"Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ôm nhau vừa cười vừa khóc!"

Mắt không còn được sáng, tai nhiều lúc nghe không rõ, nhưng khoảnh khắc lịch sử nhân dân cả nước cùng nhau đứng lên giành chính quyền năm 1945
Cận cảnh căn biệt thự sắp bị phá bỏ, từng là trạm phát sóng bản Tuyên ngôn độc lập

Ngày đêm vận động nhân dân chuẩn bị biểu tình

Những ngày tháng Tám lịch sử, chúng tôi may mắn được gặp cụ Đặng Quang Anh (SN 1924, thôn Thanh Ngọc, xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh), cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Đội trưởng Đội tự vệ cảm tử, Thư ký Mặt trận Việt Minh xã Phù Lưu.

Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ôm nhau vừa cười vừa khóc! - 1
Cụ Anh say sưa kể về những năm tháng hoạt động cách mạng.

Năm nay đã gần 100 tuổi, mắt không còn được sáng, tai nhiều lúc nghe không rõ, nhưng những ký ức về giây phút Tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945, giây phút được nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức của ông.

Thời điểm trước khi giành chính quyền, cụ Anh đang là giáo viên Bình dân học vụ, sau đó tham gia Đội tự vệ kháng Nhật, Đội tự vệ cảm tử xã Phù Lưu. Đầu năm 1945, cụ được tham gia lớp học để kết nạp Đảng tại Chi bộ Phù Lưu và bắt đầu hoạt động cách mạng một cách mạnh mẽ.

Đền Ngọc Mỹ (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) được chọn làm nơi hoạt động, phát tài liệu, lập ban kinh tài, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến. Đây cũng là lúc, ông cùng với các đảng viên đã miệt mài ngày đêm, vận động bần cố nông may cờ chuẩn bị biểu tình, vận động nhân dân đấu tranh nhằm sẵn sàng lực lượng tổng khởi nghĩa.

"Lúc đó tinh thần ai cũng rạo rực, hừng hực khí thế. Ai ai cũng một lòng quyết tâm, đoàn kết vì một mục tiêu, nhiệm vụ chung là đấu tranh thắng lợi, giành chính quyền", cụ Anh cho biết.

Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ôm nhau vừa cười vừa khóc! - 2
Đền Ngọc Mỹ (xã Phù Lưu, huyện Lộc Hà) được chọn làm nơi hoạt động, phát tài liệu, lập ban kinh tài, xây dựng lực lượng chuẩn bị cho khởi nghĩa vũ trang khi thời cơ đến.

Ngày 15/8/1945, tại đền Ngọc Mỹ, cán bộ Việt Minh đã treo cờ Tổ quốc, tổ chức mít tinh thị uy, kêu gọi nhân dân tổng Phù Lưu nổi dậy giành chính quyền. Hàng ngàn người dân từ già trẻ, trai gái ai có cuốc dùng cuốc, ai có dao dùng dao… nhất tề đứng lên Tổng khởi nghĩa để giành chính quyền.

Ngày 16/8/1945, Nhân dân tổng Phù Lưu chia làm 2 đoàn: Một đoàn tập trung tại Chợ Eo (nay thuộc xã Ích Hậu), kéo sang Cầu Trù (nay thuộc xã Phù Lưu), đi qua chợ huyện (nay thuộc xã Bình An); một đoàn tập trung tại đình Đỉnh Lự (nay thuộc xã Hồng Lộc), kéo lên rú Bin (xã Hồng Lộc).

"Khi có lời kêu gọi nhân dân tổng khởi nghĩa, nổi dậy giành chính quyền, hàng ngàn, hàng vạn người từ già trẻ, trai gái, tất cả đều nhất tề đứng lên. Dòng người sau đó kéo đến nhà lý trưởng và chánh tổng, chánh đằng buộc phải giao lại ấn tín. Trước sức mạnh của toàn dân, chúng ta đã giành chính quyền mà không phải đổ một giọt máu nào", cụ Anh nhớ lại khoảnh khắc hào hùng hơn 75 năm trước.

