Ngành khí tượng thủy văn: 75 năm “đo gió, đếm mưa” đồng hành đất nước

Suốt chặng đường lịch sử 75 năm, các cán bộ công nhân viên ngành khí tượng thủy văn (KTTV) không quản ngại từ núi cao, rừng sâu đến chốn trùng khơi thầm lặng đo từng con sóng, dõi từng con nước, đếm từng tia chớp phục vụ kịp thời, hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai, phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng và an ninh phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Việt Nam chưa tính được sự ảnh hưởng của việc xả lũ từ phía Trung Quốc Thời tiết 2020 sẽ nóng hơn, khô hạn hơn, bão lũ tập trung vào cuối năm Hạn mặn sẽ đến sớm từ 1 đến 2 tháng ở một số tỉnh ĐBSCL

Trong hoàn cảnh nào, công tác quan trắc cũng không gián đoạn

GS.TS Trần Hồng Thái - Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết: Chặng đường lịch sử của ngành KTTV Việt Nam được ghi dấu xác định từ ngày 03 tháng 10 năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ban hành Sắc lệnh số 41 đưa Sở Thiên văn và Đài Thiên văn Phủ Liễn về trực thuộc Bộ Công chính và Giao thông với tên gọi Sở Khí tượng, đánh dấu sự kiện lịch sử sáp nhập cơ quan Khí tượng thuộc về Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ra đời ngành Khí tượng thủy văn Việt Nam.

Ngay từ những ngày đầu thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cán bộ của Ngành đã theo Chính phủ lên chiến khu Việt Bắc vừa tham gia chiến đấu, sản xuất, dậy học vừa chuẩn bị cho việc đào tạo cán bộ tương lai của Ngành.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ - Ne - Vơ năm 1954, lập lại hòa bình ở Đông Dương, các hoạt động Khí tượng Thủy văn (KTTV bắt đầu phát triển mạnh mẽ để phục vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngành khí tượng thủy văn: 75 năm “đo gió, đếm mưa”
Đài thiên văn Phù Liễn - Trạm khí tượng 100 tuổi ở Hải Phòng

Đến kháng chiến chống Mỹ, ngành đã khôi phục phát triển mạnh mẽ mạng lưới quan trắc với hơn 400 trạm khí tượng, hải văn, thủy văn, khí tượng nông nghiệp, thám không vô tuyến... và phát triển mạng lưới thủy văn ở 600 xã miền Bắc. Cùng với đó là công tác ứng phó kịp thời với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ. Suốt 8 năm chiến tranh phá hoại ác liệt ở Miền Bắc, đã có 40% số trạm bị bắn phá ác liệt, có trạm bị bắn phá hàng chục lần nhưng công tác quan trắc không bao giờ bị gián đoạn.

Ngành khí tượng thủy văn: 75 năm “đo gió, đếm mưa”
Sau gần một tháng đầu của năm học mới, không chỉ học sinh lớp 1 nhọc nhằn “đánh vật” với con chữ mà cả phụ huynh, giáo viên cũng đau đầu…

“Trong đó có những trang số liệu đang khai thác hôm nay đã phải trả bằng máu của gần 40 cán bộ, quan trắc viên KTTV, trong đó có 20 cán bộ được công nhận là liệt sỹ đã anh dũng hy sinh trong khi làm nhiệm vụ quan trắc, chiến đấu dưới làn bom đạn Mỹ”, GS.TS Trần Hồng Thái cho biết.

Trong những năm chiến tranh biên giới phía Bắc và Phía Tây Nam cũng như khôi phục đất nước sau chiến tranh, mạng lưới trạm KTTV của Ngành tiếp tục được phát triển ở những vùng núi cao, đảo xa như Bãi nổi Huyền Trân, Trường Sa, Phú Quý, Thổ Chu, Côn Đảo, Song Tử Tây, Mường Tè, Hoàng Su Phì... góp phần bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc trên các tỉnh Biên giới, nơi hải đảo và vùng Biển Đông.

Đầu tư công nghệ nâng cao chất lượng dự báo KTTV

Trải qua 75 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, ngành Khí tượng thủy văn đã không ngừng lớn mạnh và phát triển, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng và bảo vệ sự bình an cho đời sống sinh hoạt của người dân trên mọi miền Đất nước.

