Ngã rẽ của Trump trong hòa đàm với Taliban
Trump hủy hòa đàm bí mật với Taliban Phiến quân Taliban trả tự do cho 40 nhân viên an ninh Afghanistan |
Vào tối thứ sáu trước Ngày Lao động 2/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump tập hợp các cố vấn hàng đầu tại Phòng Tình huống, Nhà Trắng, để cùng cân nhắc những gì có thể là một trong các quyết định quan trọng nhất trong nhiệm kỳ của ông: Một thỏa thuận hòa bình với Taliban sau 18 năm chiến tranh đẫm máu ở Afghanistan.
Cuộc họp đã dẫn tới tranh cãi quyết liệt trong đội ngũ chính sách đối ngoại của Trump, với bên "chủ hòa" là Ngoại trưởng Mike Pompeo, còn phía bên kia "chiến tuyến" Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton, người có quan điểm cứng rắn đối với Taliban.
Khi thảo luận các điều khoản, Ngoại trưởng Pompeo và nhà đàm phán của mình, Zalmay Khalilzad, cho rằng thỏa thuận hòa bình với Taliban sẽ cho phép Tổng thống Trump bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan trong khi vẫn bảo đảm được cam kết rằng Taliban sẽ không dung dưỡng cho các phần tử khủng bố.
Dù đang ở thăm Warsaw, Ba Lan, Cố vấn Bolton liên lạc về Nhà Trắng, khẳng định Tổng thống Trump vẫn có thể giữ lời hứa rút quân trong chiến dịch tranh cử mà không cần phải ngồi vào bàn đàm phán với kẻ thù.
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters. |
Trump không đưa ra quyết định ngay, nhưng ý tưởng hoàn tất các cuộc đàm phán với Taliban ngay tại Washington dần thu hút được sự quan tâm của ông chủ Nhà Trắng bởi cảnh tượng ấn tượng mà nó tạo ra. Tổng thống Mỹ gợi ý ông sẽ mời cả Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani tham gia ký kết thỏa thuận hòa bình.
Những ngày sau đó, Trump nảy ra một ý tưởng thậm chí còn ấn tượng hơn: Ông sẽ đưa đại diện Taliban tới không chỉ Washington mà còn cả Trại David, nơi nghỉ dưỡng của các tổng thống Mỹ.
Các thủ lĩnh của một tổ chức quân sự bị Mỹ liệt vào danh sách khủng bố sẽ được đón tiếp tại nơi từng đón tổng thống, thủ tướng và quốc vương từ nhiều quốc gia trên thế giới, chỉ ba ngày trước lễ kỷ niệm vụ khủng bố 11/9/2001, sự kiện dẫn tới cuộc chiến tranh Afghanistan.
Đối với Trump, chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan luôn là vấn đề trọng tâm cần giải quyết kể từ khi ông nhậm chức, một thành tựu mang tính dấu ấn có thể giúp ông tái đắc cử vào năm sau. Trong gần một năm, Khalilzad, cựu đại sứ Mỹ tại Afghanistan, đã tham gia hàng loạt cuộc đàm phán với Taliban nhằm hiện thực hóa mục tiêu trên.
Những tuần gần đây, Mỹ và Taliban cho thấy rõ ràng rằng sau 9 phiên thảo luận căng thẳng ở Doha, Qatar, họ đã giải quyết được hầu hết các vấn đề khúc mắc. Khalilzad tuyên bố những văn bản thỏa thuận đã hoàn thiện "về cơ bản".
Thỏa thuận kêu gọi Mỹ rút dần 14.000 binh sĩ còn hiện diện ở Afghanistan sau 16 tháng và 5.000 binh sĩ đầu tiên sẽ rút về nước trong vòng 135 ngày. Đổi lại, Taliban sẽ cung cấp những đảm bảo nhằm xoa dịu nỗi sợ của người Mỹ về khả năng lặp lại vụ khủng bố 11/9.
