MRC cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng từ việc nước sông Mekong đổi màu
Đoạn sông Mekong tại huyện Muang, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan. (Nguồn: bangkokpost.com)
Ủy hội sông Mekong Quốc tế (MRC) vừa ra thông cáo báo chí giải thích về hiện tượng nước ở một số đoạn sông Mekong đổi màu, cho rằng việc mực nước xuống rất thấp, bùn cát sông giảm và sự xuất hiện của tảo trên cát cũng như ở đáy sông có thể là nguyên nhân có thể khiến nước sông Mekong gần đây đổi sang màu xanh.
MRC cho biết hiện tượng này có thể lan sang các đoạn sông Mekong khác tại những nơi có dòng chảy thấp.
Thông cáo cho biết gần đây, đoạn sông Mekong chảy qua tỉnh Nakhon Phanom của Thái Lan và tỉnh Thakhek của Lào xuất hiện màu xanh lục-lam.
Phân tích sơ bộ của MRC về nguyên nhân và khả năng tác động, có nhiều yếu tố góp phần gây nên hiện tượng này và hệ quả có thể rất nghiêm trọng.
Phân tích chỉ ra rằng hiện nay, sông Mekong có dòng chảy rất thấp và đang trải qua một trong những đợt hạn tồi tệ nhất trong lịch sử tại khu vực, điều này đã làm thay đổi màu nước.
Phù sa mịn vốn thường thấy ở các đoạn sông có lưu lượng nước chảy nhanh và sâu làm cho nước có màu nâu, tuy nhiên phù sa mịn nay đã không còn, khiến cho nước trong hơn.
Cũng theo phân tích, điều này có nghĩa là khi ánh sáng Mặt Trời chiếu xuống sông, nước sẽ hấp thụ mạnh “các màu sắc có bước sóng dài” ở phần quang phổ phía cực đỏ và khiến sông có màu xanh da trời. Điều này chỉ xảy ở vài mét nước phía trên bề mặt.
Phân tích này cho thấy nước trong hơn tạo điều kiện cho các loài thực vật siêu nhỏ hoặc tảo phát triển trên cát và lớp đá nền ở đáy sông khiến rìa sông chuyển sang màu xanh lá cây.
Tảo này thường sẽ được dòng nước cuốn đi nhưng do dòng chảy cực kỳ thấp tại Nakhon Phanom và có thể ở cả các đoạn sông khác nên tảo không được cuốn đi mà phát triển.
Phân tích đưa ra cảnh báo rằng điều kiện này có thể tồi tệ hơn nếu phân bón nông nghiệp xâm nhập vào sông, làm cho tảo tăng trưởng.
Thông cáo dẫn lời Tiến sĩ So Nam, phụ trách Quản lý Môi trường của Ban Thư ký Ủy hội MRC, người đứng đầu nghiên cứu cho biết: "Hiện tượng nước màu lục lam có khả năng lan sang các đoạn khác trên sông Mekong, tại những nơi có dòng chảy thấp. Dòng chảy thấp và phù sa lắng đọng có thể gây ra tác động tiêu cực đã được định lượng rõ trong Nghiên cứu Hội đồng của Ủy hội.”
Theo phân tích này, một số tác động tiêu cực bao gồm: giảm lượng thức ăn hơn cho côn trùng và cá nhỏ, cũng như giảm đa dạng sinh học thủy sinh gồm cả cá, do vậy ảnh hưởng tới sản lượng đánh bắt cá và sinh kế của cộng đồng địa phương.
Hiện tượng nước trong còn khiến tảo tăng trưởng mạnh hoặc nhanh đột ngột khiến cho nồng độ oxy hòa tan tăng cao vào ban ngày nhưng giảm rất thấp vào ban đêm và điều này có thể ảnh hưởng tới sự sống của nhiều loài cá.
Ngoài ra, nếu nước vẫn duy trì quá trong, tảo tăng trưởng mạnh có thể tạo ra một thảm dày màu xanh lá và thảm này sẽ bị mục nát và bốc mùi hôi thối.
Nghiên cứu cảnh báo rằng nếu tình trạng này xấu đi, tảo có thể chuyển từ các loài tảo xanh lá (Chlorophyceae/tảo lục) thành các loài tảo xanh lục lam (Cyanophyceae/tảo lục lam), tạo ra các chất độc có thể gây hại cho động vật.
Tuy nhiên, cũng theo ông So Nam, “tình trạng này ít có khả năng xảy ra trên dòng chính (sông Mekong), mà chỉ xảy ra tại những vùng nước tù.”
Tuy nhiên, ông cũng cảnh báo người dân nên cẩn thận khi cho động vật uống nước sông nếu màu nước quá xanh.
Theo phân tích này, tình trạng nước có màu lục-lam hiện tại trên sông Mekong có thể duy trì tới khi lưu lượng nước sông tăng lên vào đầu mùa lũ tới, thường bắt đầu vào cuối tháng 5.
Tình trạng này cũng có thể được cải thiện nếu dòng sông được tiếp thêm lượng nước lớn khi các hồ chứa ở các đập thượng nguồn Mekong (Lan Thương) và các đập trên dòng nhánh xả nước, giúp vận chuyển phù sa bùn cát và mang lại màu nâu đặc trưng của sông Mekong.
Kết quả quan trắc lưu lượng dòng chảy của Ủy hội sông Mekong Quốc tế cho thấy, dòng chảy mùa khô đã tăng trong vài năm vừa qua do việc xả nước từ các hồ chứa nhằm sản xuất điện.