Người giữ hồn cho Cồng chiêng Tây Nguyên
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút được xem như viên gạch nối, lưu giữ những giá trị văn hóa cồng chiêng |
Viên gạch nối, lưu giữ giá trị văn hóa cồng chiêng
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút sinh ra và lớn lên tại làng MRong Yố (Xã Iaka). Trong quá trình trưởng thành, tiếng cồng chiêng đã đi sâu vào tiềm thức của ông nói riêng và người đồng bào Tây Nguyên nói chung. Trong đời sống sinh hoạt hằng ngày như đám ma, sinh con, mừng lúa mới, bỏ mã (Pơ Thi)… thì tiếng cồng chiêng lại hòa nhịp cho điệu xoang nhún nhảy.
Với vẻ bề ngoài giản dị, đặc biệt dù ở nhà hay đi nương đi rẫy thì ông H’Mút vẫn luôn mang bộ quần áo truyền thống của người dân tộc thiểu số Jrai. Trong ngôi nhà sàn của ông là một không gian sinh hoạt đậm nét đặc trưng người Jrai, với những loại nhạc cụ dân tộc: cồng, chiêng, đàn t’rưng, trưng bày nhiều bộ trang phục người Jrai từ xa xưa…Tất cả đều được ông và gia đình lưu giữ và trưng bày trân trọng ở chính diện ngôi nhà.
Ông H’Mút cho biết, cha ông cũng là một nghệ nhân cồng chiêng có tiếng trong làng. Từ khi lên 5 tuổi ông đã theo cha đi biểu diễn công chiêng vào các dịp lễ mừng lúa mới, hay cưới, đám ma, bỏ mả… Tối về người cha thường đem chiêng ra lau chùi, ông H’Mút ngồi bên được người cha để về những tiểu sử, ý nghĩa của mỗi loại chiêng. Lớn hơn thì H’Mút được cha hướng dẫn cho cách chơi các loại chiêng, trống, đàn Tơ-rưng…và các loại nhạc cụ dân tộc khác.
Nghệ nhân Rơ Châm H’Mút còn là một giáo viên chuyên dạy các loại nhạc cụ dân tộc |
Ông tâm sự: “Hồi đó tôi mê cồng chiêng lắm, mỗi lúc rảnh rỗi tôi thường tìm lấy cành cây, gõ vào những đồ vật bằng kim loại khiến cho chúng phát ra âm vừa nhảy điệu xoang như mấy anh chị lớn trong vùng. Những lần đứng trong căn bếp nhỏ, đôi tay cũng vô tình biến chiếc muỗng, chiếc soong thành cồng, thành chiêng… dường như bất cứ chỗ nào cũng chính là sân khấu cho tiếng cồng tiếng chiêng vang lên…”.
Hơn 11 tuổi ông đã xin cho vào đội chiêng của làng. Chưa được 15 tuổi, hầu như mọi bài chiêng, bài hát của người Jrai ông đã thuộc làu làu. Thân hình bé con nhưng ông luôn được tuyển chọn mang cái chiêng Pat, chiêng Pom (bộ chiêng quý, hiếm của người Jrai) để đi biểu diễn khi làng có hội.
“Nhưng theo thời gian, giới trẻ càng ngày càng tiếp xúc với các thể loại nhạc hiện đại, xa rời tiếng chiêng. Những ngày lễ trong làng để huy động được đội chiêng khó khăn lắm. Tôi phải đi tìm những người già trong làng để đi đánh cho đủ đội chiêng. Khi đó tôi mới 20 tuổi, nhiều đêm cũng trăn trở làm sao truyền được “ngọn lửa” yêu chiêng cho những bạn trẻ cùng trang lứa như mình". - H’Mút tâm sự.
Già H’Mút luôn trăn trở , tiếng cồng chiêng sẽ đi đâu về đâu trước những thể loại âm nhạc hiện đại ngày nay |
Cùng với bố mình và già làng, ông vác gà, heo cùng với các thanh niên trong làng quyết tâm mở lớp dạy đánh cồng chiêng và múa xoang cho trẻ em và đặc biệt là thanh niên trong làng để làng ai cũng biết đánh chiêng, múa xoang hết.
