Nhà báo và sứ mệnh số hóa
Sự thay đổi về công nghệ
Năm 2002, tôi “chân ướt chân ráo” ra trường và thực tập tại một tờ tạp chí, xuất bản 2 số/tháng. Với trách nhiệm là một phóng viên theo dõi mảng giải trí, tôi thường phải thực hiện các bài phỏng vấn nhân vật.
Dành dụm mãi, tôi mới mua được một chiếc ghi âm cát - sét chạy bằng băng. Thao tác ghi âm bằng cát - sét nhiều lúc cũng khiến tôi “dở khóc, dở cười”. Bởi lẽ, lúc phỏng vấn nhân vật, mải cuốn theo câu chuyện của họ, tôi thường quên đổi mặt băng, khi đó, nội dung cuộc phỏng vấn có thể bị thiếu hoặc tệ hại hơn là mất hoàn toàn nếu băng bị rối mà không kịp phát hiện.
Hồi đó, với kinh nghiệm và kỹ năng còn non, tôi cũng đã “trả giá” vài lần, phải gọi điện lại nhân vật để xác nhận thông tin lần nữa mỗi khi việc ghi âm gặp sự cố.
Ngoài ra, máy ảnh thời kỳ đó cũng chụp bằng phim. Yêu cầu của các tòa soạn khi đó cũng đơn giản hơn nhiều so với bây giờ nên mỗi lần phỏng vấn mà được nhân vật cung cấp ảnh sẵn là mừng lắm, bởi sẽ đỡ tốn khoản tiền “rửa ảnh”.
Dần dần, về sau chiếc cát – sét ghi âm cũng được thay thế bằng chiếc máy ghi âm kỹ thuật số. Tôi và đồng nghiệp trong tòa soạn không lo chuyện rối băng hay quên quay mặt băng nữa nhưng công đoạn gỡ băng của cánh phóng viên thì vẫn không thể thay thế.
Từ đó đến giờ đã 20 năm, có thể thấy sự thay đổi chóng mặt của công nghệ cũng khiến cho người làm báo có phần “nhàn” hơn trong cách thu thập thông tin và xử lý dữ liệu.
Đơn cử, nếu không phải là những sự kiện lớn, cần máy ảnh chuyên nghiệp thì chỉ bằng chiếc smartphone, chúng tôi đã có thể tích hợp 2 trong 1 cả việc ghi âm lẫn chụp ảnh. Hoặc cũng chỉ với chiếc điện thoại, chúng tôi có thể phỏng vấn trực tiếp nhân vật bằng tính năng Call video, qua mạng xã hội Facebook, Zalo,.. giúp thu hẹp khoảng cách không gian giữa người thực hiện phỏng vấn và đối tượng cung cấp thông tin.
Đối với phóng viên ảnh tác nghiệp tại hiện trường, quá trình truyền dữ liệu về tòa soạn có thể chỉ mất chừng 5 phút -10 phút bằng cách đưa thẻ nhớ vào đầu đọc thẻ (card reader), truyền qua smartphone về tòa soạn. Từ đó, quá trình xử lý thông tin đến xuất bản trên nền tảng điện tử nhanh chóng, cập nhật và sống động hơn.
Các phóng viên tác nghiệp |
Cạnh tranh với tin giả trên mạng xã hội
Cùng với sự phát triển của công nghệ, mạng xã hội (MXH) bùng nổ thì yêu cầu về trách nhiệm và đạo đức của người làm báo chuyên nghiệp được đề cao hơn bất cứ khi nào. Bởi lẽ, trong không gian số, ai cũng có thể có tin tức, biến trang cá nhân thành tờ báo riêng của mình.
Không chỉ vậy, nhà báo còn trở thành “bộ lọc” thông tin trước hiện tượng tin giả (Fake News) nóng hổi, tràn lan trên MXH. Câu chuyện tin giả bác sĩ Khoa rút ống thở của cha mẹ để nhường cho sản phụ trong đại dịch COVID-19 hồi tháng 8/2021 vẫn còn nóng hổi đối với người làm báo.
Thực tế đã cho thấy, MXH là nơi có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thông tin sai lệch, nhiều thông tin giả mạo, rất nhiều người đưa thông tin lên MXH thiếu tinh thần trách nhiệm, gây tác động mạnh lên đời sống xã hội, làm người dân hoang mang.
Chính lúc này, yêu cầu kiểm chứng, xác minh sự thật của nguồn tin, đưa tin, bình luận một cách chuyên nghiệp, tôn trọng các tiêu chuẩn chính xác, nhanh chóng và khách quan,… vẫn luôn là các yêu cầu được đặt lên hàng đầu đối với người làm báo chuyên nghiệp.