Nhưng cuộc đàm phán lại gạt chính phủ Afghanistan sang một bên và các quan chức chính quyền Ghani chỉ trích thỏa thuận thiếu vắng những biện pháp giúp giữ ổn định xã hội nước này. Ở Mỹ, Trump đối diện với sự phản đối từ thượng nghị sĩ Lindsey Graham, tướng về hưu Jack Keanevà David Petraeus, cựu chỉ huy quân sự tại Iraq và Afghanistan.
Bolton là tiếng nói đi đầu chống lại thỏa thuận từ nội bộ chính quyền, trong khi các đồng minh của Ngoại trưởng Pompeo tìm mọi cách để cô lập cố vấn có quan điểm cứng rắn này. Theo Bolton, Tổng thống Trump có thể rút 5.000 quân nhưng vẫn giữ lại một lực lượng đủ lớn để hỗ trợ những nỗ lực chống khủng bố mà không cần ký thỏa thuận với Taliban.
Trong một cuộc phỏng vấn ngày 8/9, Graham cho biết ông chia sẻ mong muốn chấm dứt cuộc chiến ở Afghanistan của Tổng thống Trump, nhưng không đồng tình với ý tưởng rút hết quân khỏi quốc gia này cũng như không thể tin tưởng giao cho Taliban nhiệm vụ chống al-Qaeda và Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Khi Khalilzad rời Doha sau vòng đàm phán cuối cùng ngày 1/9, hai ngày sau cuộc họp tại Phòng Tình huống, ông và các đại diện Taliban đã hoàn tất văn bản thỏa thuận. Người đứng đầu mỗi bên ký nháy vào bản sao rồi nộp lại cho chủ nhà Qatar.
Trước thời điểm khép lại cuộc gặp, Khalilzad nêu ý tưởng đưa các đại diện Taliban tới Washington. Thủ lĩnh Taliban nói họ đồng ý miễn là chuyến đi được thực hiện sau khi ký kết thỏa thuận. Đây trở thành điểm chia rẽ dẫn tới sự sụp đổ của cuộc đàm phán.
Zalmay Khalilzad, người dẫn đầu phái đoàn Mỹ đàm phán với Taliban. Ảnh: Reuters. |
Trump không muốn biến cuộc gặp tại Trại David thành sự kiện ăn mừng thỏa thuận thành công mà ông muốn đóng vai trò như nhà đàm phán góp phần hoàn thành những mảnh ghép cuối cùng. Ý tưởng là Trump sẽ tổ chức các cuộc gặp riêng rẽ với Taliban và với Tổng thống Ghani rồi dẫn tới một nghị quyết mang tính toàn cầu hơn.
Khi các cuộc thảo luận ở Doha chuẩn bị khép lại, đại sứ Mỹ tại Afghanistan đã tới dinh tổng thống ở Kabul với lời đề nghị về một cuộc gặp tại Trại David. Theo kế hoạch ban đầu, một máy bay Mỹ sẽ tới đón Tổng thống Ghani cùng đoàn tùy tùng tới Washington.
Các bộ trưởng của chính quyền Ghani biết đoàn đại diện Taliban gần như chắc chắn cũng tới nhưng không rõ chi tiết. Họ đặt ra ba ưu tiên gồm số phận cuộc bầu cử tổng thống dự kiến diễn ra ngày 28/9, những cuộc đàm phán hòa bình sẽ phát triển theo hướng nào để họ có liên quan và làm thế nào để họ tăng cường lực lượng an ninh nhằm giảm chi phí cho Mỹ.
Tổng thống Ghani còn muốn Mỹ đồng ý thêm cố vấn an ninh quốc gia của ông là Hamdullah Mohib vào danh sách tham gia chuyến đi. Mohib trước đó bị loại khỏi các cuộc gặp với Mỹ vì đả kích tiến trình hòa bình.
Trong suốt nhiều tháng, người Mỹ về cơ bản cho rằng chiến dịch tái tranh cử của Ghani là mối đe dọa đối với thỏa thuận giữa họ với Taliban. Nếu thỏa thuận Mỹ - Taliban hoàn tất, đây sẽ là cú giáng vào chiến dịch tranh cử. Nếu Ghani từ chối tới cuộc gặp tại Trại David, ông sẽ bị nhìn nhận như kẻ phá hoại tiến trình hòa bình, một quan chức cấp cao Afghanistan nhận xét. Vì thế, ông nắm lấy cơ hội.
