Người đưa Samsung từ doanh nghiệp hạng trung thành đế chế công nghệ
‘Với phó chủ tịch Samsung, sang Việt Nam là việc rất quan trọng’ |
Lý do Samsung Galaxy Note 20 chưa mở bán đã “cháy hàng” |
Lee Kun Hee - người xây dựng Samsung thành đế chế công nghệ hàng đầu - vừa qua đời hôm 25/10 tại Hàn Quốc. Trong những năm lãnh đạo tập đoàn, Lee Kun Hee đã có nhiều lựa chọn chiến lược, nhạy bén, từng bước đưa Samsung đến vị trí hôm nay.
Những điều ấy được phân tích trong cuốn sách Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung (tác giả Ji Pyeong Gil, Alpha Books và NXB Thế giới phát hành tiếng Việt). Sách cũng khắc họa tinh thần, ý chí lao động, thái độ làm việc quyết liệt, phong cách quản lý của Lee Kun Hee.
Ông Lee Kun Hee năm 2008 (Ảnh: AP) |
“Công ty chúng ta phải trở thành doanh nghiệp hàng đầu”
Lee Kun Hee là con trai thứ ba của Lee Byung Chul - người sáng lập Samsung. Năm 1987, cha ông qua đời. Hai tuần sau, Lee Kun Hee lên tiếp quản vị trí chủ tịch công ty. Khi ấy, Samsung đã là một trong những tập đoàn lớn của Hàn Quốc, nhưng các sản phẩm chỉ được tiêu thụ trong nước, không có tiếng nói khi xuất khẩu ra thị trường Âu, Mỹ.
Trước tình hình ấy, Lee Kun Hee đã thực hiện nhiều cải cách nhằm “phát triển Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu trên thế giới” như lời ông nói.
Ông đề ra mục tiêu là “doanh nghiệp hàng đầu” ngay sau khi được nhậm chức chủ tịch.
Khi nhậm chức chủ tịch tập đoàn, ngày 1/2/1987, trước các nhân viên Samsung tập trung tại tòa nhà nghệ thuật Hoam (Seoul), Lee Kun Hee nói: “Tôi nguyện hiến dâng cả thân mình vì niềm vinh quang của sự sáng lập lần hai của Samsung và vì một sự khởi đầu trong việc sáng tạo ra lịch sử mới của Samsung. Đến những năm 1990, tôi sẽ phát triển Samsung thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới bằng phương thức kinh doanh không ngại thử thách, hướng tới tương lai”.
Lee Kun Hee đã đưa ra những tiêu chuẩn cao đến mức vô lý và chấp nhận mạo hiểm.
Tại lễ kỷ niệm 50 năm thành lập Samsung (năm 1988), Lee Kun Hee một lần nữa thể hiện ý chí mạnh mẽ. Ông nhắc lại mục tiêu: “Trong tình hình cạnh tranh trên thế giới đang ngày càng khốc liệt, điều mà chúng ta phải nhớ rằng con đường để tồn tại là những nhân tài và công ty hội tụ nhân tài của chúng ta phải phát triển để trở thành doanh nghiệp hàng đầu thế giới, mở rộng lĩnh vực hoạt động ra năm châu bốn bể”.
Sách Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung |
Người cải cách mạo hiểm
Tác giả cuốn Lee Kun Hee - Những lựa chọn chiến lược và kỳ tích Samsung cho rằng Lee đưa ra mục tiêu khó tin như vậy bởi ADN trong con nười ông là của người ưa mạo hiểm.
Tác giả Ji Pyeong Gil phân tích, thời điểm Lee Kun Hee lên nắm Samsung, những cải cách không thể làm từ từ, mà phải thực hiện một cuộc cách mạng thì mới giúp doanh nghiệp sống sót.
“Phải trở thành nhà cách mạng dám thách thức, lập kế hoạch và có thể tạo nên những giấc mơ về cuộc cách mạng ấy. Nhà cách mạng đó cũng chính là người ưa phiêu lưu mạo hiểm”, Ji Pyeong Gil viết.
Và Lee Kun Hee đã cải cách triệt để. Ông yêu cầu: “Hãy thay đổi tất cả trừ vợ và con cái bạn”. Tác giả Ji Pyeong Gil gọi phong thái lãnh đạo của người đứng đầu Samsung bấy giờ là “nhà mạo hiểm theo phong cách Lee Kun Hee”.
“Chỉ mạo hiểm theo phong cách Lee Kun Hee, ta mới có thể sống sót và có khả năng sinh tồn trong thời đại”. Điều mạo hiểm là hoặc Samsung trở thành doanh nghiệp hàng đầu, hoặc nếu không thành hàng đầu, ông sẽ từ chối tất cả.
Năm 1994, Samsung đạt mục tiêu từ doanh nghiệp hạng hai thành doanh nghiệp số một.
Những thiết kế, chất lượng sản phẩm và chiến lược nhân sự mà Lee Kun Hee đã chủ trương cho quả ngọt. Samsung trở thành doanh nghiệp có tên tuổi trên toàn cầu.
Sau thời gian gián đoạn, Lee Kun Hee trở lại điều hành tập đoàn. Trong gần hai năm, mỗi quý, ông đều làm thế giới ngạc nhiên với những thành quả để lại dấu ấn.
Năm 2010, khủng hoảng tiền tệ toàn cầu vẫn còn để hậu quả nặng nề, nhưng doanh thu Samsung tăng 13,4%, lợi nhuận kinh doanh tăng khoảng 60%.
Năm 2011, khủng hoảng tài chính châu Âu ảnh hưởng tới kinh tế toàn cầu, nhưng doanh thu của Samsung vẫn tăng thêm khoảng 10 tỷ USD, đạt 164 tỷ USD.
Từ năm 2010 đến 2012, Samsung phát triển chóng mặt. Hiệp hội nghiên cứu kinh doanh Nhật Bản từng cho ra cuốn sách Nỗi khiếp sợ về tập đoàn lớn thế giới Samsung. Sách có một đoạn đánh giá về Lee Kun Hee:
“Lee Kun Hee là nhà kinh doanh thiên tài. Chỉ chưa đầy 10 năm sau tuyên bố ‘Kinh doanh mới’, vị trí số 1 đã nằm gọn trong tay Samsung và Lee Kun Hee. Họ sở hữu một tốc độ phát triển đáng kinh ngạc. Samsung thật sự là tập đoàn hiếm có trên thế giới”.
Cuốn sách của tác giả Nhật cũng đánh giá công lao lớn nhất của Lee Kun Hee là đã dẫn dắt Samsung “từ một công ty chế tạo hạng ba của Hàn Quốc thành doanh nghiệp thuộc hàng top trên thế giới. Chỉ trong vòng 10 năm, Samsung đã vụt sáng thành tập đoàn hàng đầu”.