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân (Học viện Hành chính Quốc gia)cho rằng, trong bối cảnh cạnh tranh thông tin với MXH, các nhà báo cần có sự tinh thông nghề nghiệp, có bản lĩnh chính trị, có đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Tính thuyết phục, độ tin cậy là con đường sống còn của báo chí ngày nay và đó là trách nhiệm của nhà báo.
“MXH đang mất dần uy tín vì tin giả, nhất là khi xã hội thông tin đang có nhu cầu ngày một lớn hơn về tin chính xác, về tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Bởi qua MXH còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy Vân khẳng định.
Các phóng viên tác nghiệp tại Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31. Ảnh: Văn Tuyến |
Cần nguồn nhân lực số
Cùng với sự phát triển của báo điện tử, với đòi hỏi cao của “độc giả số”, phóng viên, biên tập viên ngày nay cũng áp lực hơn khi phải tác nghiệp mọi lúc, mọi nơi và cách truyền tải cũng bắt buộc phải đa dạng hơn.
Không chỉ là bài viết đơn thuần với ảnh minh họa, nhà báo ở thời đại số còn phải biết cách truyền tải tin tức một cách chân thực, độc đáo, sinh động thông qua nhiều loại hình đa dạng video, audio, hay thể loại đa phương tiện như Long-form, E-magazine, Mega-Story…
Thậm chí, họ còn phải hiểu sâu về các công cụ phân tích, tối ưu hóa tìm kiếm thông tin của độc giả. Sức ép đối với các ký giả vì thế không chỉ nằm ở thông tin chính xác, nhanh nhạy, kịp thời mà còn là nhắm “đúng” và “trúng” nhu cầu, xu hướng của người đọc.
Theo số liệu năm 2021, cả nước có 816 cơ quan báo chí, trong đó 114 báo thực hiện hai loại hình, 116 tạp chí thực hiện hai loại hình, 557 báo và tạp chí in, 29 báo và tạp chí điện tử; 72 cơ quan có giấy phép hoạt động PTTH với 2 đài quốc gia (Đài THVN, Đài TNVN), 1 Đài TH KTS VTC, 64 đài địa phương, 5 đơn vị hoạt động truyền hình không có hạ tầng phát sóng truyền hình riêng (Truyền hình Nhân Dân, Truyền hình Thông tấn, Truyền hình Quốc phòng Việt Nam, Truyền hình Công an Nhân dân, Truyền hình Quốc hội). Nhân sự hoạt động trong lĩnh vực báo chí có khoảng 40.000 người, trong đó khối PTTH xấp xỉ 17.000 người. Trong đó, có 17.161 người được cấp thẻ nhà báo kỳ hạn 2021 - 2025, giảm 3.971 nhà báo so với kỳ hạn 2015 - 2020. |
Vì thế, việc thành thạo kỹ năng ứng dụng công nghệ và tự trang bị kiến thức marketing, nắm bắt xu hướng của mạng xã hội trở thành yêu cầu và thách thức đối với phóng viên, biên tập viên. Điều này một lần nữa khẳng định, ở thời đại số, nhà báo trở phải nên “đa năng” và “đa nhiệm” hơn bao giờ hết.
Trong dự thảo Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, một trong những mục tiêu của quy hoạch là đến năm 2030, 100% cơ quan báo chí Việt Nam thực hiện chuyển đổi số, đổi mới toàn diện hoạt động, vận hành mô hình tòa soạn hội tụ, đa phương tiện phù hợp với sự phát triển của khoa học, công nghệ tiên tiến trên thế giới.
TS. Phan Văn Kiền (Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, để đạt được mục tiêu đó, cần có một nguồn nhân lực số trong lĩnh vực báo chí, truyền thông đáp ứng được thực tế phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cần tổ chức đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo để thu thập, phân tích, xử lý dữ liệu, sản xuất, phân phối nội dung và giám sát, đánh giá chất lượng thông tin.
Nhà báo thời đại số phải chịu áp lực cạnh tranh với MXH |
Song, quan trọng hơn nữa là tư duy của lãnh đạo cơ quan báo chí. Theo Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập báo Nhân dân Lê Quốc Minh, việc chuyển đổi số không chỉ là đầu tư công nghệ mà trước hết là chuyển đổi tư duy, vận hành của đội ngũ lãnh đạo báo chí, từ đó đến đội ngũ phóng viên, biên tập viên.
Vì thế, việc đổi mới đào tạo báo chí, truyền thông trong kỷ nguyên số không chỉ giới hạn trong nhà trường mà còn cần thực hiện đào tạo thường xuyên ngay trong các cơ quan báo chí, liên tục cập nhật xu hướng báo chí của thế giới để thích nghi và phát triển.
“Chuyển đổi số có nhiều yếu tố, nhưng lãnh đạo các cơ quan báo chí am hiểu về chuyển đổi số sẽ giúp quá trình này diễn ra nhanh chóng và thành công hơn”, Chủ tịch Hội Nhà báo Lê Quốc Minh nhấn mạnh.