỗ trợ thí sinh…
Bộ trưởng cho hay, năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo tất cả các Sở GD&ĐT tỉnh, thành phố tập trung lưu ý dành sự hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh. Ngoài yếu tố đây là kỳ thi của lứa học sinh cuối cùng học theo chương trình giáo dục phổ thông 2006 thì các em dự thi năm nay còn là lứa học sinh chịu nhiều tác động của dịch bệnh COVID-19 và Bộ GD & ĐT đã có những điều chỉnh trong chương trình học.
Lãnh đạo Bộ GD&ĐT đặc biệt lưu ý các Sở GD&ĐT trong việc hỗ trợ thí sinh về ôn tập. Quá trình chuẩn bị đề thi, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý sao cho đề ra phù hợp với nội dung đã được tinh giản trong chương trình dạy và học.
Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thuỷ trao đổi với Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn |
Đánh giá về đề thi môn Ngữ văn, cô Hoàng Thị Ly (giáo viên môn Ngữ văn, Trường THPT Lương Ngọc Quyến, Thái Nguyên) cho biết: "Ngữ văn là môn thi mở đầu cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, kỳ thi cuối cùng theo Chương trình Giáo dục 2006, đề thi chính thức môn Ngữ văn bám sát cấu trúc của đề thi tham khảo do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố".
Cô Ly nhấn mạnh: "Đề có những điểm sáng, đáng khen khi câu nghị luận xã hội với chủ đề "tôn trọng cá tính" có ý nghĩa thiết thực. Đề thi tuy quen thuộc nhưng vẫn có thể phân hóa được học sinh. Có thể thấy đây là câu hỏi không mới nhưng khá thiết thực, tạo hứng thú với những học trò đang chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa mới mẻ của cuộc sống, nơi các em phải thể hiện năng lực và bản lĩnh cá nhân, thể hiện cá tính riêng của mình trong hành trình tới với thành công".
Cô Long Thị Hoài (giáo viên Ngữ văn, Trường THCS Chùa Hang Thái Nguyên) cho rằng, đề thi năm nay vừa sức với học sinh, câu hỏi tạo điều kiện để học sinh phát huy sự sáng tạo, quan điểm riêng của cá nhân ở câu hỏi nghị luận xã hội. Phần nghị luận văn học đưa đoạn trích trong bài “Đất nước” của tác giả Nguyễn Khoa Điềm để học sinh phân tích không chỉ đảm bảo kiến thức mà có tính giáo dục trách nhiệm thế hệ trẻ về tinh thần và lòng tự hào dân tộc.
Về đề thi môn Toán, thầy giáo Lê Mạnh Cửu (giáo viên dạy toán tại Thái Nguyên) nhận định, đề thi năm nay phù hợp với mục tiêu xét tốt nghiệp nhưng vẫn đảm bảo độ phân hoá, thuận lợi cho các trường đại học sử dụng kết quả của kỳ thi này để xét tuyển. Đề thi năm nay khó hơn năm ngoái, nhất là trong 4 câu cuối nhưng xét về cơ bản, thí sinh hoàn toàn có thể dễ dàng đạt từ 6,5-7,0 điểm, chỉ khó ở điểm 9,0-10,0, đề thi có mức độ phân hoá tốt.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn và Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Lê Thị Thuỷ trò chuyện, động viên thí sinh tại điểm thi Trường THPT B Duy Tiên |
Hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong những ngày dự thi
Việc hỗ trợ thí sinh trong kỳ thi đã được Ban Chỉ đạo thi các cấp đặc biệt quan tâm, được cả hệ thống chính trị vào cuộc.
Đội tình nguyện viên túc trực tại các điểm thi |
Các địa phương đã tích cực triển khai chương trình “Tiếp sức mùa thi”, tham gia bảo đảm an ninh, an toàn và hỗ trợ thí sinh dự thi, đồng thời có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh trong các ngày thi, bảo đảm không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi theo đúng tinh thần của Công điện số 60/CĐ-TTg ngày 22/6/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Tất cả các thí sinh, các trường hợp đặc biệt, kể cả trường hợp ốm đau, không tự viết bài được cũng đã được tạo điều kiện để có thể tham dự kỳ thi. Tại Hà Nội và một số tỉnh thành trên cả nước có thí sinh bị gãy tay, không viết được bài đã được Hội đồng thi bố trí người viết bài và thực hiện đầy đủ quy định bảo đảm thi an toàn, nghiêm túc.
Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.