Ngành khí tượng thủy văn: 75 năm “đo gió, đếm mưa”

Để làm công tác dự báo, cung cấp kịp thời, chính xác thông tin và luận cứ khoa học, ngành KTTV luôn phải đi trước một bước. Chính vì vậy, ngày nay, hầu hết các thành tựu mới của nhân loại trong lĩnh vực công nghệ thông tin đã được ứng dụng trong lĩnh vực truyền tin KTTV: Hệ thống mạng LAN, Internet trong nội bộ, truyền tin vệ tinh, GPRS,... kết nối các trạm tự động với Trung tâm. Công nghệ tính toán cũng từng bước được phát triển như hệ thống máy tính hiệu năng cao, siêu máy tính mini,... Công nghệ dự báo những ngày đầu chỉ là việc tính toán thống kê, đúc kết bằng kinh nghiệm của dự báo viên, thời điểm năm 1998 khi internet bắt đầu phát triển tại Việt Nam, ngành đã chủ động nghiên cứu khai thác dự báo số trị của Nhật để ứng dụng thử nghiệm từ những năm 2000.

Trong giai đoạn 2010-2020, nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV như: trung tâm dữ liệu (Data center) đạt gần tới tiêu chuẩn quốc tế Tier 3; hệ thống hội thảo trực tuyến từ trung ương đến 9 Đài KTTV khu vực và 54 Đài KTTV tỉn; thống nhất dữ liệu KTTV trong và ngoài nước. Cũng trong giai đoạn này, 8 đề tài khoa học cấp bộ, cấp nhà nước được triển khai nghiên cứu, đưa vào ứng dụng; 27 dự án hợp tác quốc tế đã và đang triển khai góp phần tích cực vào hiện đại hóa công nghệ, thiết bị cũng như phát triển nguồn nhân lực của ngành.

Ngành khí tượng thủy văn: 75 năm “đo gió, đếm mưa”
Nhiều công nghệ, thiết bị mới đã được đầu tư, nghiên cứu đưa vào ứng dụng trong tác nghiệp góp phần nâng cao chất lượng công tác dự báo KTTV

Nhờ đó, công tác dự báo phục vụ những năm gần đây đã từng bước được nâng cao, đáp ứng được nhu cầu của xã hội, kể cả trong phòng chống thiên tai và ứng dụng thông tin vào sản xuất hàng ngày của các cơ quan, ngành, địa phương.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết: “Trong dài hạn, các cảnh báo, dự báo về khả năng thiếu nước, hạn hán, xâm nhập mặn trước 2-3 tháng đã giúp chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại ở Nam Bộ trong năm qua và chúng tôi tiếp tục cảnh báo diễn biến xâm nhập mặn cao trong năm nay ở ĐBSCL. Các dự báo, cảnh báo trước 3-5 ngày đối với bão/ATNĐ đã giúp cho công tác ứng phó trên biển tốt. Nhiều năm nay, hầu như không có thiệt hại về người trên biển do bão/ATNĐ. Các dự báo mưa lũ lớn, KKL, nắng nóng gay gắt cũng đạt yêu cầu phòng chống. Dự báo thời tiết đến 10 ngày cho hơn 650 điểm (quận, huyện) của các đơn vị dự báo trong Tổng cục KTTV đã và đang được tham khảo rộng rãi trong cộng đồng (trên website, trên các phương tiện thông tin đại chúng),…”

Minh chứng cho năng lực hiện nay của KTTV Việt Nam là đã được Tổ chức Khí tượng Thế giới tín nhiệm, giao nhiệm vụ thực hiện dự báo hỗ trợ hàng ngày cho các nước Đông Nam Á, về các thiên tai như bão, mưa lớn, gió mạnh, lũ quét. Bên cạnh đó, lần đầu tiên Đại diện của Việt Nam được Tổ chức Khí tượng Thế giới giới thiệu và được tín nhiệm bầu là Phó Chủ tịch Hiệp hội Khí tượng khu vực II châu Á (RAII). Đây là những thành quả nỗ lực của Ngành KTTV Việt Nam trong suốt chặng đường 75 năm lịch sử.

Trong giai đoạn tới, ngành KTTV sẽ tập trung các nguồn lực để phát triển đồng bộ theo hướng hiện đại hoá và tự động hóa, nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật KTTV trong phạm vi cả nước, nâng cao năng lực quan trắc, dự báo, cảnh báo KTTV, trọng tâm là dự báo, cảnh báo các thiên tai liên quan đến bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất,… đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và phục vụ phòng tránh và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai được dự báo là ngày càng phức tạp, khó lường.

Huyền My
Phiên bản di động