Nhưng các thủ lĩnh Taliban, những người từ chối đàm phán trực tiếp cùng chính phủ Afghanistan cho đến khi có được một thỏa thuận với Mỹ, tin rằng người Mỹ đang muốn lừa họ vào một cuộc tự sát chính trị.
Một lãnh đạo Taliban ngày 8/9 nói Tổng thống Trump đang tự lừa mình rằng ông có thể cùng đưa Taliban và Ghani tới Trại David bởi "chúng tôi không thừa nhận" chính phủ ở Kabul.
Phía Mỹ cũng gấp rút giải quyết các vấn đề còn tồn tại trong những ngày cuối trước cuộc gặp dự kiến ở Trại David. Một trong những bất đồng quan trọng nhất là việc trả tự do cho hàng nghìn tù nhân Taliban ở Afghanistan.
Giới chức Afghanistan nói Mỹ đã tự ý thay mặt họ đàm phán với Taliban khi đồng ý với yêu cầu thả tù nhân. Chính quyền Ghani coi đó là hành động không thể chấp nhận được, khẳng định họ chỉ chấp thuận nếu Taliban thống nhất một thỏa thuận ngừng bắn trên diện rộng, điều mà Taliban không sẵn sàng thực hiện vào lúc này bởi bạo lực chính là đòn bẩy của họ.
Khi Khalilzad và tướng Austin S. Miller, chỉ huy quân đội Mỹ tại Afghanistan, trở về Doha ngày 5/9, họ muốn hoàn thành những phụ lục kỹ thuật cho văn bản thỏa thuận chính. Các nhà đàm phán Taliban không cảm thấy điều gì bất ổn nên đã đăng lên Twitter rằng bầu không khí hiện khá tốt.
Nhưng cùng ngày, các cố vấn báo với Trump về một vụ đánh bom tự sát khiến một lính Mỹ và 11 người khác thiệt mạng. Lúc này, Trump và đội ngũ của mình đã thống nhất: Ông không thể đón những thủ lĩnh Taliban tại Trại David chỉ vài ngày sau khi một người Mỹ bị giết. "Chấm dứt, chúng ta không thể làm vậy", Trump nói với cố vấn.
Nhà Trắng không đưa ra bất kỳ thông báo nào. Tại Kabul ngày 6/9, các quan chức của Tổng thống Ghani thông báo với phóng viên rằng ông có kế hoạch tới Mỹ, nhưng vài giờ sau, họ nói ông sẽ không đi nữa.
Tuy nhiên khi ấy, tác động của quyết định hủy bỏ cũng không quá đáng kể. Quả bom chỉ phát nổ khi Tổng thống Trump đăng trên Twitter tối 7/9 rằng ông mời Taliban và Tổng thống Ghani tới Trại David nhưng đã suy nghĩ lại.
Thông báo trên khiến rất nhiều người trong chính quyền bất ngờ. Tổng thống Trump không có lý do gì để tiết lộ những gì vừa diễn ra, đặc biệt khi ông vẫn giữ ý định thỏa thuận với Taliban, một số quan chức nhận xét.
Ngày 8/9, sau khi tổ chức một cuộc họp nội bộ khẩn ở Doha, Taliban cho biết quyết định hủy cuộc gặp của Tổng thống Trump chỉ khiến Mỹ chịu thiệt. Chính phủ Afghanistan đổ lỗi cho Taliban, cáo buộc tình trạng bạo lực là nguyên nhân khiến tiến trình hòa bình gặp khó khăn.
Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng động lực hòa bình vẫn còn và thỏa thuận hòa bình với Taliban chưa hoàn toàn được chấp thuận hay khước từ. Với Tổng thống Trump, mọi thứ đều có thể xảy ra.
Nhưng ít nhất đến thời điểm hiện tại, tất cả các bên đều chắc chắn một điều: Bạo lực sẽ gia tăng. Chiến tranh sẽ tiếp diễn.
Phiến quân Taliban ở Afghanistan. Ảnh: Reuters. |