Người có công “trả lại vị trí xứng đáng cho nghề tẩm quất”

TTTĐ - Ông Trần Trung Hiếu, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội rất tâm huyết trong công tác đào tạo, tạo việc làm cho người khiếm thị. Ông có công đưa tẩm quất trở thành một nghề được Nhà nước công nhận.
Trong tháng 1, quận Cầu Giấy thăm, tặng quà Tết cho hàng nghìn đối tượng người có công và xã hội Tuổi trẻ ngành Y tri ân người có công Yên Bái: Cán bộ làm việc thông trưa chi trả tiền hỗ trợ cho người nghèo

Với nhiều đóng góp của mình, ông Hiếu được UBND thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt việc tốt” năm 2020.

Không ngừng nghiên cứu, sáng tạo

Ông Trần Trung Hiếu đã luôn tích cực triển khai công tác đào tạo nghề cho những người khiếm thị. Để nâng cao và giúp đỡ được nhiều hơn cho những hội viên, ông chủ động liên hệ vận động các tổ chức phi Chính phủ, doanh nghiệp các nhà hảo tâm mở những lớp dạy nghề miễn phí và giới thiệu việc làm cho học viên.

Ông đã tổ chức triển khai dự án “Nâng cao năng lực chuyên môn giảng dạy cho đội ngũ giáo viên dạy nghề tẩm quất và kỹ năng marketing dịch vụ tẩm quất” do quỹ Abilis Phần Lan tài trợ trị giá hơn 9.000 Euro cho 10 học viên tổ chức tại Trung tâm dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội.

Ông Trần Trung Hiếu được nhận nhiều khen thưởng
Ông Trần Trung Hiếu được nhận nhiều khen thưởng

Trung tâm dạy nghề phối hợp với nhóm “Chung tay vì người mù” huy động 50 triệu đồng tổ chức 2 lớp kỹ thuật xoa bóp chân cho người khiếm thị, nâng cao tay nghề cho 60 học viên khiếm thị tham gia; Tổ chức lớp “Khởi sự doanh nghiệp” nâng cao trình độ kỹ năng quản lý kinh tế và kiến thức khởi sự doanh nghiệp cho 30 người khiếm thị...

Từ năm 1986, ông Hiếu đã tham gia vào các hoạt động tạo việc làm cho người khiếm thị. Ông nghiên cứu các nghề thủ công như: Làm tăm, làm chổi đót… tạo việc làm cho nhiều người khiếm thị, khuyết tật. Ông từng trải qua nhiều vị trí công tác: Chủ tịch Hội Người mù quận Tây Hồ, Phó Chủ tịch Hội Người mù thành phố Hà Nội, là người có công đầu cùng Ban Thường vụ Hội trong việc đưa đề án phổ cập công nghệ thông tin vào 100% cơ sở Hội Người mù thành phố, trang bị máy vi tính, lắp đặt internet, đào tạo sử dụng công nghệ thông tin cho cán bộ, hội viên.

Năm 2012, ông Trần Trung Hiếu được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội. Ông không ngừng cố gắng nghiên cứu, sáng tạo trong công tác đào tạo việc làm cho người khiếm thị.

Trung tâm Dạy nghề Hội Người mù thành phố Hà Nội khai giảng lớp dạy nghề tẩm quất cho người khiếm thị
Trung tâm Dạy nghề khai giảng lớp đào tạo tẩm quất cho người khiếm thị

Để tạo ra những điều mới mẻ và được Nhà nước, xã hội công nhận không dễ dàng. Ông Hiếu chia sẻ: “Đào tạo việc làm cho người bình thường đã khó, đào tạo việc làm cho người khiếm thị còn khó khăn gấp nhiều lần, đặc biệt là cơ chế.

Muốn Nhà nước công nhận thì phải xây dựng đủ quy trình, chương trình, tiêu chuẩn quốc gia… Vậy nên đào tạo nghề cho người hỏng mắt càng khó khăn. Chúng tôi phải làm việc với rất nhiều chuyên gia. May mắn gặp được những người tâm huyết và cùng tham gia xây dựng giáo trình dạy nghề cho người khiếm thị. Thật sự đó là cả quá trình nung nấu, vô cùng vất vả”.

Luôn vì những người khiếm thị

Sau quá trình dài, gian nan, ông Trần Trung Hiếu rất tâm đắc khi đưa được tẩm quất vào công tác đào tạo việc làm cho người khiếm thị và được Nhà nước công nhận là một nghề. Ông vui khi bản thân có công sức cùng “trả lại vị trí xứng đáng cho nghề tẩm quất”.

Ông Hiếu đã
Ông Hiếu đã phối hợp với nhiều tổ chức hỗ trợ công tác dạy nghề cho người khiếm thị

Ông Hiếu cho biết, người mù làm tẩm quất rất thích hợp vì đặc trưng của nó là sử dụng đôi bàn tay khéo léo đến điệu nghệ. Việc tác động bằng đôi tay lên cơ thể người khác không chỉ có sự va chạm thuần túy mà còn truyền qua đó một nguồn lực “công lực, khí lực”. Nếu người làm tập trung suy nghĩ vào động tác của bàn tay mà không bị phân tán tư tưởng vào các việc khác thì đạt hiệu quả rất tốt.

Do không nhìn được, người mù chủ yếu dựa vào hoạt động của thính giác và xúc giác hay các trực giác khác để làm việc và sinh hoạt. Chính điều đó giúp đôi bàn tay của người mù trở nên nhạy cảm, tinh tế, chính xác khi làm tẩm quất và thường đem lại hiệu quả rất tốt cho khách hàng.

Vị giám đốc khiếm thị này đã tham gia “Chương trình Én xanh - Tìm kiếm và tôn vinh sáng kiến kinh doanh vì cộng đồng” do Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng, Viện Phát triển doanh nghiệp, dưới sự bảo trợ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức. Ông Hiếu đã được ghi nhận với sáng kiến “Phát huy giá trị nghề tẩm quất và tạo việc làm bền vững cho người khiếm thị”, giúp cho 90% học viên sau khi học có việc làm và thu nhập ổn định.

Hiện nay, Trung tâm dạy nghề của Hội đang được thành phố giao nhiệm vu đào tạo một số nghề phù hợp với khả năng và nhu cầu của người khiếm thị như: Tẩm quất; Tin học văn phòng; Công tác xã hội… và theo thống kê của trung tâm, 80% học viên sau khi hoàn thành các khóa học đã có việc làm, thu nhập và ứng dụng được kiến thức trong công việc.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
Phiên bản di động