Hà Nội:

Người phụ nữ bị sốc mất máu sau khi phá thai 28 tuần tại một phòng khám tư

Bệnh viện Bạch Mai mới đây đã có văn bản báo cáo Vụ trưởng vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em về trường hợp bệnh nhân Nguyễn Thị Luyên (24 tuổi, Vĩnh Phúc) bị sốc mất máu sau khi phá thai 28 tuần tại Phòng khám số 85.
Những bà mẹ "bất đắc dĩ" phá thai Phát hiện hơn 2.000 xác thai nhi trong nhà bác sĩ Mỹ

Theo báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, vì phá thai, chị Luyện nhập viện trong tình trạng nguy kịch, ý thức vật vã, kích thích, da nhợt, đầu chi lạnh, khó đo huyết áp, chảy máu âm đạo nhiều, cũng theo báo cáo đây là lần thứ 4 chị Luyên mang thai và chị thực hiện phá thai theo yêu cầu của gia đình.

Sau khi được xử trí các biến chứng do phá thai, chị Luyên tiếp tục điều trị hồi sức tại Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Bạch Mai.

Nhận được báo cáo của Bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã đưa ra văn bản yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh Phòng khám số 85 (địa chỉ đường Giải Phóng, Hà Nội)

Trong văn bản Bộ Y tế chỉ đạo Sở Y tế Hà Nội nếu phát hiện có sai phạm tại Phòng khám thì phải xử lý nghiêm và báo cáo kết quả về Bộ Y tế trước ngày 31/12/2019.

Bên cạnh đó, Sở Y Hà Nội phải chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh các cơ sở chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em trên địa bàn, bao gồm cả cơ sở y tế công lập và cơ sở y tế tư nhân; nghiêm túc thực hiện các hoạt động chuyên môn theo Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ban hành kèm theo Quyết định số 4128 ban hành năm 2016 của Bộ Y tế. Công văn trên được Vụ trưởng vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em Nguyễn Đức Vinh ký

nguoi phu nu bi soc mat mau sau khi pha thai 28 tuan tai mot phong kham tu
Văn bản yêu cầu Sở Y tế Hà Nội kiểm tra, xác minh Phòng khám số 85 (địa chỉ đường Giải Phóng, Hà Nội) vì phá thai cho một sản phụ mang thai 28 tuần

Theo Luật sư Nguyễn Thị Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn Luật Tâm Minh: Tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều vi phạm pháp luật. Pháp luật chỉ cho phép phá thai từ 22 tuần tuổi trở xuống và phải đáp ứng những điều kiện sức khỏe, kỹ thuật, trang thiết bị … theo quy định chi tiết do Bộ Y tế ban hành.

Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 được hướng dẫn bởi khoản 3 Điều 10 Nghị định 104/2003/NĐ-CP: “Loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai, cung cấp, sử dụng các loại hóa chất, thuốc và các biện pháp khác” là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm.

Ngoài ra, theo mục 7 về Phá thai an toàn tại Quyết định số 4620/QĐ-BYT ngày 25/11/2009 của Bộ Y tế về việc ban hành “Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản”, tất cả các hành vi phá thai trên 22 tuần đều là vi phạm pháp luật.

Những hành vi vi phạm quy định về phá thai sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 84 Nghị định số 176/2013/NĐ-CP như sau:

“1. Phạt tiền từ 3.000.000 đến 5.000.000 đồng với hành vi loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đến 7.000.000 đồng với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

3. Phạt tiền từ 7.000.000 đến 10.000.000 đồng với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người mang thai loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

4. Phạt tiền từ 10.000.000 đến 12.000.000 đồng với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người mang thai phải loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

5. Phạt tiền từ 12.000.000 đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

a) Cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính;

b) Chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.

6. Phạt tiền từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng với hành vi phá thai mà biết rõ người đang mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính”.

Nếu cá nhân, tổ chức thực hiện phá thai gây thiệt hại tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe của người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội phá thai trái phép theo Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Đinh Linh
Phiên bản di động