Mỹ hối thúc Triều Tiên trở lại đối thoại
Trả lời phỏng vấn báo giới, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, ông David Stilwell nói: "Chính quyền hiện nay (của Tổng thống Donald Trump) đã đi xa hơn bất kỳ chính quyền nào khác (ở Mỹ) trong việc đưa ra những hành động mạnh mẽ để Triều Tiên biết rằng họ sẽ phải đàm phán".
Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Washington và Bình Nhưỡng đang bế tắc. Tổng thống Donald Trump đã tiến hành hai cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và tháng 6/2018 và tháng 2/2019, song các cuộc đàm phán vẫn chưa tiến triển kể từ đó. Ông Stillwell khẳng định: "Có một tương lai tươi sáng hơn cho người dân (Triều Tiên) nhưng các ngài sẽ phải đàm phán".
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ 2 tại Hà Nội vào tháng 2/2019. Ảnh tư liệu: AFP |
Trước đó cùng ngày, các đặc phái viên hạt nhân hàng đầu của Hàn Quốc và Mỹ đã điện đàm về nỗ lực chung nhằm nối lại cuộc đối thoại bị đình trệ với Triều Tiên. Theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Lee Do-hoon và người đồng cấp Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun, chia sẻ quan điểm rằng việc sớm nối lại đối thoại với Bình Nhưỡng là "cần thiết" để đạt được tiến bộ thực chất trong nỗ lực phi hạt nhân hóa hoàn toàn và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên. Trong thông cáo báo chí, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nêu rõ "hai bên đã tham vấn về các cách thức tạo điều kiện và thúc đẩy đối thoại. Hai bên nhất trí sẽ trao đổi và hợp tác chặt chẽ hơn về vấn đề hạt nhân cũng như các vấn đề khác của Triều Tiên song phương và đa phương, tích cực sử dụng các sự kiện ngoại giao quốc tế đã được lên kế hoạch".
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách chính sách phòng thủ tên lửa và hạt nhân Rob Soofer cho rằng Triều Tiên đang tiếp tục xây dựng các năng lực tên lửa tầm xa, trong đó có một loại tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm.
Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến do Viện Nghiên cứu vũ trụ Mitchell tổ chức, ông Soofer nói: "Triều Tiên đang tìm cách gia tăng kích cỡ của các năng lực tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) của họ, thậm chí có thể chuyển sang một loại tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm". Ông cũng cho biết thêm, đáp lại, Mỹ cũng đang thúc đẩy các năng lực phòng thủ tên lửa, với loại tên lửa tiêu chuẩn (SM-3).
Tuyên bố trên được đưa ra vài tháng sau khi Bộ Quốc phòng Hàn Quốc nhận định Triều Tiên có thể ra mắt một ICBM mới hoặc một loại tên lửa được phóng từ tàu ngầm trong cuộc diễu binh quy mô lớn đánh dấu 75 năm kỷ niệm ngày thành lập đảng Lao động cầm quyền của Triều Tiên, vào ngày 10/10 tới.
Triều Tiên đã tạm thời ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo từ cuối năm 2017 nhằm mở đường cho các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ. Tuy nhiên, đến đầu năm nay, Bình Nhưỡng tuyên bố chấm dứt giai đoạn ngừng thử vũ khí do phía Mỹ chưa đưa ra những nhượng bộ tương xứng trên bàn đàm phán.