“Đánh cồng chiêng là phải đánh sao cho theo đúng điệu nhạc để tránh lạc lõng với các thành viên khác trong đội. Học cồng chiêng không khó nhưng cái khó là mình phải có tình yêu với nó, người ta đánh là phải gửi tâm hồn mình vào trong từng nhịp chiêng khi ấy tiếng chiêng mới hay được…” - ông H’Mút nói.
Suốt cả đời dành cho việc duy trì tiếng chiêng trong người đồng bào Jrai, ông H’Mút có chút âu tư khi nghĩ về tiếng cồng, tiếng chiêng khi xã hội đang hiện đại hóa, các thể loại âm nhạc của thế giới đang tràn vào thì tiếng cồng chiêng sẽ đi đâu về đâu…?
Giữ cho tiếng cồng chiêng không tắt
Để văn hóa cồng chiêng của người Jrai có thể phát triển ra toàn đất nước và vươn tầm ra thế giới, già H’Mút đã tham gia biểu diễn cồng chiêng ở nhiều sự kiện lớn: Lễ hội văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên và các chương trình nghệ thuật ở các thành phố lớn như TP HCM, Hà Nội… Ngoài ra ông còn tham gia các đoàn nghệ thuật đi lưu diễn ở các nước láng giềng như Cam-pu-chia, Lào…
Nghệ nhân H’Mút người đánh trống trong một lần biểu diễn cồng chiêng |
Để văn hóa cồng chiêng mãi sống trong mỗi người con Jrai, ông đã nhận lời tham gia giảng dạy cho các học sinh trường THCS Iaka và THCS Ia Mơnông (huyện Chư Păh) và các trường nội trú của các huyện trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Năm 2013 ông đã tham gia giảng dạy cho sinh viên của Học viện Âm nhạc Hà Nội trong vòng 10 ngày. Được nhìn các học sinh, sinh viên đeo trên mình bộ chiêng và hòa nhịp vào điệu xoang là niềm động viên rất lớn của ông, để ông không ngừng cố gắng “gieo” thêm tình yêu cồng chiêng trên khắp đất nước.
Song song với đó ông đã dành dụm được nhiều bộ chiêng quý cho làng. Giờ đây trên địa bàn xã Ia Ka cũng đã hơn nữa thanh niên đều biết đánh chiêng. Nhiều nhà trong xã có đến 3 - 4 bộ chiêng quý để mỗi khi làng có hội lại đưa ra. Trong làng còn giữ 2 bộ chiêng Lào cổ trị giá đến vài chục con bò, có từ thời ông bà xưa để lại.
Một lớp học các nhạc cụ dân tộc Tây Nguyên |
Nghệ nhân H’Mút cho biết thêm, thời xưa, chỉ có con trai mới được tham gia vào đánh và đụng vào cồng đánh chiêng. Nhưng khi văn hóa cồng chiêng ngày càng mai một dần thì hiện nay đã khuyến khích phụ nữ cũng được tham gia vào đánh cồng chiêng. Điển hình như làng MRong Yố 2, đã có đội chiêng 10 người và trong đó cũng 5 nữ. Trong làng hiện đã thành lập được 4 đội: Đội lớn tuổi, đội thanh niên, đội thiếu niên và đội nữ để truyền dạy nối tiếp cho những thế hệ sau.
Ông Ksor Sum - Chủ tịch xã Ia Ka cho biết: “Theo thời gian văn hóa cồng chiêng cũng đang mai một dần. Các nghệ nhân đánh cồng chiêng “lão luyện” cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhờ có những người như nghệ nhân Rơ Châm H’Mút nên các thanh niên đã nhận thức được tầm quan trọng của cồng chiêng. Đó không đơn giản chỉ là loại nhạc cụ, mà đó còn là văn hóa truyền thống của cha ông…”.