Nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19

Sau gần ba năm đối mặt với dịch bệnh COVID-19, nhiều trẻ rơi vào tình trạng rối loạn tâm lý, trầm cảm.

Cân bằng tâm lý để trẻ vượt qua đại dịch COVID-19

UNICEF đã có báo cáo cảnh báo COVID-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em và thanh thiếu niên trong nhiều năm tới.

Theo số liệu ước tính mới nhất, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10-19 tuổi trên toàn cầu đã bị chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử, khiến đây trở thành một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.

Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi - những yếu tố then chốt của tuổi thơ.

Đáng lo ngại, việc trẻ không được đến trường trong một thời gian dài, các mối quan hệ với bạn bè và giao tiếp xã hội bị gián đoạn, được đánh giá có thể tiếp tục gây ra nhiều vấn đề tâm lý hơn.

Nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19
Ảnh minh họa

Việc phải học trực tuyến nhiều giờ liên tục, lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, thay đổi nề nếp sinh hoạt theo một cách không mong muốn, phải ở nhà nhiều hơn, thiếu linh hoạt, bị động, thiếu vận động, giao lưu, tương tác, không được chủ động quyết định cách tiếp thu phù hợp với khả năng, năng lực… cũng là những yếu tố tác động.

Theo chia sẻ của nhiều bác sĩ tâm lý, tâm thần chia sẻ, đợt dịch COVID-19 thường xuyên gặp các trường hợp phụ huynh đưa con đi khám do lo lắng về tình trạng của trẻ như tác phong chậm chạp, mắt lờ đờ, ngủ ít, ăn uống thất thường, dễ la hét cáu kỉnh...

Đặc biệt, nhiều trẻ em có biểu hiện stress sau sang chấn do bất ngờ đối mặt với biến cố lớn trong đời, như có cha, mẹ, ông bà, người thân mất vì COVID-19.

Chị Thu Hà (ở Mỹ Đình, Hà Nội) chia sẻ: "Con tôi là con một trong gia đình, không có anh chị em nên suốt đợt dịch COVID-19 cháu thường xuyên phải ở nhà tự chơi một mình. Trước kia, cháu thường xuyên xuống sân chơi chung cư nô đùa cùng bạn bè hoặc đến nhà bạn chơi nhưng do lo ngại dịch bệnh, tôi cũng không cho cháu ra ngoài nhiều. Cháu thay đổi tâm lý so với trước kia rất nhiều như hay cáu gắt, cãi lời cha mẹ. Tôi cũng rất lo lắng chỉ mong tới đây, được đi học trở lại, gặp bạn bè thầy cô, con sẽ được giải tỏa hơn".

Đây cũng là lo lắng của rất nhiều phụ huynh trong thời gian vừa qua, đặc biệt là khi xuất hiện hai vụ việc tự tử của thanh thiếu niên.

Do đó, việc bảo đảm an toàn đưa học sinh trở lại trường học trong bối cảnh đại dịch được coi là giải pháp thích hợp để ngăn chặn những hệ lụy tâm lý nói trên đối với trẻ em. Khi được đến trường, các em sẽ phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần, cân bằng tâm lý trong hiện tại và tương lai.

Những dấu hiệu của bệnh trầm cảm ở trẻ

Trước những vụ việc trẻ bị thành niên tự sát liên tục xảy ra trong thời gian gần đây, PGS.TS Bùi Quang Huy - Chủ nhiệm khoa Tâm thần Bệnh viện Quân Y 103 đánh giá các trường hợp này phần lớn là do các cháu mắc bệnh trầm cảm.

"Hơn 70% trẻ em bị rối loạn trầm cảm không được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Lý do là sự kỳ thị với trầm cảm, biểu hiện triệu chứng không điển hình, thiếu hiểu biết về sức khỏe tâm thần cho trẻ em." PGS.TS Bùi Quang Huy cho biết.

Nhiều trẻ bị rối loạn tâm lý, trầm cảm do ảnh hưởng đại dịch COVID-19
Trẻ em được đến trường sẽ phát triển đầy đủ về mặt thể chất và tinh thần (Ảnh minh họa)

Đáng lo ngại, ở tuổi 17, tỷ lệ trầm cảm ở trẻ em là 3-5%, trong đó nữ nhiều gấp 2 lần nam. Tỷ lệ trầm cảm ở tuổi 15 vào khoảng 3-5%.

Trầm cảm ở trẻ em là một rối loạn hay tái phát. Khoảng 70% số bệnh nhân sẽ tái phát trong vòng 5 năm sau cơn trầm cảm đầu tiên.

Các yếu tố nguy cơ dẫn đến trầm cảm ở trẻ em: Khoảng 2/3 trẻ em bị rối loạn trầm cảm cũng mắc một rối loạn tâm thần khác. Ở học sinh, khoảng 2/3 số bệnh nhân trầm cảm có ít nhất một rối loạn phối hợp và 10% có từ hai rối loạn phối hợp trở lên.

Trầm cảm ở trẻ em có thể biểu hiện dưới nhiều dạng khác nhau. Bệnh nhân phải có ít nhất 5 triệu chứng trong số 9 triệu chứng là: Khí sắc giảm; Mất hứng thú và sở thích; Mất ngủ; Mệt mỏi mất năng lượng; Buồn chán bi quan; Chán ăn, sút cân; Vận động và suy nghĩ chậm chạp; Chú ý và trí nhớ kém.

Các triệu chứng trên phải kéo dài ít nhất 2 tuần, ảnh hưởng rõ ràng đến khả năng học tập và quan hệ xã hội của trẻ. Các triệu chứng này không phải là hậu quả của dùng ma túy hoặc chấn thương sọ não.

Do đó, các bậc phụ huynh cần để ý đến các biểu hiện tâm sinh lý của con em mình để phát hiện bệnh sớm, tránh để xảy ra những vụ việc đáng tiếc.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động