Nhà đầu tư có xu hướng tìm kiếm bất động sản ở huyện ngoại thành Hà Nội
Hà Nội yêu cầu kiểm soát thị trường bất động sản, không để xảy ra sốt giá |
Theo dữ liệu từ Batdongsan.com.vn, lượng tìm kiếm bất động sản trong những tháng đầu năm 2021 đạt kỷ lục sau khi dịch bệnh bùng phát, điều đó cho thấy thị trường bất động sản giống như chiếc lò xo bị nén vào mỗi đợt dịch bùng phát, sau mỗi đợt dịch, nhu cầu bất động sản bật tăng mạnh trở lại, khi thị trường bị nén càng mạnh thì lực bật sẽ càng cao.
Thị trường bất động sản vẫn ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng “bỏ phố về quê” khi dịch bệnh xuất hiện. Xu hướng này phát triển suốt năm 2020 và có phần chững lại vào thời điểm cuối năm 2020 và đầu năm 2021 khi đất nền “sốt” ở nhiều khu vực.
Ảnh minh họa |
Sang tháng 5, khi dịch bệnh tái bùng phát với mức độ nghiêm trọng hơn, xu hướng này đã nóng trở lại. Các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên khu vực ven ngoại thành Hà Nội như Vân Canh, Ba Vì, Hòa Lạc, Sóc Sơn, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… vẫn được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ 2-7% so với thời gian trước.
Một nhà đầu tư tại Vân Canh chia sẻ, lý do để anh đầu tư ở vùng ven ngoại thành Hà Nội là vì giá của khu vực ven không quá cao nhưng nó lại sinh lời trong thời gian không quá dài từ 1-2 năm. Với tài chính khoảng 3-5 tỷ là có thể đầu tư đất nền ở khu vực vùng ven, còn trong khu vực nội thành thì khó có thể có được ô đất mà mình ưng ý.
Chia sẻ về thị trường bất động sản, ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc Batdongsan.com.vn nhận định: “Trong khi dòng tiền đang đổ vào chứng khoán thì đây cũng được cho là thời điểm tốt để các doanh nghiệp bất động sản chuẩn bị đón dòng vốn chảy vào thị trường khi dịch được kiểm soát, đồng thời cũng sẵn sàng phương án thay đổi linh hoạt để ứng phó với thị trường bất định, linh hoạt trong việc đào tạo và cả mở bán trực tuyến vì dịch có thể quay trở lại bất cứ lúc nào”.
Nhìn về dài hạn, bất động sản Việt Nam vẫn luôn là thị trường tiềm năng, bởi vì, tỷ lệ đô thị hóa 35%, đây là con số thấp hơn nhiều so với hơn 50% của Thái Lan, hơn 60% ở Trung Quốc và một lượng lớn nhu cầu với gần 100 triệu dân. Tại Việt Nam, có thể nói, sở hữu một ngôi nhà dường như là điều bắt buộc đối với một người trưởng thành.
Từ góc độ nguồn cung, có thể thấy, đại dịch Covid-19 là rủi ro nhưng cũng là cơ hội cho thị trường bất động sản. Mỗi năm Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cần khoảng 140.000 căn nhà, tuy nhiên nguồn cung rất hạn chế từ năm 2019.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản đã thay đổi chiến lược phát triển sản phẩm. Những đơn vị có nền tảng cơ bản tốt, danh mục sản phẩm đa dạng, hướng đến nhu cầu ở thực của người mua có nhiều cơ hội thắng thế.