Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Bất cứ bài hát nào về mẹ đều rất thiêng liêng
Nhạc sĩ Trần Quế Sơn trong ngày giới thiệu đêm nhạc "Cõi quê" (Ảnh: Thu Hiền) |
Trần Quế Sơn (sinh năm 1972), quê quán tại thôn Lộc Đại, xã Quế Hiệp, Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Ông tốt nghiệp nhạc viện TP Hồ Chí Minh, là Hội viên Hội Âm Nhạc TP Hồ Chí Minh. Hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam.
Ông thường sáng tác ca khúc theo thể loại Aria hiện đại, và những ca khúc thuộc dòng nhạc Pop, Country phản ánh sâu sắc những tâm tư, tình cảm con người với thiên nhiên, quê hương, tình yêu… Phong cách rõ nét của nhạc sĩ Trần Quế Sơn là giai điệu trữ tình, lãng mạn; chủ đề mới lạ; nội dung tác phẩm thể hiện tâm hồn thuần khiết. Đặc biệt là những ca khúc sáng tác về người mẹ.
Những tác phẩm tiêu biểu của ông như: "Tre Việt Nam", "Khi một mình", "Tình quê", "Cõng mẹ đi chơi", "Yêu cái mặn mà", "Em gái quê mình", "Yêu em nhiều hơn nắng Xuân", " Lì xì nhé "…, tổ khúc giao hưởng "Sông Thu"…
Trong đó, ca khúc gây xúc động nhất cho mọi lứa tuổi là bài hát " Cõng mẹ đi chơi "; từ những em bé 4 tuổi, học sinh phổ thông đến người lớn tuổi đều đã hát ca khúc này bằng sự hồn nhiên, chân thật của mình trên sân khấu ca nhạc.
03 Album phát hành năm 2014 của ca nhạc sĩ Trần Quế Sơn gồm " Thôn Nữ - nhạc cảm thơ Bùi Giáng", "Cõng Mẹ Đi Chơi " và " Một Thời Dấu Yêu" đã gây được ấn tượng mạnh cho người nghe.
Sau nhiều lần đặt lịch phỏng vấn, ông mới dành thời gian cho phóng viên Báo Tuổi trẻ Thủ đô một cuộc trò chuyện về âm nhạc.
PV: Chào nhạc sỹ Trần Quế Sơn, tôi cũng là một người yêu nhạc của ông từ rất lâu. Sau bài “ Cõng Mẹ đi chơi” rất thành công, ông có nghĩ sẽ sáng tác một bài hát nào khác về Mẹ?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Chị tôi vừa sáng tác xong một ca khúc về mẹ và gửi tôi sửa. Còn tôi nếu có sáng tác ca khúc về Mẹ thì cũng khó vượt qua hào quang của bài “ Cõng Mẹ đi chơi”. Nhưng không sao, tôi tin bất cứ bài hát nào về mẹ trên thế giới này đều rất thiêng liêng.
Tôi yêu ba mẹ và quê nhà nên dù đi đâu rồi cũng muốn quay về với ba mẹ và thôn ổ tuổi thơ. Chính mẹ tôi là tấm gương về sự chân thật và thánh thiện để tôi học theo mẹ. Khi bạn nghe ca khúc của tôi sẽ thấy bài nào cũng là cảm xúc chân thành từ trái tim tôi, “ Cõng Mẹ đi chơi” cũng không ngoại lệ.
Mẹ vĩnh viễn rời tôi cách đây 135 ngày. Tôi cô độc bơ vơ chẳng còn chốn nào muốn về. Tôi ôm sách Nietzsche, Osho, Bùi Giáng đọc để mạnh mẽ, hồn nhiên và vơi bớt nỗi nhớ mẹ. Thật là khó khăn để chấp nhận cảnh mồ côi. Cụ Nguyễn Du nói một câu, theo tôi là hay tột đỉnh: “ Đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, ai mất mẹ mới thấm thía về tình mẫu tử. Kỷ niệm đẹp nhất của tôi là những tháng năm còn mẹ bên mình.
PV: Vậy theo ông, nhạc sỹ lúc đau buồn hay hạnh phúc thì cảm xúc sáng tác thăng hoa nhất? Hiện tại ông thấy mình nằm trong trạng thái nào?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn (Ảnh: Minh Thi) |
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Thường thì khi có cảm xúc nhạc sỹ sáng tác sẽ hay, nhưng phải là nhạc sỹ chuyên nghiệp mới làm chủ được về giai điệu và ca từ. Nhạc sỹ không chuyên nghiệp thì dễ bị cảm xúc lấn át kỹ thuật sáng tác dẫn đến tác phẩm hỏng về sự phát triển, bố cục hình thức âm nhạc, giai điệu. Vì vậy, khi nhạc sỹ khóc thì tôi khuyên nên ngưng sáng tác, chờ lúc tỉnh táo lại sáng tác tiếp. Riêng bản thân tôi đang ở giai đoạn chín nhất của đời nhạc sỹ. Tôi sáng tác bất cứ lúc nào tôi muốn.
PV: Được biết, thời gian gần đây ông vừa ra mắt một bản tình ca, ông có thể chia sẻ với độc giả gần xa được biết?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: “Anh lặn vào trong em như con cá trầm mình trong nước/Anh giấu vào đời em như con chim ẩn mình vào rừng sâu”.
Đó là 2 câu trong bản tình ca “Anh lặn vào trong em” được tôi phỏng từ thơ của anh Phan Đức Nhạn, bài hát đã ghi âm cho ca sỹ Quang Lê, hiện đã phổ biến trên mạng. Đây là ca khúc Bolero rất phù hợp với giọng ca luyến láy ngọt ngào của ca sỹ Quang Lê.
