Nhạc Nga ở Việt Nam và giai điệu Việt trên đất Nga

Trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt - Nga, lĩnh vực văn hóa cũng không kém phần sâu rộng. Đơn cử như âm nhạc cũng có mối liên hệ rất sâu sắc, trải dài gần mấy chục năm qua…
Bữa tiệc âm nhạc đặc biệt biến quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục thành "bãi biển" mát lạnh Quảng bá du lịch thông qua âm nhạc truyền thống Cùng Bia Lạc Việt tìm kiếm tài năng âm nhạc "Sao của mọi cuộc vui" với giải đặc biệt lên tới 1 tỉ đồng
Nhạc Nga ở Việt Nam và giai điệu Việt trên đất Nga

Những nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên ở Nga

Nói về sự giao lưu văn hóa, đặc biệt trong lĩnh vực âm nhạc, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội nhạc sĩ Việt Nam đã có những chia sẻ cùng độc giả của hãng thông tấn Sputnik (Nga). Theo đó, lịch sử ghi nhận giao lưu của âm nhạc hai nước bắt đầu từ năm 1958. Thời điểm đó, trong số các lưu học sinh được Việt Nam gửi sang học tập ở một số thành phố của Liên Xô, chủ yếu là Matxcơva, đã có những sinh viên đầu tiên theo chuyên ngành nghệ thuật âm nhạc.

Cố nhạc sĩ Đỗ Nhuận là một trong những sinh viên đầu tiên sang Liên Xô học tập tập thời điểm đó. Hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhạc sĩ Đỗ Nhuận mơ ước được sang Liên Xô học nhạc. Tình cờ, ông có dịp thưa với Chủ tịch Hồ Chí Minh về nguyện ước này. Bác đã ủng hộ ước mơ của “anh bộ đội trẻ” và gửi Đỗ Nhuận cùng với Trọng Bằng, Trần Quý sang Matxcơva học tập. Giảng viên đầu tiên của nhạc sĩ Đỗ Nhuận tại Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva là giáo sư âm nhạc nổi tiếng của Liên Xô Vladimir Fere.

Nhạc Nga ở Việt Nam và giai điệu Việt trên đất Nga
Giáo sư âm nhạc nổi tiếng của Liên Xô Vladimir Fere

Sau đó, nhạc sĩ Đỗ Nhuận nhiều lần gặp gỡ nhà soạn nhạc nổi tiếng Liên Xô Tikhon Khrennikov để cùng trao đổi về những nét tinh tế trong âm nhạc. Tình bạn của Đỗ Nhuận với các nhạc sĩ Liên Xô bắt nguồn từ thời trẻ ở Matxcơva và kéo dài đến tận cuối đời mỗi người. Cả Fere, Khrennikov và Igor Belorusets đều có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và sáng tạo của nhiều nhạc sĩ Việt Nam. Những bậc thầy âm nhạc Liên Xô khác từng đến Hà Nội ngay cả trong thời điểm nguy hiểm nhất vì các trận ném bom của máy bay Mỹ, cũng đã hỗ trợ đồng nghiệp Việt Nam rất nhiều.

Sau khi Liên Xô tan rã, mối liên hệ giữa các nhà soạn nhạc của hai nước đã có khoảng thời gian gián đoạn tạm thời...

Tấm thẻ thông hành dành cho sự nghiệp sáng tạo

Trong thiên niên kỷ mới với việc ký kết Hiệp định hợp tác văn hóa giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên bang Nga, sự gián đoạn này không chỉ được khắc phục mà còn có những khởi sắc tốt đẹp.

“Các chuyến trao đổi, hội ngộ của nhạc sĩ hai nước lại tiếp nối. Khi đó, tôi là lãnh đạo Ban Biên tập Âm nhạc của Đài Tiếng nói Việt Nam, có dịp sang thăm Đài Tiếng nói nước Nga (hãng thông tấn Sputnik hiện nay) để thảo luận về kế hoạch giao lưu giữa các đồng nghiệp Nga trong tòa soạn âm nhạc và đơn vị của Đài Tiếng nói Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống hợp tác, mối quan hệ giữa các hiệp hội sáng tác âm nhạc hai nước được phục hồi và phát triển. Việc nối lại đào tạo nghệ thuật âm nhạc trong các trường đại học chuyên ngành của Liên bang Nga lại bước vào kỷ nguyên mới", ông Đỗ Hồng Quân cho biết.

