Nam sinh mắc trầm cảm vì áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ

Áp lực từ sự kỳ vọng của bố mẹ, nam sinh A (giấu tên) ở Thái Bình trở nên buồn chán, trầm cảm và có ý định tự sát. Rất may, em đã được người nhà phát hiện và đưa đến bệnh viện điều trị kịp thời.
Đại biểu Quốc hội buồn lòng khi học sinh trầm cảm liên quan đến điểm số vẫn không ngừng tăng Nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19 Đại dịch Covid-19 khiến tỷ lệ trầm cảm, lo âu trong giới trẻ gia tăng

Đó là một ca rối loạn trầm cảm ở tuổi vị thành niên được Ths.BS Đỗ Thùy Dung – Phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai) điều trị.

Trầm cảm vì áp lực từ gia đình

Theo bác sĩ Dung kể lại, bệnh nhân là con thứ 2 trong gia đình. Bệnh nhân không có tiền sử các bệnh viêm não, không mắc các bệnh lý nội ngoại khoa mãn tính, không lạm dụng các chất kích thích gây nghiện. Em sống trong gia đình có bố là người nghiêm khắc, nóng tính, ít nói, luôn kỳ vọng rất nhiều vào các con, luôn mong muốn em phải học thật giỏi, thi được điểm cao. Mẹ của em tính cách dễ chịu hơn nhưng cũng đề cao thành tích, luôn mong con đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

Khoảng 2 tháng trước khi đến khám bệnh nhân cảm thấy chán nản tất cả mọi thứ, không muốn học, trên lớp hay ngủ gục trên bàn, không tập trung nghe giảng, không đi chơi, không tham gia các hoạt động với lớp. Khi về nhà, em thường xuyên ở trên phòng, không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh. Đêm đến, A ngủ kém, chơi điện tử trên điện thoại , máy tính tới 2-3h sáng và không học bài.

Nam sinh mắc trầm cảm vì áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ
Bác sĩ Dung chia sẻ về tình trạng trầm cảm của nam sinh A

Cô ruột của A, người mà em hay chia sẻ cho biết, 2 tháng nay, A cảm thấy buồn chán, không muốn học, không muốn ôn thi dù kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông đang đến gần. Em chỉ muốn chết để kết thúc cuộc đời. A tâm sự với cô rằng, cuộc sống với em không thú vị khi bố mẹ không hiểu, gây áp lực, muốn em chỉ tập trung học tiếng Anh và đạt được điểm IELTS như kỳ vọng. Dần dần, áp lực đó khiến A cũng không còn hứng thú với môn Tiếng Anh mà em yêu thích nữa. A hoang mang, không cảm thấy thấy thích với bất cứ điều gì, không muốn thi và không biết chọn trường nào.

“Bệnh nhân được cô đưa đến khám tại phòng khám chuyên khoa Tâm thần, được chẩn đoán giai đoạn trầm cảm nặng có ý tưởng tự sát. A được chỉ định nhập viện, nhưng gia đình chưa thu xếp được người chăm sóc nên được kê đơn thuốc ngoại trú với sự theo dõi sát của gia đình. Sau khi hết thuốc, tình trạng của bệnh nhân không cải thiện. Em không học, không nói chuyện với bố mẹ, sử dụng điện thoại nhiều, không chịu hoạt động, thường xuyên ở một mình trong phòng, không ra ngoài, ý nghĩ tự sát còn” – Bác sĩ Dung cho biết. Sau đó, A đã tái khám và nhập viện để được điều trị.

Nam sinh mắc trầm cảm vì áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ
Thang điểm đánh giá mức độ trầm cảm của nam sinh A

Ths Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và vị thành niên, đây là một ca rối loạn trầm cảm điển hình trong lứa tuổi học đường bởi áp lực học tập và sự kỳ vọng vào thành tích của người thân. Bệnh nhân lại không thể chia sẻ được với ai, cũng chưa có đầy đủ kỹ năng đối mặt với những căng thẳng. Lâu dần, em đã mắc căn bệnh trầm cảm mà gia đình không hay biết. “Trẻ tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý nên rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, những chỉ trích, không đạt thành tích trong học tập và thể hiện lòng tự trọng thấp, mặc cảm quá mức. Rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em” – Ths Lê Công Thiện nói.

Nam sinh mắc trầm cảm vì áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ
Ảnh minh họa

Trên 20% trẻ ở lứa tuổi học đường mắc chứng rối loạn tâm thần

Theo Tổ chức tế Thế giới (WHO), trầm cảm là một rối loạn tâm thần phổ biến, đặc trưng bởi sự buồn bã, mất đi hứng thú hoặc khoái cảm, cảm thấy tội lỗi hoặc tự hạ thấp giá trị bản thân, bị rối loạn giấc ngủ hoặc ăn uống và kém tập trung. Hiện căn bệnh trầm cảm ở lứa tuổi trẻ em vị thành niên khá phổ biến.

