Người phụ nữ nhập viện trong đêm vì ngộ độc sau khi ăn đào mua hàng rong
135 học sinh tiểu học nhập viện sau khi ăn bánh mì từ thiện |
Hai em bé tử vong vì nấm độc và 4 hiểu nhầm tai hại của người Việt về nấm |
Co giật toàn thân do uống thuốc không tên |
Đợt cao điểm nắng nóng vừa qua, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã tiếp nhận nhiều trường hợp bị ngộ độc thức ăn, do nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng chủ yếu là xuất phát từ sự bất cẩn của người bệnh, trong việc tuân thủ các nguyên tắc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
Trường hợp của bà T.T.L, 64 tuổi, sống ở Thái Hà (Hà Nội) là một ví dụ điển hình. Theo lời kể của bệnh nhân này, 8 giờ tối 21/6, sau khi ăn 1 bát mì ăn liền, bà L. tráng miệng bằng một quả đào trước đó mua ở xe bán hàng rong. Đáng chú ý, trước khi ăn, bà không hề rửa hay gọt vỏ quả đào này. Và chỉ 30 phút sau, bà L. bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu của tình trạng ngộ độc thực phẩm.
“Ăn xong độ 30 phút, tôi thấy người nóng rực lên, bủn rủn hết chân tay, sau đó cứ nôn và đi ngoài liên tục đến 2 giờ sáng, thấy tình trạng quá nặng, thì người thân mới đưa đến bệnh viện gần nhà để cấp cứu” – Bà L. kể lại.
Được biết, tại cơ sở y tế này, kết quả đo huyết áp của bà L. chỉ đạt 80/50 mmHg. Mặc dù đã được các bác sĩ truyền nước nhưng đến 5 giờ sáng, bệnh nhân vẫn còn bị tiêu chảy và nôn. Thấy tình trạng diễn tiến nặng, đến 3 giờ chiều ngày 22/6, bà L. được chuyển đến Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vào thời điểm nhập viện, bà L. trong tình trạng đau bụng, buồn nôn, đặc biệt là bị mất nước rất nhiều do tiêu chảy gây tình trạng sốc, tụt huyết áp và suy thận.
Chuyên gia này nhận định: “Trường hợp của bà L. chúng tôi nghi ngờ là do hóa chất trong trái đào, cũng có thể là do độc tố vi khuẩn nhưng khả năng thấp hơn”.
Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ tại Trung tâm Chống độc đã nhanh chóng cấp cứu ngộ độc thực phẩm cho bà, đến nay, sau 2 ngày điều trị, tình trạng của bà L. đã cải thiện và có thể sớm xuất viện.
Qua đây, BS Nguyên cũng khuyến cáo mọi người, hóa chất còn tồn dư trên các loại thực phẩm, điển hình là trái cây, rất khó để người dân có thể nhận biết. Do đó, để bảo vệ sức khỏe của mình, cách tốt nhất là lựa chọn các sản phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, nhãn mác, có kiểm chứng và được bán qua các kênh bán hàng uy tín, chính thống.
Giai đoạn nắng nóng cũng là mùa cao điểm ngộ độc thực phẩm. Do đó, khi có những triệu chứng điển hình như nôn mửa, tiêu chảy thì cần đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám, bởi ngộ độc thực phẩm trong trường hợp diễn tiến nặng không được điều trị tích cực thì có thể để lại những hậu quả đáng tiếc như suy thận, và thậm chí là nguy cơ tử vong do sốc.