Muôn cách quản con những ngày nghỉ dài phòng dịch nCoV

Trẻ bải hoải, lơ là học hành hay “cắm mặt” vào điện thoại là những nỗi lo lớn nhất của phụ huynh trong ngày dài phòng dịch nCoV… Vậy phải làm sao để tạo hứng thú cho con trong những ngày nghỉ?
Bắc Ninh tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch nCoV Những cách chống dịch nCoV "cười ra nước mắt" WHO lo ngại Indonesia chưa sẵn sàng đối mặt với dịch nCoV

“Tuần lễ trông trẻ” còn kéo dài đến hết ngày 16/2 khiến không ít phụ huynh ở thành phố lâm vào tình cảnh "khóc dở, mếu dở". Yên tâm hơn khi con hạn chế tiếp xúc với môi trường dễ lây bệnh nhưng trông con cũng là thử thách không nhỏ với những ông bố, bà mẹ.

muon cach quan con nhung ngay nghi dai phong dich ncov
Bất đắc dĩ, nhiều phụ huynh để con làm bạn với tivi, theo dõi con qua camera và "chỉ đạo" qua điện thoại thời gian nghỉ phòng dịch nCoV (Ảnh FB)

Chị Nguyễn Thị Hoa (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) than thở: “Ở nhà trông con mệt hơn đi làm. Đứa lớn thì không chịu học hành, đứa bé thì quấy mẹ. Cả ngày chúng chỉ đòi xem tivi, iPad, điện thoại. Không có trò gì chơi, chúng cứ mải miết xem từ sáng đến trưa, từ trưa đến tối không biết chán”.

Gương mặt bơ phờ, mệt mỏi sau 1 tuần xin nghỉ phép để trông con, chị Dương Ánh Hồng (phố Lò Đúc, Hà Nội) chia sẻ: “Khi có thông báo từ nhà trường về lịch nghỉ học chống dịch nCoV, bọn trẻ nhà tôi reo ầm mừng rỡ. Các con nghĩ, mình sẽ được vui chơi xả láng, xem ti vi đã mắt, ngủ nướng thoải mái không bị bố mẹ la mắng, quản lý sát sao như thường ngày. Lớn lo kiểu lớn, bé đau đầu kiểu bé. Ở nhà trông con 1 tuần mà tôi thấy thời gian đằng đẵng như cả tháng”.

Tâm trạng lo lắng khi dịch nCoV đang diễn biến phức tạp, nhà cửa chật chội, gò bó cùng những thú tiêu khiển nhàm chán là những nguyên nhân hạn chế không gian vui chơi, khiến các con như bị cầm tù. Làm sao để tạo hứng thú cho con những ngày nghỉ là điều được các bậc phụ huynh chia sẻ nhiều với nhau khoảng thời gian này.

Chị Trần Lê Hoa (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bày tỏ: “Dịch bệnh nCoV diễn biến phức tạp nên các gia đình đều nghiêm cấm lũ trẻ lang thang ra ngoài, chỉ được phép loanh quanh ở nhà. Con chán quá chạy sang nhà hàng xóm chơi 15 phút là phải về nhà. Một ngày ở nhà chật chội, bí bách, làm sao để các con có những hoạt động bổ ích, không lãng phí thời gian nghỉ dài và vẫn có thái độ tự học là điều mà tôi suy nghĩ, trăn trở”.

Con trai chị Hoa học lớp 6. Đến ngày thứ hai của kỳ nghỉ, cô giáo chủ nhiệm gửi phiếu bài tập của con qua Zalo. Chị Hoa in về cho con làm bài. Không chỉ sát sao kèm cặp con, chị còn chia rõ cho con giờ chơi, giờ học hợp lý.

“Đối với bạn nhỏ hơn (4 tuổi), tôi bày cho con nhiều trò chơi kích thích sự sáng tạo khác nhau như lắp hình, nối tranh, tập tô. Hiệu quả của việc học tập không được nhiều nhưng tôi cũng đã xác định tinh thần “giết thời gian là chính”, mục đích chính là để con tránh xa, hạn chế tối thiểu việc tiếp xúc với tivi, điện thoại”, chị Hoa chia sẻ.

Nhà chị Minh Thanh (ở phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm) có 2 con, một bé 5 tuổi, một bé học lớp 2. Hai vợ chồng anh chị không thể xin nghỉ làm trông con, cũng không có ông bà ở quê để nhờ hỗ trợ. Vì vậy, khi nhận được thông báo các con nghỉ học để tránh dịch, anh chị đã quyết tâm coi đây là “cơ hội” để các con tự trưởng thành.

“Sáng trước khi đi làm, mình làm sẵn thức ăn cho các con. Chị lớn trông em nhỏ. Vợ chồng tôi quan sát các con qua camera, “chỉ đạo” qua điện thoại. Buổi trưa, hai vợ chồng tôi sẽ thay nhau về với các con. Tôi cũng cảm thấy khá yên tâm vì trước đó đã dạy con những việc được và không được làm khi ở nhà một mình như: Không mở cửa cho người lạ, không tự ý đi mua đồ, không cắm ổ điện, không tự lấy nước nóng. Vợ chồng tôi cũng xem lại khóa cửa, khóa bấm hành lang, phích cắm ổ điện...”, chị Thanh chia sẻ.

Không chỉ yên tâm hơn về sức khỏe các con khi dịch bệnh nCoV đang diễn biến phức tạp, chị Nguyễn Thủy (ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) cho rằng, kỳ nghỉ cũng là dịp hiếm hoi để vợ chồng chị gần gũi với các con hơn, trang bị thêm cho con kỹ năng sống cần thiết. “Ngày thường bố mẹ bận đi làm, các con cũng tất bật với lịch học. Tối về cơm nước xong ai lại vào việc nấy. Tự nhiên, kỳ nghỉ Tết bất đắc dĩ dài ra, tôi thấy trong cái rủi cũng có cái hay. Tôi nhận ra các con đã lớn hơn nhiều so với những gì mình vẫn nghĩ. Tôi có điều kiện dạy con gái những kỹ năng sống đơn giản như phụ giúp mẹ nấu cơm, nhặt rau, đập trứng quấy đều cùng gia vị, xới cơm cho cả nhà…”, chị Thủy chia sẻ.

Nhiều lúc các con kêu chán, buồn vì cứ quanh quẩn ở nhà không được gặp bạn bè, đến trường lớp. Chính lúc này, chị Thủy lại trò chuyện để con hiểu về niềm vui đến trường, giá trị của việc học hành, tích lũy kiến thức để hiểu biết về thế giới rộng lớn xung quanh.

Chị tâm sự: “Tôi dành thời gian đưa con đi nhà sách, mua tặng các con những quyển truyện các con yêu thích để các con thỏa thích khám phá, tích lũy vốn ngôn ngữ. Con không có bài tập cô giao nên tôi giao cho con viết một vài bài chính tả và làm những đoạn văn ngẫu hứng về cây hoa trong vườn, niềm vui ngày Tết, nỗi buồn khi bị mẹ mắng.

Những bài tập nhỏ tôi giao cho con viết chính là nhật ký sinh động, hồn nhiên giúp tôi hiểu tâm trạng bọn trẻ và điều chỉnh cách dạy con hiệu quả”.

Nguồn: TTTĐ
Phiên bản di động