"Nghẹt thở" đêm khai ấn Đền Trần Nam Định
Đúng 21h ngày 18/2, Ban tổ chức phát loa kêu gọi du khách ra khỏi khuôn viên đền để chuẩn bị làm lễ. Nhiều người được huy động thu đồ lễ tại các ban thờ trong và ngoài đền, tránh tình trạng sau khi khai ấn, người dân tràn vào tranh giành đồ thờ.
Người dân tin rằng xoa vào những vật linh thiêng giúp mang lại may mắn
Sau khi khai ấn, hàng rào sắt được mở cho du khách vào dâng hương. Tại đền Thiên Trường, người dân tranh nhau đặt lễ, dùng tiền xoa vào thanh bảo kiếm, chiếc chuông lớn và con hạc đặt ở lối ra của đền. Họ tin rằng khi dùng tiền lẻ hay "lá sớ" xoa mạnh vào những vật linh thiêng thì sẽ được thần linh chứng giám, ước nguyện như ý.
Ban tổ chức phải chuyển hòm công đức ra để tránh việc người dân rải tiền lẻ bừa bãi
Để tránh tình trạng rải tiền lẻ bừa bãi khắp khuôn viên đền, Ban tổ chức đã phải di chuyển hòm công đức ra sát lối đi.
Lễ khai ấn đền Trần là một trong những hoạt động trọng tâm trong mùa lễ hội tại Nam Định. Theo truyền thống, lễ khai ấn diễn ra với 3 nghi thức: Dâng hương, rước kiệu ấn và khai ấn tại Tiên Miếu nhà Trần (phủ Thiên Trường) với ý nghĩa phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước của dân tộc. Từ 5h ngày 19/2 (ngày 15 tháng Giêng), Ban tổ chức phát ấn cho người dân và du khách thập phương.
Khung cảnh đông đúc, chật chội tại lễ khai ấn Đền Trần Nam Định
Trước đó, Bà Phạm Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nam Định, Trưởng ban tổ chức Lễ khai ấn đền Trần, cho biết, thành phố đã thống nhất với các đơn vị chức năng của tỉnh và các phường trên địa bàn tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định khi tham gia lễ hội.
Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh và thành phố sẽ xử lý triệt để tình trạng sử dụng người già, trẻ nhỏ để tổ chức ăn xin, ăn mày trong dịp lễ khai ấn. Nếu phát hiện đối tượng cố tình lợi dụng thời điểm đông người để xin tiền gây phiền hà cho du khách thì lực lượng chức năng sẽ đưa những người này vào Trung tâm Bảo trợ xã hội của tỉnh để chăm sóc, quản lý cho đến khi hết lễ hội.
Phía bên ngoài cửa Đền, người người lễ bái đợi được vào trong
Lực lượng chức năng của tỉnh cũng yêu cầu chủ các khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn thành phố Nam Định không tăng giá, “chặt chém” du khách về dự hội. Ban Tổ chức đã bố trí các bãi xe xung quanh khu vực đền Trần, tại đây đã công khai bảng giá phí trông giữ xe để người dân, du khách biết, tránh tình trạng tự ý nâng giá sai quy định.
Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Nam Định đã kiểm tra các cơ sở kinh doanh, buôn bán dịch vụ ăn uống tại thành phố Nam Định, nhất là khu vực đền Trần để đề phòng nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn.
Du khách sắm mâm lễ cầu may
Bà Phạm Thị Oanh thông tin thêm, Ban Tổ chức đã chuẩn bị lượng ấn đủ để mọi người về với đền Trần đều được nhận lộc ấn và sẽ phát cho đến khi hết ấn. Năm nay, Ban Tổ chức vẫn tiếp tục sử dụng 16 camera an ninh tại khu vực diễn ra lễ khai ấn để đảm bảo an ninh trật tự, giám sát, phát hiện, nhắc nhở, xử lý những hành vi phản cảm, vi phạm quy định lễ hội.
“Ném tiền vào kiệu ấn là hành vi phản cảm, để lại hình ảnh không đẹp trong lòng nhân dân, du khách. Vì vậy, mọi người cần nâng cao ý thức, không chen lấn, xô đẩy, tự ý lấy đồ cúng trên các ban thờ, nhất là ném tiền vào kiệu ấn” - bà Oanh khuyến cáo.