Nhạc Nga ở Việt Nam và giai điệu Việt trên đất Nga
Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân

Theo nhận xét của nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, trong những năm hợp tác, ở Liên Xô trước đây và Nga hiện nay đã đào tạo được khoảng 100 nhạc sĩ Việt Nam. Trong đó có nghệ sĩ piano lừng danh thế giới Đặng Thái Sơn.

Năm 16 tuổi, năng khiếu của Đặng Thái Sơn được nghệ sĩ piano Liên Xô Isaac Katz - khi đó đang hướng dẫn hội thảo tại Việt Nam - chú ý đến. Theo lời giới thiệu của ông, Đặng Thái Sơn được gửi sang học tại Nhạc viện Matxcơva. Tại đây, các giáo sư âm nhạc Vladimir Natanson và Dmitry Bashkirov đã trở thành thầy giáo của chàng sinh viên người Việt. Năm 1980, nghệ sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn tốt nghiệp Nhạc viện Tchaikovsky Matxcơva và đã giành giải Nhất cuộc thi quốc tế mang tên Chopin.

“Bản thân tôi, cựu sinh viên tốt nghiệp Nhạc viện Matxcơva, hồi tháng 6/2022 đã trở thành Ủy viên Ban Giám khảo của cuộc thi quốc tế mang tên Rachmaninov tổ chức tại Matxcơva. Cuộc thi gồm các thí sinh là nghệ sĩ piano, nhà soạn nhạc và nhạc trưởng. Tôi được vinh dự cùng các bậc thầy nổi tiếng thế giới về âm nhạc đánh giá phần trình diễn của các thành viên dự thi”, nhà soạn nhạc Đỗ Hồng Quân cho biết.

Một lễ hội bắt đầu và kết thúc bằng âm nhạc Việt Nam

Ông Đỗ Hồng Quân cũng vui mừng ghi nhận, sự phối hợp giữa các hội nhạc sĩ hai nước không ngừng phát triển, tiếp thu những hình thức và nội dung mới trong lĩnh vực nghệ thuật. Ví dụ, sau khi Liên Xô tan rã, Hiệp hội các nhà soạn nhạc Nga và Tatarstan bắt đầu tổ chức Liên hoan Âm nhạc Á - Âu tại Kazan, thủ đô của Cộng hòa Tatarstan. Năm 2013, Ban Tổ chức đã mời Hội Nhạc sĩ Việt Nam tham gia.

Nhạc Nga ở Việt Nam và giai điệu Việt trên đất Nga
Giao lưu nghệ thuật âm nhạc hữu nghị Việt - Nga thường xuyên được tổ chức

“Chúng tôi luôn nhận được sự đón tiếp nồng hậu tại lễ hội. Festival này đã được tổ chức tại Việt Nam 3 lần vào các năm 2014, 2016 và 2018. Hồi tháng 9 năm 2022, sau một thời gian tạm dừng do đại dịch, hoạt động âm nhạc sáng giá lại tiếp tục được tổ chức ở Kazan với sự tham gia của các nhóm nhạc Việt Nam và Nga. Đó là những nghệ sĩ nổi tiếng ở Nga và Việt Nam, cũng là nơi họ từng nhiều lần lưu diễn.

Liên hoan bắt đầu bằng bài hát về tình yêu, tình hữu nghị giữa hai dân tộc Việt - Nga do nhạc sĩ Lê Tự Minh sáng tác và nữ ca sĩ Nga thể hiện. Khép lại lễ hội âm nhạc là phần trình diễn sáng tác "Tiếng vọng" của tôi dành cho dàn nhạc giao hưởng.

Liên hoan Âm nhạc Á - Âu kế tiếp vào năm 2023 sẽ được tổ chức tại Việt Nam”, ông Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam chia sẻ với hãng thông tấn Sputnik.

PV
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động