Ngộ độc vì uống... tinh dầu "chữa bách bệnh"
Các triệu chứng nhận biết khi ngộ độc rượu Cảnh báo ngộ độc, suy thận cấp do uống vitamin D quá liều ở trẻ nhỏ 4 người bị ngộ độc nguy kịch tiên lượng nặng sau khi ăn bánh trôi ngô |
Uống tinh dầu để trị cúm, phòng... COVID-19
Vài năm gần đây, nhiều người chuộng dùng tinh dầu vừa tạo mùi thơm vừa như một liệu pháp massage thư giãn, trị liệu... Bên cạnh đó, có một số loại hương thơm của tinh dầu còn có tác dụng đuổi muỗi, loại bỏ côn trùng hiệu quả.
Một số loại tinh dầu còn được sử dụng để uống giúp chữa cảm cúm như tinh dầu tỏi, tinh dầu gừng... Tinh dầu là một thành phần được chiết xuất từ một hoặc nhiều phần của thực vật như rễ, lá, thân cây, hoa, cỏ bằng công nghệ chưng cất hơi nước, ép lạnh hoặc công nghệ xuất dung môi.
Nhiều người bán hàng quảng cáo uống tinh dầu tỏi có thể chữa "bách bệnh", phòng COVID-19 |
Nhiều người tiêu dùng lại cho rằng tinh dầu là “tinh tuý” của các loại thảo mộc, có nguồn gốc tự nhiên nên an toàn, lành tính. Tuy nhiên, việc sử dụng tràn lan, sử dụng sản phẩm tinh dầu không rõ nguồn gốc, xuất xứ có thể gây những hậu quả đáng tiếc…
Bởi hiện thị trường có rất nhiều sản phẩm tinh dầu, có những loại dùng để dưỡng da, có loại sử dụng để xua muỗi, xua côn trùng còn có những loại được bán để uống, sử dụng như thuốc chữa "bách bệnh" như cảm cúm, đau đầu, đau dạ dạy thậm chí người bán còn quảng cáo sản phẩm có thể phòng COVID-19.
Thành phần không rõ ràng, chất lượng không được kiểm chứng, chỉ cần được mua về và dán nhãn hàng ngoại hoặc được gắn thương hiệu "handmade" đồ có nguồn gốc thiên nhiên, thân thiện môi trường thì sản phẩm đã có thể được tiêu thụ.
Thực tế, tinh dầu có thể khiến cho sức khỏe và tinh thần con người được cải thiện. Loại thảo mộc này tốt hay xấu phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng. Tuy vậy, dù tốt thế nào cũng không nên lạm dụng.
Các thống kê cho thấy đã có nhiều vụ ngộ độc tinh dầu xảy ra trong những năm qua và hơn một nửa trong số đó là trẻ em. Các trường hợp nặng dẫn đến nôn mửa, tổn thương phổi và suy nhược hệ thần kinh trung ương.
Một số trường hợp ngộ độc xảy ra do vô tình nhầm lẫn tinh dầu với các loại thuốc nước như siro ho. Còn một số người sử dụng do hiểu sai lệch nên đã sử dụng tinh dầu bằng đường uống. Thậm chí, tinh dầu không nguyên chất có thể chứa nhiều tạp chất hoặc hóa chất độc hại khác. Nếu hít nhiều có thể gây nhức đầu hoặc ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe.
Lạm dụng tinh dầu gây ngộ độc
Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai đã từng tiếp nhận một bệnh nhân chuyển đến từ Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, ngộ độc tinh dầu quế và viêm phổi nặng.
Bệnh nhân thở theo bóp bóng, phổi thông khí kém, nhiều đờm đặc quánh. Mạch đo được 110 lần/phút, huyết áp 140/90 mmHg, SpO2 85%, đang duy trì Noradenalin 0,15 mcg/kg/phút, bụng trướng, đi ngoài phân vàng.
Sau khi uống tinh dầu quế bị đau bụng, bệnh nhân được người nhà đưa đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Thanh Hóa, được rửa dạ dày. Tuy nhiên, sau đó bệnh nhân xuất hiện tình trạng lơ mơ, tụt huyết áp.
Bệnh nhân được đặt nội khí quản, thở máy và duy trì vận mạch. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn - viêm phổi - ngộ độc tinh dầu quế trên nền bệnh nhân có tiền sử xơ gan và đái tháo đường. Bệnh nhân được chuyển tuyến lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Các loại tinh dầu là chiết xuất bay hơi, có mùi hương được sử dụng rộng rãi trong nhiều phương pháp trị liệu, từ chữa vết viêm nhiễm, nhiễm trùng nhỏ cho đến giảm căng thẳng.
Hiện nay, tinh dầu được sử dụng khá phổ biến trong cuộc sống hiện đại. Ngộ độc tinh dầu thường xảy ra do bệnh nhân uống nhầm. Ngộ độc tinh dầu quế gây tổn thương niêm mạc ruột, rối loạn tiêu hóa, biến chứng viêm phổi”.
Nhiều loại tinh dầu "handmade" không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trên thị trường |
Các bác sĩ khuyến cáo khi phát hiện ra nạn nhân uống nhầm tinh dầu, mọi người cần bình tĩnh và thực hiện biện pháp sơ cứu kịp thời, chính xác, tránh việc hoảng loạn sẽ càng làm mất thêm thời gian cũng như bỏ qua giai đoạn sơ cứu quan trọng nhất.
Việc đầu tiên mà chúng ta cần phải làm trong quá trình sơ cứu là nhanh chóng giúp nạn nhân nôn được hết chỗ tinh dầu đã uống bằng cách móc họng để nạn có thể nôn ra.
Bước tiếp theo là cần cho nạn nhân uống thật nhiều nước lọc pha ấm, rồi sau đó lại thực hiện tiếp việc móc họng nhằm gây nôn để giúp nạn nhân nôn sạch được các độc tố có trong dạ dày ra khỏi cơ thể. Tiếp theo cần nhanh chóng đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu và điều trị kịp thời.
Ngoài ra, việc xông tinh dầu tự nhiên vừa có lợi vừa có hại. Kể cả các loại tinh dầu có nguồn gốc tự nhiên như long não, ngải thơm... cũng gây hại cho con người khi hít quá nhiều. Biểu hiện phổ biến là co giật, kích thích quá độ.
Trên thị trường có nhiều loại tinh dầu. Mỗi loại lại có hàng nghìn chất, mỗi chất gây ra tác dụng khác nhau; có chất kích thích gây viêm da tiếp xúc, có chất kích thích đường hô hấp gây ho hen, có hơi dễ hấp thụ cả vào máu... Nguy hiểm hơn là gây triệu chứng thần kinh, tâm thần.
Các bác sĩ cho biết trường hợp nghi bị ngộ độc do tinh dầu cần phải mở cửa, tắt thiết bị khuếch tán tinh dầu ngay lập tức. Đồng thời, người dân phải di chuyển ra khu vực thoáng gió, liên lạc ngay cho cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, điều trị kịp thời.
Theo các chuyên gia dược học, ngộ độc tinh dầu nhẹ xảy ra phổ biến với các biểu hiện như khó chịu, choáng váng, người nôn nao... Nguyên nhân là do tinh dầu làm giảm lượng oxy trong phổi khi con người hít vào, dẫn đến gây thiếu oxy lên não.