Mục tiêu tăng trưởng trên 8%: Chỉ bàn làm, không bàn lùi
Thủ tướng: “Khoán” chỉ tiêu tăng trưởng cho doanh nghiệp Nhà nước Hà Nội chốt nâng mục tiêu tăng trưởng đạt trên 8% năm nay |
Chỉ thị nêu rõ, mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 là nhiệm vụ khó khăn, thách thức nhưng chúng ta phải quyết tâm hoàn thành để tạo đà, tạo lực, tạo thế cho những năm sau tăng trưởng hai con số, với tinh thần: "Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, Nhân dân ủng hộ, Tổ quốc mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ là tăng trưởng kinh tế nhanh nhưng phải bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng tiến bộ xã hội, bảo vệ môi trường; cân đối, hài hòa giữa thực hiện mục tiêu tăng trưởng trong ngắn hạn với phát triển trong trung và dài hạn; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội và môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Tăng trưởng kinh tế phải dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, nhân lực chất lượng cao, tăng năng suất lao động. Mục tiêu là hướng tới tăng trưởng bền vững, bao trùm, toàn diện, mang lại lợi ích cho tất cả mọi người dân.
Phát huy tối đa các nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, đổi mới, tinh thần đột phá, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, coi khó khăn của người dân, doanh nghiệp cũng là khó khăn của mình để chủ động hỗ trợ, đồng hành tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm". Huy động mọi thành phần kinh tế, mọi doanh nghiệp, người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội.
![]() |
Thủ tướng Phạm Minh Chính. |
Trong chỉ đạo, điều hành phải phát huy cao nhất tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc; khai thác tối đa mọi cơ hội, động lực, nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển; linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm; phân công rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ kết quả.
Chỉ thị đưa ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với từng bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất… để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, du lịch, tiêu dùng trong nước trong năm 2025, báo cáo cấp có thẩm quyền trước ngày 15/3/2025.
Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách phát triển đột phá khu vực kinh tế tư nhân; xác định quan điểm kinh tế tư nhân phải là một trong những động lực quan trọng nhất cho tăng trưởng, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Đồng thời tăng cường quản lý thu, nhất là thu từ hoạt động thương mại điện tử, dịch vụ ăn uống, phải hoàn thành số hóa chậm nhất trong quý II/2025; phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 ở mức cao nhất theo chỉ đạo của Chính phủ; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung cho đầu tư phát triển, tiết kiệm ngay 10% chi thường xuyên tăng thêm dự toán năm 2025 so với dự toán năm 2024 để bổ sung đầu tư cho tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.
Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm trọng điểm và các chính sách vĩ mô khác; trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp về điều hành lãi suất, tỷ giá, tăng trưởng tín dụng, điều hành thị trường mở, thị trường liên ngân hàng, tái cấp vốn, lượng tiền cung ứng, phát hành tín phiếu...
Ngân hàng Nhà nước thường xuyên theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến lãi suất huy động, cho vay của các ngân hàng thương mại, thực hiện quyết liệt, hiệu quả hơn nữa các giải pháp theo thẩm quyền để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay với chi phí hợp lý, giá vốn rẻ phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Cùng đó là tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, nhất là việc công bố công khai lãi suất huy động, lãi suất cho vay, hoạt động cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng; kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp vi phạm, nhất là các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (cả lãi suất huy động và cho vay); nghiêm cấm không để các ngân hàng thương mại tự do tăng lãi suất không theo định hướng, cạnh tranh không lành mạnh, không bình đẳng.
Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu nâng quy mô chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản lên khoảng 100 nghìn tỷ đồng và mở rộng phạm vi Chương trình đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; tiếp tục nghiên cứu triển khai các gói tín dụng ưu đãi để thúc đẩy các động lực tăng trưởng kinh tế và cho người trẻ dưới 35 tuổi mua nhà ở.
Các bộ, cơ quan và địa phương tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù, quy định mới, đột phá, cơ chế "luồng xanh" cho các dự án đầu tư vào khu công nghiệp, khu kinh tế trong lĩnh vực công nghệ cao. Giao Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng ngay việc phân loại dự án xanh, tiêu chí xanh để làm cơ sở huy động vốn phát triển xanh.
Đồng thời khẩn trương nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, mở rộng năng lực sản xuất nguyên vật liệu và tham gia các dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đường sắt đô thị, đường sắt kết nối với quốc tế, dự án năng lượng tái tạo, điện gió ngoài khơi… và hướng dẫn, hỗ trợ, tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát sửa đổi, hoàn thiện các quy định không còn phù hợp, chồng chéo hoặc chưa đầy đủ theo hướng vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó, ở cấp nào thì cấp đó chủ động xử lý, thực hiện ngay theo thẩm quyền hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi, hoàn thiện; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và nâng cao năng lực thực thi của cán bộ, công chức, viên chức; thể chế, cơ chế, chính sách phải hướng tới huy động mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp và người dân cùng tham gia vào phát triển kinh tế - xã hội, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển đất nước. Hằng tháng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các điểm nghẽn, các khó khăn, vướng mắc, rào cản đối với người dân, doanh nghiệp, gồm cả nhà đầu tư nước ngoài.
Các bộ, cơ quan, địa phương tập trung rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính để giảm phiền hà, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo mọi điều kiện giải quyết nhanh các thủ tục đầu tư, khuyến khích đầu tư của mọi thành phần kinh tế. Phấn đấu trong năm 2025 giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; giảm ít nhất 30% chi phí kinh doanh; bãi bỏ ít nhất 30% điều kiện kinh doanh không cần thiết; mọi thủ tục liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện trực tuyến, thông suốt, liền mạch và hiệu quả, bảo đảm minh bạch, giảm tối đa giấy tờ; 100% thủ tục hành chính được thực hiện không phụ thuộc vào địa giới hành chính trong phạm vi cấp tỉnh.
Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính rà soát tổng thể về điều kiện đầu tư kinh doanh, điều kiện hành nghề, thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp.
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển đồng bộ thị trường tài chính, thị trường vốn, nhất là các giải pháp về phát hành trái phiếu doanh nghiệp an toàn, hiệu quả, bền vững, công khai, minh bạch, hỗ trợ hiệu quả cho doanh nghiệp huy động vốn trung, dài hạn phát triển sản xuất, kinh doanh. Năm 2025, phấn đấu hoàn thành mục tiêu nâng hạng thị trường chứng khoán.
Bộ Tài chính chủ trì, Ngân hàng Nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ được giao đề xuất, trình Chính phủ ngay trong tháng 3/2025 về khung pháp lý quản lý, thúc đẩy phát triển tài sản số, tiền kỹ thuật số lành mạnh và hiệu quả.
Bộ Tư pháp triển khai hiệu quả Đề án "Ứng dụng công nghệ số trong việc tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật" theo Quyết định số 244/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung xây dựng, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương vận hành "Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về văn bản quy phạm pháp luật" để kịp thời phát hiện, nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện chính sách, quy định của pháp luật, tháo gỡ những rào cản, vướng mắc về thể chế nhằm bảo đảm mục tiêu kiến tạo, thúc đẩy phát triển...