Nghiên cứu mới nhất của UNICEF cho thấy, tại Việt Nam có tới 8-29% trẻ em và trẻ vị thành niên mắc căn bệnh về sức khỏe tâm thần. Nguyên nhân có thể bắt đầu từ sự kiện tiêu cực trong đời sống như sự mất mát người thân yêu, cha mẹ ly hôn, chứng kiến tự sát đều có liên quan đến sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em. Tuy nhiên, đáng lưu ý, sự khởi phát trầm cảm ở trẻ em không chỉ từ những biến cố lớn mà có khi từ những nguyên do căng thẳng nhỏ trong đời sống (bỏ học, bố mẹ mất việc, gia đình mâu thuẫn, khó khăn tài chính trong gia đình, người thân ốm).

Nam sinh mắc trầm cảm vì áp lực từ kỳ vọng của bố mẹ
PGS.TS Nguyễn Văn Tuấn- Viện trưởng Viện SKTT Quốc gia

Công bố của Viện Sức khỏe Tâm thần cũng chỉ ra, tỷ lệ toan tự sát ở trẻ em và vị thành niên ước tính 3 – 4%. Các nghiên cứu trước đây cho thấy hành vi tự sát và ý tưởng tự sát phổ biến hơn đáng kể ở trẻ gái (10 - 35%), nhưng tỷ lệ tự sát thành công ở trẻ trai cao gấp 3 lần trẻ gái.

Đặc biệt, các nghiên cứu cũng cho thấy, các ý tưởng tự sát hiếm khi xuất hiện trước 10 tuổi, tăng chậm cho đến 12 tuổi và sau đó tăng nhanh hơn trong khoảng 12 đến 17 tuổi. “Phần lớn các thanh thiếu niên có sự chuyển đổi từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch tự sát với 63,1% và từ ý tưởng tự sát sang nỗ lực tự sát (86,1%), những điều này thường xảy ra trong năm đầu tiên sau khi bắt đầu nảy sinh các ý tưởng tự sát” – Ths Lê Công Thiện công bố.

Cần lắm sự yêu thương, chia sẻ của người thân

Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – PGS.TS.Nguyễn Văn Tuấn cho biết, lứa tuổi trẻ em và vị thành niên có nhiều thay đổi về tâm sinh lý, nhạy cảm với những tác động xung quanh. Các em chưa thực sự trưởng thành, hiểu biết còn non nớt, kỹ năng quản lý bản thân, ứng phóvới hoàn cảnh còn hạn chế nên khi có những áp lực bên ngoài bên ngoài khiến các em dễ có những suy nghĩ tiêu cực, tâm lý bi quan, chán nản, thậm chí là ý nghĩ tự sát. Vì vậy, người thân trong gia đình như bố mẹ, anh chị em, bạn bè, thầy cô ở trường đóng một vai trò rất quan trọng trong việc chia sẻ, đồng hành cùng với các em, vì đa số họ chính là những người phát hiện đầu tiên dấu hiệu nghi ngờ trầm cảm ở con em, người bạn, học trò của mình.

“Cha mẹ cần tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của trẻ để nhận biết và can thiệp sớm. Sự yêu thương, quan tâm của người thân trong gia đình; sự đồng hành của thầy cô, bạn bè và việc chủ động trang bị những kỹ năng xã hội tốt của chính các em sẽ giúp trẻ ở lứa tuổi này vượt qua được những khó khăn đầu đời. Đây chính là phương pháp hữu hiệu đầu tiên để ngăn ngừa, ứng phó với căn bệnh trầm cảm học đường” – PGS. TS Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ.

Dấu hiệu nhận biết rối loạn trầm cảm ở lứa tuổi học đường

- Cảm xúc dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ.

- Phàn nàn triệu chứng cơ thể: ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên.

- Hoang tưởng, ảo giác có thể xuất hiện trong các trường hợp nặng, phù hợp với khí sắc và không bao gồm một số loại ảo giác như ảo thanh trò chuyện, ảo thanh bình phẩm, đặc trưng cho TTPL.

- Ảo giác thường bao gồm một giọng nói duy nhất nói từ bên ngoài, với nội dung xúc phạm hoặc tự sát.

- Hoang tưởng tập trung vào chủ đề tội lỗi, bệnh tật, cái chết, hư vô, sự trừng phạt, kém cỏi và đôi khi bị ngược đãi.

- Khóc lóc, bướng bỉnh, cãi lời, hành vi gây hấn

- Buồn bã, bơ phờ, thiếu động lực, mất quan tâm, thu mình

- Lo lắng, thiếu tập trung, thất bại trong học tập

- Rối loạn giấc ngủ

- Rối loạn ăn uống

- Thờ ơ, tuyệt vọng, tức giận, từ chối, thu mình.

- Bơ phờ và thiếu động lực, mất quan tâm, tư duy và vận động chậm chạp

- Có thể ít chú ý hơn đến ngoại hình và nhạy cảm hơn với sự từ chối của bạn bè trong và trong các mối quan hệ lãng mạn.

- Lo âu, chán ghét, thiếu tự tin, tự trách bản thân, nghiền ngẫm, lo sợ tương lai

- Hành vi tiêu cực hoặc chống đối xã hội

- Sử dụng rượu hoặc các chất bất hợp pháp

- Trẻ có những tin nhắn dặn dò hoặc lời chào từ biệt với bạn bè thân thiết. Trẻ có ý định tàng trữ, cất giấu những vật dụng để thực hiện hành vi tự sát như tích trữ thuốc ngủ, chuẩn bị dây, dao,….

Bảo Phương
Phiên bản di động