Mỹ dành 15 tỷ USD ‘giải cứu’ nông dân trong cuộc chiến thuế quan với Trung Quốc
Bộ Thương mại Mỹ trừng phạt 6 thực thể của Trung Quốc Trung Quốc làm căng, tuyên bố đánh thuế 60 tỉ USD hàng hóa Mỹ Donald Trump siết gọng kìm, Bắc Kinh lộ diện đòn hiểm |
Nông dân Mỹ chiếm một phần chủ đạo trong lực lượng cử tri ủng hộ ông Trump, nhưng cũng là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất bởi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. |
Đây là gói hỗ trợ thứ hai cho nông dân Mỹ. Hồi tháng 7/2018, Bộ Nông nghiệp Mỹ cũng đã chi ra 12 tỷ USD để đền bù cho người nông dân khi căng thẳng Mỹ - Trung leo thang.
Theo chương trình cứu trợ của Bộ Nông nghiệp Mỹ, những người nông dân hoặc sẽ được nhận các khoản tiền hỗ trợ trực tiếp, hoặc được bán lượng hàng hóa dư thừa cho chính phủ để sử dụng cho ngân hàng lương thực và các chương trình viện trợ lương thực khác. Ngoài ra, chính phủ sẽ tiến hành mở cửa các thị trường mới.
Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue nhấn mạnh chương trình hỗ trợ này là "một tuyên bố cứng rắn" rằng các nước khác sẽ không thể "ức hiếp" các nhà sản xuất nông nghiệp Mỹ nhằm buộc nước này phải nhượng bộ.
Trước đó, những đe dọa đánh thuế của Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Trung Quốc, Mexico, Canada và Liên minh châu Âu (EU) đã khơi mào các biện pháp đáp trả nhanh chóng từ các nước này, từ đó làm giảm giá một số mặt hàng nông sản của Mỹ như ngô, đậu tương và thịt lợn.
Ngay cả trước khi Mỹ chính thức áp thuế nhập khẩu đối với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD hồi đầu tháng 7 năm ngoái, nông dân Mỹ đã phải chịu ảnh hưởng từ biến động giá hàng hóa, giá đất tăng và các yếu tố khác khiến tổng thu nhập của họ giảm đi một nửa trong những năm trở lại đây.
Đặc biệt, những người trồng đậu tương tại Mỹ bị ảnh hưởng rất nặng nề, bởi có tới 1/3 sản lượng đậu tương của Mỹ (trị giá khoảng 14 tỷ USD) được xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm.
Khối lượng đậu tương Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2018 đã giảm xuống mức thấp nhất trong 16 năm sau khi mặt hàng này bị Bắc Kinh áp thuế quan 25% để trả đũa việc ông Trump áp thuế lên hàng Trung Quốc.
Không nhập đậu Mỹ, các công ty nhập khẩu đậu tương Trung Quốc đã chuyển sang mua đậu từ các nguồn khác như Brazil.
Cuộc chiến thuế quan giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đã tăng nhiệt hôm 10/5 với việc Mỹ tăng mức thuế áp với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc sau khi Tổng thống Donald Trump nói Bắc Kinh "phá vỡ thỏa thuận" khi rút những cam kết họ đưa ra trong nhiều tháng đàm phán.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 14/5 cho biết nước này hy vọng Mỹ không đánh giá thấp quyết tâm bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh, ngay cả khi Washington đe dọa sẽ mở rộng áp thuế đối với hầu như tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Phát biểu trong họp báo hàng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng xác nhận cả hai nước đã nhất trí tiếp tục theo đuổi tiến trình đàm phán để giải quyết tranh chấp thương mại hiện nay.
Trước đó một ngày, Trung Quốc tuyên bố sẽ tăng thuế đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 60 tỷ USD kể từ ngày 1/6 tới nhằm đáp trả quyết định của Mỹ trước đó.
Trong suốt quá trình tranh chấp thương mại kéo dài 8 tháng qua giữa hai nền kinh tế lớn nhất nhì thế giới, Mỹ đã tăng thuế đối với lượng hàng hóa có tổng giá trị 250 tỷ USD nhập khẩu Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh áp thuế cao đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 110 tỷ USD.
Được biết, Mỹ có kế hoạch tổ chức một phiên điều trần công khai vào ngày 17/6 tới về đề xuất của Tổng thống Trump về việc áp thuế lên một lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 300 tỷ USD.
Nếu biện pháp thuế quan này được áp đặt, hầu như toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ phải chịu các mức thuế cao.