Nhật Bản chính thức mở cửa nhập khẩu vải thiều Việt Nam

Đây là năm đầu tiên quả vải tươi của Việt Nam được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu. Thị trường mới được đánh giá là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất bán, đóng gói.
Hải Dương: Không tổ chức lễ hội vải thiều Thanh Hà Hải Dương sẵn sàng xuất khẩu trực tiếp vải thiều sang Nhật Vải thiều Việt Nam được xuất khẩu sang Nhật Bản

Sáng ngày 20/4, Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương tổ chức hội nghị triển khai Kế hoạch mở rộng vùng sản xuất vải thiều theo tiêu chuẩn Quốc tế và ký hợp đồng tiêu thụ năm 2020. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, đây là năm đầu tiên quả vải tươi của Việt Nam được Nhật Bản chấp thuận nhập khẩu. So với một số nước đã nhập khẩu vải thiều trước đây, Nhật Bản được đánh giá là thị trường khó tính, đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng, xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất bán, đóng gói.

nhat ban chinh thuc mo cua nhap khau vai thieu viet nam
Ảnh minh họa.

Chia sẻ thông tin tại hội nghị này, ông Lê Nhật Thành, Giám đốc Trung tâm kiểm dịch sau nhập khẩu I (Cục BVTV, Bộ NN&PTNT) cho biết, để quả vải xuất khẩu thành công sang Nhật Bản và các thị trường khác, người trồng vải cần áp dụng thực hành sản xuất nông nghiệp tốt, lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất nhằm truy xuất nguồn gốc, kiểm soát chặt chẽ trong sử dụng thuốc BVTV theo đúng danh mục cho phép của Bộ NN&PTNT, cũng như những quy định khắt khe của các thị trường xuất khẩu hướng tới.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, ngay sau khi nhận được tín hiệu vui từ thị trường Nhật Bản, đơn vị đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chuyên môn của Cục BVTV và các doanh nghiệp xuất khẩu, đề ra các giải pháp giám sát dư lượng thuốc BVTV như: Thử nghiệm phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái, phân tích dư lượng thuốc BVTV sau phun, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc BVTV, đảm bảo thời gian cách ly thuốc trước thu hoạch để đảm bảo yêu cầu của thị trường xuất khẩu.

Tính đến 20/4, đã có 3 doanh nghiệp đăng ký vùng trồng và bao tiêu quả vải xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản và các nước. Cụ thể, Công ty CP Quốc tế Bamboo đăng ký 4 mã vùng trồng và đăng ký bao tiêu 220 tấn vải tại các vùng trồng đang được tỉnh triển khai, quản lý.

Công ty CP Ameii Việt Nam đăng ký 3 mã vùng trồng với khoảng 200 tấn. Công ty Rồng Đỏ vẫn duy trì bao tiêu sản phẩm cho 3 vùng vải xuất khẩu với diện tích khoảng 20ha để xuất khẩu đi Mỹ, Australia và khu vực Trung Đông.

Tổng diện tích vải thiều toàn tỉnh Hải Dương hiện là 9.750ha, với tổng sản lượng dự kiến 45.000 tấn.

Trong đó, tổng diện tích sản xuất vải, nhãn theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu và thị trường cao cấp là 220ha, với sản lượng dự kiến đạt 1.250 tấn. Theo dự kiến, trà vải sớm sẽ cho thu hoạch từ ngày 05-30/5/2020 và trà vải thiều cho thu hoạch từ ngày 01-25/6/2020.

Hoàng Duy (t/h)
Phiên bản di động