Ngày trở về - Ký ức chẳng thể nào quên
Ôn lại truyền thống Cách mạng tại chương trình “Ký ức mùa Thu” Chuẩn bị diễn ra chương trình "Ký ức Hà Nội 65 năm" kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô |
Ngày về từ Hỏa Lò…
Hàng năm, cứ tới ngày 10/10, khi thành phố rộn ràng các hoạt động chào mừng ngày Giải phóng Thủ đô, tâm trạng ông Hoàng Quân Tạo (Cựu tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò, giai đoạn 1946 - 1954, Ủy viên ban liên lạc các chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà lao Hỏa Lò) lại xốn xang những cảm giác khó diễn tả.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại Hà Nội, 12 tuổi, Hoàng Quân Tạo đã bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng với nhiệm vụ thu thập đạn về cho đội du kích Hồng Hà. Còn bé chưa được cầm súng, chỉ mang lựu đạn tiếp cho các lực lượng nhưng cậu bé Tạo rất hăng hái, không ngại khó, ngại khổ.
Khi Bác Hồ phát động Toàn quốc kháng chiến vào tháng 12/1946, ông Tạo đi theo lực lượng tự vệ chiến đấu. "Với sức trẻ sôi sục, tôi cùng đồng đội đục tường xuyên từ nhà nọ sang nhà kia, xuyên qua các phố hàng Ngang, hàng Cân, hàng Bồ, hàng Bút... tạo thành đường bí mật liên hệ giữa các lực lượng, tham gia chiến đấu tại các con phố” - ông Tạo nhớ lại những ngày chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng tự hào.
Cuối năm 1948, ông Tạo được chuyển vào hoạt động bên trong, nhận tài liệu từ vùng tự do chuyển vào nội thành... Năm 1952, ông bị thực dân Pháp bắt trong khi đang chuyển tài liệu của Đảng đến các cơ sở cách mạng. Trong Nhà tù Hỏa Lò, người chiến sĩ giao liên bị đánh, bị tra tấn bằng nhiều cực hình dã man nhưng với bản chất kiên cường, tinh thần tiến công của người cách mạng ông đã cùng anh em tù chính trị đấu tranh chống lại chế độ nhà tù hà khắc. Họ còn cùng nhau tổ chức các lớp học văn hoá, chính trị nhằm trau dồi đạo đức cách mạng và nâng cao trình độ lý luận tiếp tục hoạt động cách mạng khi có thời cơ.
Qua lời kể của ông, ngày ông ra khỏi nhà tù Hỏa Lò cũng đúng là thời điểm khi Thủ đô được giải phóng. Nhớ lại khoảnh khắc lịch sử khi Hà Nội tưng bừng, hân hoan, hào sảng đón đoàn quân lớp lớp tiến vào tiếp quản Thủ đô… ông xúc động không thốt nên lời.
“Hàng năm cứ đến ngày này trong lòng tôi luôn xốn xang nhiều cảm xúc. Đó là cảm xúc của những ngày chiến đấu và ngày chiến thắng trở về", ông Hoàng Quân Tạo nói.
Hà Nội đẹp như một vườn hoa mùa xuân
Đại tá Vũ Kiểm, người chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô năm xưa được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đội quân tham gia Lễ chào cờ lịch sử vẫn rưng rưng niềm xúc động khi nhắc lại mùa thu năm ấy.
Đại tá Vũ Kiểm - người chiến sĩ được vinh dự đứng trong hàng ngũ của đại quân tham gia lễ chào cờ lịch sử trong ngày đầu tiên Hà Nội giải phóng |
Quang cảnh phố phường Hà Nội giờ phút ấy, nhà nào đều mở toang cửa ngõ. Cờ đỏ sao vàng được treo lên đỏ rực bầu trời. Mọi người nam nữ, già trẻ tỏa ra khắp đường để đón chào bộ đội Cụ Hồ về tiếp quản Thủ đô.
“Sau 60 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Hà Nội, khi đó tôi làm tổ trưởng liên lạc, được giao nhiệm vụ hộ tống cho đơn vị rút hết khỏi Thủ đô, tôi ở lại là người rút đi cuối cùng và châm lửa đốt thành, khi qua cầu Long Biên nhìn quay trở lại thấy đô thành bốc cháy.
Ngày 9/10, tôi trở về Thủ đô, ngày làm lễ chào cờ năm đó tôi làm cán bộ Đại đội, đứng hát theo nhưng lúc đó cảm động lắm, người run, nhìn lên lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới ở Cột Cờ, thấy to lắm, vui lắm” - Đại tá Vũ Kiểm xúc động nhớ lại.
Nhớ lại ngày phải rời Hà Nội, ông Phùng Đệ, Nghệ sĩ ưu tú, nguyên chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô rưng rưng: “Đêm hôm ra đi sau 60 ngày đêm chiến đấu, tất cả mọi người đều rất buồn, buồn lắm, không ai nghĩ rằng mình ra, lại cứ nghĩ rằng sẵn sàng quyết tử ở Hà Nội cơ, chết ở Hà Nội cũng vinh dự. Không ai muốn ra, nhiều người khóc, khi buộc phải ra, nhiều người lấy gạch, lấy than viết lên trên tường “Hẹn ngày trở lại, Hà Nội ơi chúng tôi xa nhớ Hà Nội lắm. Hỡi quân xâm lược Pháp chúng tao hẹn có ngày chiến thắng trở về”.
Và rồi, cuối cùng ngày mong chờ đó đã đến, ngày 10/10/1954 ông cùng các chiến sĩ trở về Hà Nội, được đón tiếp trong rừng cờ hoa rực rỡ với những tiếng reo hò hoan hô các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô trở về giải phóng quê hương, giải phóng Hà Nội.
Đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội đi qua các phố để về sân Cột Cờ trong Hoàng Thành Thăng Long. Đoàn người đi tới đâu là rừng cờ hoa vẫy chào với những tiếng hát xen lẫn tiếng hò reo “Hoan hô các chiến sĩ về giải phóng Thủ đô”, “Hồ Chủ tịch muôn năm”…
“Không khí ngày đó thật hào hùng và náo nức. Lịch sử Hà Nội có lẽ chưa có ngày nào tưng bừng và vui sướng như ngày hôm đó. Trong sân Cột Cờ các khối bộ binh, pháo binh, công binh, thông tin, cơ giới, quân y đội ngũ trang nghiêm thẳng tắp, các chiến sĩ trang phục mới tinh. Nhân dân Hà Nội ăn mặc chỉnh tề, trang phục của các cô gái và các em thiếu nhi nhiều màu sắc, tay cầm cờ hoa đứng bao kín phía sau các khối quân đội, trông rực rỡ, đẹp như một vườn hoa khổng lồ của một mùa xuân”, ông Phùng Đệ xúc động nhớ lại khoảng khắc lịch sử thiêng liêng.