Nét đẹp gốm cổ Bát Tràng
Có lịch sử lâu đời, hội tụ những tinh hoa mang đậm những giá trị đặc sắc văn hoá dân tộc, gốm Bát Tràng trở thành đối tượng được bảo tàng nghiên cứu, sưu tầm qua nhiều thời kỳ và hình thành một bộ sưu tập giá trị.
Chuyên đề "Gốm cổ Bát Tràng" được Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức nhằm giới thiệu tới công chúng trong và ngoài nước một bộ sưu tập gốm men phong phú, có giá trị lịch sử, văn hóa, mỹ thuật cao, từ đó giúp công chúng hiểu sâu sắc, trân trọng hơn những giá trị văn hóa truyền thống, nâng cao ý thức bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử dân tộc.
Theo sử liệu thành văn, vùng đất Bát Tràng (huyện Gia Lâm - Hà Nội) có tên là xã Bát, lần đầu tiên được ghi trong Đại Việt sử ký toàn thư năm 1352. Thế kỷ 15, tên xã Bát Tràng xuất hiện và được ghi nhận là một làng gốm nổi tiếng, sách Dư địa chí của Nguyễn Trãi (1380 - 1442) chép: "Làng Bát Tràng làm đồ bát chén".
Quanh khu vực Bát Tràng hiện nay, tại các địa điểm Lê Xá và Đào Xuyên thuộc xã Đa Tốn đã phát hiện, thu thập được một số đồ gốm Bát Tràng có niên đại cuối thế kỷ 14 đầu thế kỷ 15 như chậu hoa nâu, đĩa hoa lam, nhiều hiện vật là phế phẩm của lò gốm.
Kết quả khai quật khảo cổ học các năm 2001 - 2003 của Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Viện Khảo cổ học và các cơ quan nghiên cứu tại di tích Kim Lan - một xã liền kề phía Nam xã Bát Tràng đã phát hiện di tích, di vật có niên đại kéo dài từ thế kỷ 9 đến thế kỷ 19 - 20, đặc biệt là các tầng văn hoá có niên đại thế kỷ 9 - 10 và thế kỷ 13 - 14, trong đó, số lượng lớn các di vật là đồ gia dụng như bát, đĩa, âu, ống nhổ... tập trung ở các dòng men đặc trưng thời Trần giống sưu tập gốm men đã biết ở Đa Tốn.
Đĩa gốm hoa lam thế kỷ 14. Lúc này, Bát Tràng chủ yếu sản xuất đồ gốm với các loại hình: bát, đĩa, âu gốm men trắng, men ngọc, men nâu; thạp, chậu, chân đèn gốm hoa nâu và bát, đĩa, lọ gốm "men tiền lam". |
Bên cạnh đó, còn có các di vật phản ánh kỹ thuật sản xuất gốm tại chỗ như bao nung, con kê, đồ phế phẩm, cục làm men… cho thấy nơi đây là một vùng sản xuất gốm cổ có quy mô lớn. Đến những năm 1958, khu vực này mới được chia tách làm hai bởi công trình thuỷ lợi Bắc Hưng Hải. Ngày nay, xã Bát Tràng nằm bên tả ngạn sông Hồng, phía Bắc giáp xã Đông Dư, phía Đông giáp xã Đa Tốn, phía Tây giáp sông Hồng, phía Nam giáp xã Kim Lan và Xuân Quan.
Công chúng tham quan trưng bày |
Nửa sau thế kỷ 14, xuất hiện một dòng sản phẩm gốm sử dụng kỹ thuật vẽ màu lam bằng bút lông dưới lớp men màu trắng bóng, hoa văn chủ yếu là đường chỉ, hoa lá được vẽ hết sức thô phác, mờ nhạt. Đây là loại gốm được các nhà nghiên cứu gọi là "tiền men lam" đánh dấu sự ra đời của dòng gốm men này và nhanh chóng đạt đến trình độ xuất sắc, hoàn thiện về công nghệ, kỹ thuật trong thế kỷ tiếp theo, đưa Việt Nam trở thành cường quốc sản xuất, xuất khẩu gốm sứ đương thời. Ảnh hưởng của kỹ thuật trang trí gốm hoa lam, dòng gốm hoa nâu cũng có sự chuyển biến về kỹ thuật: vẽ bằng bút lông dưới men. Bát Tràng là một trong những trung tâm sản xuất gốm sớm thành thạo và sử dụng những kỹ thuật này trong sản xuất ở quy mô lớn.
Gốm Bát Tràng thế kỷ 15 – 18. Thời gian này, Bát Tràng nổi tiếng với các sản phẩm nổi tiếng: gốm hoa lam, gốm chạm, đắp nổi, gốm men nhiều màu, gốm men rạn... phục vụ rộng rãi cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu. |
Trưng bày cũng giới thiệu một số hiện vật gốm như: gốm hoa lam trang trí với lối vẽ phóng bút, màu men có sắc xanh đen; men lam thường được dùng để vẽ hoạ tiết mây kết hợp với trang trí hình rồng nổi để mộc, vẽ băng đường diềm, cánh sen, hoa dây... ở thế kỷ 15 - 16; đồ gốm có minh văn; đồ gốm men trắng ngà và xanh rêu thế kỷ 16 - 17 và đồ gốm men rạn.
Đồ gốm Bát Tràng thế kỷ 20 xuất hiện các đề tài du nhập từ bên ngoài theo các điển tích Trung Hoa như: “Ngư ông đắc lợi”, “Tô Vũ chăn dê”,.... |
Trưng bày diễn ra từ nay đến tháng 9/2023.