Ngân hàng VIB bị truy thu thuế hơn 5,7 tỷ đồng
Vì sao VIB là ngân hàng đầu tiên đạt cả 3 trụ cột Basel II? Soi 'sức khỏe' của VIB từ những con số đẹp |
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB) vừa công bố thông tin bất thường liên quan đến khoản thuế phải nộp bổ sung cho Nhà nước.
Theo đó, ngày 11/11/2019, Tổng cục Thuế đã có kết luận về việc thanh tra thuế tại VIB cho kỳ quyết toán thuế từ năm 2017 đến năm 2018.
Cụ thể, VIB phải nộp bổ sung số tiền 5.708.771.230 đồng vào ngân sách Nhà nước.
Ảnh minh họa. |
Ngân hàng cho biết đã đã nộp đủ số tiền trên với cơ quan thuế vào ngày 4/11/2019. Đáng nói, sự việc đã diễn ra cách đây gần cả tháng trời nhưng ngày 31/12/2019, VIB mới công bố thông tin này.
Mới đây, VIB công bố là ngân hàng Việt Nam đầu tiên hoàn thành triển khai cả 3 trụ cột của Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định tại thông tư 41/2016/TT-NHNN và thông tư 13/2018/TT-NHNN.
Theo báo cáo của nhà băng này, tính đến cuối tháng 9/2019, hệ số an toàn vốn (CAR) tính theo Thông tư 41/2016 của ngân hàng ở mức 9,66% (tiêu chuẩn tối thiểu là 8%); tổng vốn Basel II của ngân hàng đạt 13.817 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn cấp 1 là 12.503 tỷ đồng. Còn số dư tài sản có rủi ro của ngân hàng cùng thời điểm cũng là 143.054 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là hoạt động tín dụng chiếm gần 91%.
Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2019, trong 9 tháng đầu năm 2019, thu nhập lãi thuần của VIB đạt 4.536 tỷ đồng, tăng 28%; hoạt động dịch vụ có lãi 1.276 tỷ đồng, tăng 145%. Việc lãi từ dịch vụ tăng đột biến chủ yếu nhờ khoản thu phí hoa hồng bảo hiểm tăng 4,7 lần.
Trong khi đó, hoạt động kinh doanh ngoại hối bị lỗ tới 115 tỷ đồng; hoạt động chứng khoán đầu tư lỗ 523 triệu đồng; lãi từ hoạt động khác đạt 173 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ. Theo đó, tổng thu nhập hoạt động của VIB trong 9 tháng đạt 5.870 tỷ đồng, tăng 40%.
Bên cạnh đó, chi phí hoạt động của VIB trong 9 tháng năm 2019 đạt 2.435 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ; chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng 11% lên 519 tỷ đồng.
Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2019, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.915 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.332 tỷ đồng, tăng 69% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chiếu theo báo cáo tài chính, tính đến cuối tháng 9, tổng tài sản của VIB đạt 175.658 tỷ đồng, tăng 26,2% so với đầu năm. Đáng chú ý, dư nợ cho vay khách hàng của VIB đạt 123.223 tỷ đồng, tăng tới 28% so với thời điểm đầu năm, tăng cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Theo thuyết minh báo cáo tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2019, VIB cho vay khách hàng thiên về trung hạn và dài hạn. Tỷ trọng cho vay trung và dài hạn trong tổng dư nợ cho vay tính đến hết ngày 30/9/2019 của VIB lên đến 82%, cũng thuộc hàng cao nhất hệ thống ngân hàng.
Việc cho vay trung và dài hạn thường có lãi suất cao, kéo theo đó là lợi nhuận cao hơn là do kỳ hạn càng dài rủi ro càng lớn, rủi ro càng lớn thì lãi suất phải cao để bù đắp tổn thất dự kiến. Bên cạnh đó, ngân hàng còn có một rủi ro khác là rủi ro lệch hạn.
Về cơ bản, ngân hàng như một đơn vị kinh doanh theo cách nhận tiền gửi rồi cho vay để hưởng chênh lệch lãi suất. Tuy nhiên, khác với người gửi tiền có quyền rút tiền gửi bất cứ lúc nào, thì ngân hàng lại không thể thu hồi các khoản đã cho vay tùy tiện mà theo hợp đồng cho vay đã ký kết với khách hàng.
Như vậy, ngân hàng cho vay kỳ hạn càng dài, càng khó thu hồi sớm các khoản đã cho vay để thanh toán nhanh cho người gửi tiền. Khi lượng người rút tiền đột ngột lớn đến một mức độ nào đó, ngân hàng có thể tạm thời không tự chi trả được cho người gửi tiền và phải nhờ đến sự hỗ trợ của Ngân hàng Nhà nước. Chính vì thế, Ngân hàng Nhà nước cũng có quy định cụ thể về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, như là một cách để quản lý rủi ro lệch hạn.
Mặt khác, tại ngày 30/9/2019, nợ xấu tại VIB là 2.234 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn chiếm tới 1.728 tỷ đồng.