Nhiều vi phạm tại chuỗi kinh doanh xe điện Hamachi
Yadea rót hơn 100 triệu USD vào Bắc Giang để sản xuất, lắp ráp xe điện |
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, vừa qua, Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường phối hợp với Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội, TP HCM và các tỉnh Đắk Lắk, Đồng Tháp, Tiền Giang, An Giang, Bình Dương, Sóc Trăng, Long An, Đồng Nai, Kiên Giang, Phú Thọ tiến hành kiểm tra 34 cơ sở kinh doanh xe đạp điện được giới thiệu trên 2 website: hamachi.vn và thegioixechaydien.com.vn.
Trên website hamachi.vn thuộc sở hữu của Công ty TNHH Hamachi Việt Nam giới thiệu chuỗi hệ thống gồm 24 showroom có tại 14 tỉnh, thành phố. Đáng chú ý, website này đăng tải hàng loạt hình ảnh của các diễn viên có tên tuổi của màn ảnh Việt Nam chụp, tạo dáng bên những chiếc xe mang thương hiệu của Hamachi.
Các trích đoạn được đăng tải thể hiện cảm nhận tích cực, sự lan tỏa của các diễn viên khi trải nghiệm và lựa chọn sử dụng xe điện nhãn hiệu Hamachi mang lại niềm tin cho người sử dụng về chất lượng của các sản phẩm đăng quảng bá và bán trên website.
Hình ảnh các "sao Việt" tạo dáng bên xe nhãn hiệu Hamachi được đăng tải trên website hamachi.vn. |
Trang website cũng thể hiện các thông tin với số lượng lên tới trên 3.500 khách hàng đã mua các sản phẩm xe điện của thương hiệu này tại 50 cửa hàng trên 63 tỉnh, thành phố.
Các sản phẩm được khẳng định trên website đều “đạt tiêu chuẩn an toàn của Cục Đăng Kiểm Việt Nam”, “là sự lựa chọn hàng đầu hiện nay đáp ứng đầy đủ các tiêu chí an toàn tiết kiệm kiểu dáng bền đẹp thời trang”.
Đặc biệt, trước hiện tượng xe cháy nổ diễn ra trong thời gian qua, để tạo uy tín đối với người tiêu dùng, trang website còn đăng tải các video giới thiệu về ắc quy của xe điện Hamachi nếu xảy ra sự cố thì cũng chỉ cháy vỏ nhựa bên ngoài dù nhân vật trải nghiệm sử dụng hình thức đốt trực tiếp khá nguy hiểm. Còn đối với xe sử dụng “pin Lithium” thì bốc cháy nghi ngút dù dùng bình xịt chuyên dụng, thậm chí còn phát nổ, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người sử dụng.
Mặc dù đăng tải nhiều thông tin về khách hàng, sự đa dạng trong sản phẩm hàng hóa với các mức giá niêm yết khác nhau tùy từng chủng lại, mẫu mã cũng như sử dụng hình ảnh của các nghệ sỹ nổi tiếng quảng bá cho sản phẩm, tuy nhiên thời điểm lực lượng chức năng tiến hành xác minh, website trên cũng chưa thực hiện thủ tục thông báo website thương mại điện tử bán hàng hoặc ứng dụng bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định trước khi bán hàng hoặc cung ứng dịch vụ đến người tiêu dùng.
Lực lượng chức năng kiểm tra các cửa hàng kinh doanh xe điện Hamachi. |
Trên địa bàn TP HCM, tại cơ sở kinh doanh Hamachi 222 Lê Văn Khương, quận 12, lực lượng Quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra và tạm giữ 30 xe đạp điện các nhãn hiệu Hamachi, Tonochi không có tài liệu chứng minh chất lượng sản phẩm hàng hóa, không gắn tem hợp quy vào sản phẩm lưu thông trên thị trường..
Tại địa chỉ Hamachi số 1022 đường Cách Mạng Tháng Tám, phường 05, quận Tân Bình (TP HCM), lực lượng Quản lý thị trường phát hiện 39 chiếc xe điện nhãn hiệu Hamachi chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và 10 bộ ắc quy dùng cho xe điện không rõ nguồn gốc, xuất xứ.
Còn trên địa bàn TP Hà Nội, kiểm tra tại địa điểm kinh doanh, Công ty TNHH HAMICHI Việt Nam, số 308C đường Trường Chinh phường Khương Thượng, quận Đống Đa, lực lượng Quản lý thị trường phát hiện 13 chiếc xe đạp điện nhãn hiệu Hamachi không gắn tem hợp quy, chưa chứng minh được nguồn gốc của hàng hóa.
Tại Kiên Giang, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra Cửa hàng số 19 - địa điểm kinh doanh Công ty TNHH Hamachi Việt Nam số 194, đường Nguyễn Trung Trực, phường Vĩnh Bảo, thành phố Rạch Giá phát hiện 10 chiếc xe đạp điện, nhãn hiệu Hamachi chưa chứng minh được về nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa, đồng thời hàng hóa không gắn dấu hợp quy theo quy định.
Tương tự Hamachi, các thông tin quảng bá trên website của thegioixechaydien.com.vn cũng thể hiện chuỗi phân phối lớn tại 4 tỉnh, thành phố gồm: TP HCM, Đồng Nai, Long An, Phú Thọ.
Có mặt tại địa điểm kinh doanh được giới thiệu trên websitethegioixechaydien.com.vn ở địa chỉ 317 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp, TP HCM ngày 14/12, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở trên đóng cửa, chuyển địa điểm kinh doanh.
Nhanh chóng xác định địa chỉ mới, tuy nhiên khi thấy lực lượng chức năng, cơ sở đã gấp rút “sập cửa” để gây khó khăn cho lực lượng trong việc tác nghiệp. Bằng biện pháp nghiệp vụ, lực lượng chức năng đã mời cơ sở hợp tác để tiến hành kiểm tra tại địa điểm kinh doanh 509 Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp.
Tại đây, đoàn kiểm tra ghi nhận, cơ sở đang trưng bày để bán các sản phẩm xe gắn máy hai bánh (điện) nhãn hiệu JVC do Công ty Cổ phần Phát triển công nghệ JVC Việt Nhật sản xuất. Mặc dù là trên nhãn hàng hóa và giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại dùng cho xe mô tô, xe gắn máy do Cục Đăng kiểm Việt Nam chứng nhận thể hiện là xe gắn máy hai bánh điện.
Tuy nhiên, thực tế tại cơ sở kinh doanh, các sản phẩm tại đây đều có gắn bàn đạp và bảng thông tin gắn trên từng xe lại thể hiện là “xe đạp điện”. Quan sát kỹ thấy xe có kiểu dáng nhỏ gọn giống y chang xe đạp điện, công suất máy lớn hơn (trên 300kw, tốc độ 30 – 40km/h).
Theo nhận định đây có thể là một trong những chiêu của nhà sản xuất đưa sản phẩm nhằm thích ứng với nhu cầu của người tiêu dùng. Thực tế này gây lầm tưởng, khó khăn phân biệt cho lực lượng chức năng khi kiểm soát phương tiện tham gia giao thông bởi xe đạp điện không chịu sự kiểm soát gắt gao và phải đăng ký như xe máy điện.