Với riêng tôi, ngôn ngữ âm nhạc của yêu thương thật kì diệu và tuyệt vời dù trải qua nghìn năm hay triệu năm vẫn mãi hồn nhiên, thơ dại như lời của bản tình ca trên.
PV: Theo ông, giá trị một tác phẩm âm nhạc nằm ở điều gì?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Nằm ở hiệu quả âm thanh, vì âm thanh làm người ta thích nghe. Đó là khí nhạc, còn về ca khúc cần có thêm chủ đề sáng tác và ca từ. Chủ đề hay, ca từ siêu việt thì tác phẩm sống lâu và có tác động rất mạnh đến cách sống, tâm hồn người nghe. Hiện nay, giữa một rừng nhạc thị trường, nhạc rác tác động quá xấu đến cách sống của lớp trẻ, lỗi tại người cấp phép cho nhạc kém chất lượng phát hành ra thị trường.
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn trao đổi với PV (Ảnh: Phan Nguyên) |
PV: Nếu sau này, có Ca sỹ yêu cầu ông sáng tác theo đơn đặt hàng với nội dung họ mong muốn ông có nhận lời không?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Các ca sỹ rất ít người bỏ ra số tiền lớn để thuê nhạc sỹ sáng tác cho mình. Thường các tập đoàn kinh tế, các công ty lớn mới đủ chi phí để thuê sáng tác. Tuỳ theo đối tác họ phải trả từ 100 triệu đến 400 triệu thì tôi mới sáng tác.
Ca khúc truyền thống của Thaco group, Trung Nam group, Biên Phòng Quảng Nam, PVFC TP HCM, Dệt may Hoà Thọ , đồng bào Cơ Tu ... là do tôi sáng tác đó.
PV: Trong tất cả các sáng tác của mình, ca khúc nào ông sáng tác trong thời gian lâu nhất?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Nhanh nhất là ca khúc “Tre Việt Nam” tôi sáng tác trong 20 phút, lâu nhất là ca khúc “Cõng Mẹ Đi Chơi” mất vài năm để phát thảo và hoàn thiện. Vì quá trình sửa chữa ca từ, phần hoà âm phối phí đến khi tôi hài lòng tuyệt đối.
PV: Khi sáng tác ông thường quan tâm tới lời ca trước hay giai điệu trước tiên?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Tôi quan tâm cả hai. Sao cho mới lạ, hấp dẫn, vì câu mở đầu bài hát rất quan trọng, nó là nền tảng để phát triển tiếp cho tác phẩm.
Người nhạc sỹ phải luôn sáng tạo, ví dụ liveshow Cõi Quê của tôi được thực hiện tại nhà hát lớn Thành phố Hồ Chí Minh nếu đã xem bạn sẽ thấy chẳng giống với live show của ai cả. Từng tranh trúc chỉ, nghệ thuật ánh sáng, nội dung lời dẫn được sắp xếp có chủ ý và hoàn toàn mới lạ.
PV: Ông thường thành công về chủ đề gia đình và quê hương đất nước. Vì sao vậy?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Vì tôi thích làm những cái khó, cái giá trị, nên hay sáng tác về quê hương, mẹ, và loạt ca khúc cảm phổ thơ đại thi sỹ Bùi Giáng có nhiều tính triết học.
Tôi viết rất đa dạng về đề tài: Các ca khúc “Con cóc”, “Con rùa”, “Cắt tóc”, “Sài Gòn tiwst”, “Sài Gòn ôi vui” là một ví dụ.
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn có một niềm say mê đặc biệt với thơ Bùi Giáng (Ảnh nhân vật cung cấp) |
PV: Điều gì thôi thúc ông phổ nhạc những tứ thơ của cố thi sỹ Bùi Giáng?
Đầu tiên phải nói đến tôi và cố thi sỹ Bùi Giáng cùng quê, nếu tính đường chim bay nhà tôi cách nhà Bùi Giáng tầm 4km, nên cảm nhận về thiên nhiên con người giống nhau, cốt cách tinh thần cũng có sự tương đồng. Thơ Bùi Giáng dùng rất nhiều từ ngữ địa phương, ngôn ngữ thơ liên quan đến âm nhạc, ca dao dân ca Quảng Nam.
Tuy thơ Bùi Giáng được cho là “phá phách ngôn ngữ” nhưng nội dung lại gần gũi và giàu tính triết lý. Ông len lỏi vào từng ngỏ ngách của cuộc đời để đồng cảm những số phận bất hạnh, chỉ cái cách ông gọi tất cả người phụ nữ trong thiên hạ là “Mẫu thân” cho thấy sự trân trọng những người phụ nữ.
PV: Có bao giờ ông nghĩ mình sẽ làm một hợp xướng hoặc một trường ca về quê hương đất nước xứ Quảng hay không?
Nhạc sỹ Trần Quế Sơn: Sau này nếu sáng tác trường ca hay giao hưởng thì tôi chọn đề tài tôi thích như: Phật Giáo, Nguyễn Du, Bùi Giáng, Ngô Tất Tố…
Riêng quê nhà Quảng Nam ngoài các ca khúc: “ Yêu cái mặn mà” “Tình quê”, “Em gái quê mình, “Anh nghe họ nói”, “Dùi Chiêng”…tôi cũng đã sáng tác trường ca “ Quê hương tôi “ cho ca sỹ Anh Thơ và Quang Hào hát từ 15 năm trước. Nếu có thời gian và sức khỏe, tôi sẽ tiếp tục sáng tác trường ca về quê hương xứ Quảng của tôi.
Cảm ơn nhạc sỹ về cuộc trò chuyện thú vị này. Chúc ông thành công.