Người trẻ - những bông tuyết dễ vỡ vì chịu áp lực kém

Những ngày qua, dư luận vô cùng bất bình trước vụ việc nữ bảo mẫu trẻ tuổi nghi có hành vi bạo hành bé trai 1 tháng tuổi tại Hà Nội. Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) đang xác minh vụ việc để xử lý theo quy định.
Nhiều giải pháp đối phó với nắng nóng Tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử trong giới trẻ ở mức cao Cảnh báo tác hại khôn lường của thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng với giới trẻ

Hành vi khó bỏ qua

Sáng 1/6, lãnh đạo Công an quận Hoàng Mai (Hà Nội) thông tin, cơ quan này đang tạm giữ và làm việc với nữ bảo mẫu Vũ Khánh Ch. (21 tuổi, trú thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy, Nam Định) để làm rõ hành vi bạo hành cháu bé 1 tháng tuổi.

Giải thích với gia đình cháu bé về hành động của mình, đồng thời khai báo với công an quận Hoàng Mai Ch. nói: Em bị trầm cảm.

“Đừng lấy trầm cảm ra làm cớ biện minh cho hành động sai trái. Đây là điều không chấp nhận được”, tài khoản N.D.M bình luận dưới một bài đăng về sự việc trên mạng xã hội.

Hinh ảnh được trích xuất từ camera của gia đình có em bé  bị bảo mẫ bạo hành
Hinh ảnh được trích xuất từ camera của gia đình có em bé nghi bị bảo mẫu bạo hành

Đồng quan điểm này, tài khoản L.H cũng bày tỏ: “Cuộc sống này cũng có rất nhiều thứ khiến ta áp lực, quan trọng là cách ta vượt qua”.

Đa phần, người trẻ có “đề kháng kém” trước áp lực nên dễ mắc trầm cảm, căng thẳng. Đây cũng được xem là một loại bệnh tâm lý nguy hiểm của xã hội hiện đại, có thể gây ra những hành vi tiêu cực, dại dột, mất kiểm soát.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, qua sự việc nêu trên, các gia đình trẻ khi tuyển người, đặc biệt là bảo mẫu cần phải kiểm tra kỹ càng sơ yếu lý lịch, đặc biệt là các chứng chỉ về nghề được cơ quan nhà nước cấp, giấy khám sức khoẻ…

Đối với người trẻ đi xin việc, theo TS. Nguyễn Tùng Lâm, họ cần phải tự theo dõi sức khoẻ của chính bản thân mình để từ đó có phương hướng giải quyết với căn bệnh mình mắc phải. Không thể để đến khi đi làm, có hành vi sai trái, vướng phải pháp luật mới biện minh “tôi bị trầm cảm”.

Gạt bỏ những áp lực, hướng về phía trước

Nhiều ý kiến cho rằng, người trẻ bây giờ được nuông chiều, dư dả vật chất, ít lao động, vì vậy họ thiếu đi sự rèn luyện khổ cực. Bởi thế nên nhiều người hay có thói quen đòi hỏi, thậm chí hoạnh họe người khác, không có tính bền bỉ chịu thương chịu khó. Từ những điều kiện sống như thế khiến không ít bạn trẻ đụng làm việc là căng thẳng, áp lực, gặp khó khăn là đổi lỗi cho người khác và sinh ra ức chế và nóng nảy.

TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam cho rằng, xã hội càng phát triển, càng có nhiều người bị áp lực, trong đó có không ít bạn trẻ. “Trước hết, mỗi người cần tự đánh giá mình, đến cơ quan chuyên môn để kiểm tra, đánh giá, nhận phương pháp chữa bệnh. Trầm cảm nếu không chữa trị sẽ ngày càng tăng nặng, phải tìm tới những phương pháp hỗ trợ. Người trẻ cần tránh tình trạng giấu bệnh. Đồng thời, gia đình cần hỗ trợ người bệnh”, TS. Nguyễn Tùng Lâm đưa ra lời khuyên.

Bảo mẫu trẻ
Bảo mẫu trẻ (mặc quần áo màu vàng)

Nếu thấy bản thân đang có rất nhiều vấn đề không thể giải quyết được, hãy sớm liên hệ với các chuyên gia tâm lý để được can thiệp kịp thời. Các chuyên gia sẽ đóng vai trò là người lắng nghe những vấn đề, cảm xúc khó nói trong lòng và giúp bạn nhìn thấy rõ vấn đề, thấu hiểu bản thân mình để từ đó có những cách giải quyết phù hợp nhất.

Các chuyên gia tâm lý cũng chia sẻ về việc những bạn trẻ có thể cảm thấy áp lực khi phải chạy đua qua các giai đoạn của cuộc đời, khi họ khao khát cảm giác đạt được thành tích cùng với việc hoàn thành mục tiêu. Tuy nhiên, người trẻ học cách lắng nghe chính bản thân mới là cách giải tỏa áp lực về lâu dài.

Giải pháp được đưa ra là thay vì tìm kiếm các biện pháp khắc phục nhanh chóng, những người trẻ nên nghĩ tới các mục tiêu dài hạn như: bắt đầu với những liệu pháp điều trị tâm lý kéo dài, xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh, hình thành thói quen tập thể dục và học cách sống tự lập.

Dĩ nhiên, trong cuộc sống, chúng ta không thể tránh khỏi đôi lúc “xuống tinh thần” vì áp lực. Tuy nhiên các bạn trẻ có thể tìm được ý nghĩa sống và động lực hơn khi mở lòng mình ra để sẻ chia, kết nối với bạn bè, người thân, cũng như tham gia các công việc từ thiện, xã hội bổ ích…

Đình Trung
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động