Cũng trong ngày 16/8/1945, Mặt trận Việt Minh tại địa phương tuyên bố thành lập chính quyền dân chủ nhân dân. Đền Ngọc Mỹ trở thành trụ sở hành chính của chính quyền cách mạng lâm thời, là địa điểm làm việc của các tổ chức như Nông hội cứu quốc, Thanh niên cứu quốc, Phụ nữ cứu quốc…

Vỡ òa niềm hạnh phúc ngày độc lập

Cụ Anh nhớ lại, thời điểm đó, khi nhân dân vùng lên, tin mừng chiến thắng khắp mọi nơi liên tiếp báo về và giây phút vỡ òa hạnh phúc mà cụ và hàng triệu người dân mong chờ cũng đã đến.

Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ôm nhau vừa cười vừa khóc! - 3
Cụ Anh xúc động khi nhớ lại ký ức hào hùng, những ngày chiến đấu và chiến thắng.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh của hàng chục vạn nhân dân, thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.

"Khi chúng tôi nghe giọng Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập vang lên từ chiếc loa phát thanh của làng, ai cũng vỡ òa, mọi người ôm nhau vừa cười, vừa khóc vì hạnh phúc. Giây phút ấy thiêng liêng lắm, hạnh phúc lắm" - cụ Anh chia sẻ đó cũng là giây phút hạnh phúc nhất trong cuộc đời.

Đến năm 1948, cụ Anh được cử đi học, rồi sau tiếp tục tham gia các phong trào kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ ở nhiều mặt trận.

Với những đóng góp trong các phong trào kháng chiến, cụ Đặng Quang Anh vinh dự được tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Hai, hạng Ba và các phần thưởng cao quý khác. Cụ Anh cũng phấn khởi cho biết, cụ đang chuẩn bị đón nhận huy hiệu 75 tuổi Đảng.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng mỗi dịp tháng Tám về, trong cụ Anh vẫn rạo rực khí thế: "Có rất nhiều ký ức đã đi qua trong cuộc đời, nhưng những năm tháng đầu tiên làm cách mạng, tham gia nổi dậy giành chính quyền vẫn là kỷ niệm đáng nhớ nhất, đẹp đẽ thiêng liêng nhất đối với tôi. Đến bây giờ trong tôi vẫn vẹn nguyên hình ảnh cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh trên nóc đền Ngọc Mỹ, trên những tuyến đường sục sôi khí thế đấu tranh".

Nghe Bác đọc Tuyên ngôn Độc lập, chúng tôi ôm nhau vừa cười vừa khóc! - 4
Với cụ Anh, đây là những gia sản của cuộc đời cụ.

Ông Nguyễn Đức Quang, Chủ tịch UBND xã Phù Lưu cho biết, theo lịch sử Đảng bộ Xã Phù Lưu, cụ Đặng Quang Anh là một trong 24 người thuộc đội cảm tử sau khi Mặt trận Việt Minh ở xã Phù Lưu được thành lập.

"Cụ Anh tham gia cách mạng rất sớm, và là người tham gia trực tiếp cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945 trên địa bàn duy nhất còn sống. Dù đã gần 100 tuổi nhưng cụ đang rất minh mẫn và khi kể về những giai đoạn lịch sử thì rất say sưa", ông Nguyễn Đức Quang cho biết.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Quang, xã Phù Lưu là địa phương đầu tiên tại Hà Tĩnh phát động cuộc Tổng khởi nghĩa nổi dậy giành chính quyền.

"Trong cuộc tổng khởi nghĩa 76 năm trước, nhân dân xã Phù Lưu đã giành chính quyền mau lẹ không đổ máu. Những dòng lịch sử đó luôn được Đảng bộ, nhân dân địa phương mãi truyền nối để ghi ơn tinh thần quả cảm, ý chí đấu tranh cho sự nghiệp độc lập dân tộc của cụ Đặng Quang Anh và những thế hệ cha ông đi trước", Chủ tịch UBND xã Phù Lưu nói.

Nguồn: Dân trí
dantri.com.vn
Phiên bản di động