Ngành dệt may vẫn giữ lao động bằng mọi giá dù khó khăn
Dệt may Việt Nam 'ngồi trên lửa' vì Covid-19 Dệt may có thể thiệt hại 3.000 tỷ đồng mỗi tháng vì dịch Covid-19 |
Mở đầu bài phát biểu của mình tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp sáng 9/5, ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex) đánh giá khó khăn của đợt khủng hoảng Covid-19 là chưa bao giờ có, các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi dịch này, không riêng gì dệt may, và nhất là các ngành có mức độ hội nhập quốc tế càng sâu rộng như dệt may thì ảnh hưởng càng lớn.
Ông Lê Tiến Trường - Tổng giám đốc Tập đoàn dệt may Việt Nam (Vinatex). |
Ông Trường nhận định đã có khủng hoảng chắc chắn sẽ có tổn thương, vấn đề là doanh nghiệp cần xác định mục tiêu ưu tiên cần bảo vệ của mình là cái gì để trong giai đoạn này dứt khoát phải bảo vệ. "Ngành dệt may xác định hai tài sản lớn nhất phải bảo vệ bằng mọi giá là lao động và vị trí của ngành trong chuỗi cung ứng toàn cầu'', ông Trường nói.
Theo ông Trường, nếu cho lao động nghỉ chờ việc thì dù có được nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng của Chính phủ thì người lao động vẫn phải đi tìm việc làm khác ngay để duy trì cuộc sống. Cho nên, nếu đã cho nghỉ thì dự báo khả năng mất trên 50% lao động sau đợt nghỉ là rất rõ ràng. Và khi thị trường quay trở lại thì doanh nghiệp cũng không còn lực lượng để phục hồi sản xuất nhanh nữa.
Vì vậy, các doanh nghiệp dệt may không chọn phương án nghỉ chờ việc để nhận hỗ trợ 1,8 triệu đồng của Chính phủ, mà chọn phương án sản xuất mọi mặt hàng có thể làm được trên trang thiết bị công nghệ hiện có dù nhiều khó khăn, thu nhập doanh nghiệp thấp so với mặt hàng truyền thống.
"Ưu tiên của chúng tôi là đủ chi phí trả lương ở mức trên tối thiểu cho người lao động, còn doanh nghiệp chấp nhận khấu hao không đầy đủ và thiếu nhiều chi phí quản lý'', ông Trường chia sẻ.
Trước những khó khăn của ngành, tại Hội nghị, ông Trường đã kiến nghị xin được miễn bảo hiểm xã hội, công đoàn phí từ tháng 5 đến hết tháng 12/2020, bởi đây là chi phí đi ra rất lớn của các doanh nghiệp, trong khi còn gặp rất nhiều khó khăn
Bên cạnh đó, ông Trường cũng kiến nghị phê duyệt và chuẩn bị nhanh các hướng dẫn để EVFTA có hiệu lực thì các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ hưởng được lợi thế của nó, vì Quốc hội phê duyệt nhưng chưa đủ các hưỡng dẫn, thông tư thì cũng không tận dụng được quy tắc xuất xứ này và không tận dụng được giảm thuế.