Mê Linh rực sáng trong ngày đón nhận danh hiệu Nông thôn mới

Nhiều lãnh đao Đảng và Nhà nước, cùng đông đảo Nhân dân góp mặt trong Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn Nông thôn mới.
Thí sinh dự thi Hoa hậu Du lịch thế giới khoe sắc cùng hoa Mê Linh

Mê Linh đón nhận danh hiệu đạt chuẩn Nông thôn mới

Tối 9/12/2022, huyện Mê Linh tổ chức Lễ công bố và đón nhận Quyết định công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn Nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công bố điểm du lịch Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng.

Dự buổi lễ có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh… và các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; Các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, cũng như đông đảo Nhân dân địa phương.

Mê Linh rực sáng trong ngày đón nhận danh hiệu Nông thôn mới
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh và các đại biểu tham quan Lễ hội hoa Mê Linh

Tại buổi lễ, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn đã có báo cáo tóm tắt về quá trình phấn đấu xây dựng nông thôn mới của huyện.Theo đó, Mê Linh là vùng đất địa linh nhân kiệt, có bề dày truyền thống lịch sử, văn hóa, cách mạng lâu đời; quê hương của Hai Bà Trưng - hai vị nữ anh hùng dân tộc.

Người dân Mê Linh có truyền thống làm nông nghiệp sản phẩm chất lượng cao; nơi đây cũng là vùng đất trồng hoa lớn nhất của Thủ đô Hà Nội và miền Bắc, sản phẩm chủ yếu là các loại hoa hồng.

Huyện Mê Linh nằm ở phía Tây Bắc của Thủ đô Hà Nội, có diện tích tự nhiên trên 14 nghìn ha, dân số khoảng 25 vạn người với 18 xã, thị trấn. Huyện có nhiều di tích lớn có giá trị văn hóa, lịch sử.

Trên địa bàn huyện có Khu công nghiệp Quang Minh với gần 200 doanh nghiệp, nhà máy đang hoạt động thu hút thường xuyên khoảng 40 nghìn lao động, nộp ngân sách hằng năm khoảng trên 10 nghìn tỷ đồng; Có vị trí giao thông thuận lợi kết nối giao thương với các địa phương; nhất là đường vành đai 4 đang được triển khai, tạo điều kiện thuận lợi cho huyện đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa.

Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhắc lại thời điểm năm 2010, khi Mê Linh bước vào xây dựng nông thôn mới có xuất phát điểm thấp: Tất cả 16 xã chỉ đạt 1/19 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt thấp (chỉ từ 50 -70%); cấp huyện chưa có tiêu chí nào đạt.

Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, không đồng bộ; sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ lẻ, manh mún, tiểu thủ công nghiệp chưa phát triển, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 13,6 triệu đồng/người/năm; Tỷ lệ hộ nghèo còn ở mức cao; Thu ngân sách Nhà nước đạt thấp; Có nhiều xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

Thực hiện Chương trình số 02 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”; Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Mê Linh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xã Liên Mạc làm điểm về xây dựng nông thôn mới; Từ đó rút kinh nghiệm và triển khai đồng bộ, quyết liệt đến 15 xã còn lại.

Quá trình triển khai, phát động mạnh mẽ phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” huy động tích cực vào cuộc của cả hệ thống chính trị.

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội; Ban chỉ đạo Chương trình số 02 của Thành ủy; sự hướng dẫn, tạo điều kiện của các sở, ngành TP và các quận nội thành; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị từ huyện tới cơ sở; sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của Nhân dân.

Vì vậy, công cuộc phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của huyện Mê Linh đã đạt những thành quả rất lớn: Kinh tế nhiều năm liên tục phát triển ổn định; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2010 - 2022 đạt 8,9%/năm;

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hàng ba cho huyện Mê Linh
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân trao Huân chương Lao động hạng Ba cho huyện Mê Linh

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng giảm dần tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; Thu ngân sách năm 2020 tăng gấp 3,6 lần so năm 2010; Thu nhập bình quân đầu người tăng 1,86 lần so năm 2010; Cơ sở hạ tầng kinh tế, các thiết chế văn hóa - xã hội được đầu tư khang trang, hiện đại, sạch đẹp.

Sự nghiệp văn hóa - giáo dục, y tế có nhiều tiến bộ; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia; huy động nguồn lực xã hội được hơn 120 tỷ đồng, 98 nghìn ngày công, hiến gần 20.000m2 đất để mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững ổn định; Không còn xã trọng điểm, phức tạp về an ninh trật tự.

Với những kết quả đạt được; ngày 8/6/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định công nhận huyện Mê Linh đạt chuẩn nông thôn mới; Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba.

Đây là sự ghi nhận, là nguồn cổ vũ động viên to lớn của Đảng và Nhà nước đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh, là minh chứng cho sự đoàn kết, thống nhất, nỗ lực, cố gắng không ngừng của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; Sự đồng tình, ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp và Nhân dân huyện Mê Linh trong suốt 10 năm qua.

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025”; Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội; Nghị quyết số 15 ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045"; Chương trình hoạt động của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Nghị quyết số 15 của Bộ Chính trị; Mê Linh đã và đang hoạch định những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm tiếp tục phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động các nguồn lực, tạo đột phá vươn lên để cùng với huyện Sóc Sơn, Đông Anh phát triển là TP phía Bắc của Thủ đô Hà Nội.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, huyện phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân từ 8 đến 8,5%; tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân đạt 3,0% trở lên; cơ bản không còn hộ nghèo theo tiêu chuẩn của TP Hà Nội; toàn huyện có 8 xã đạt chuẩn Nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt Nông thôn mới kiểu mẫu.

Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh trao Quyết định công nhận Huyện Mê Linh đạt chuẩn Nông thôn mới

Để biến khát vọng, mong muốn đó từng bước thành hiện thực; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh cần quyết tâm đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt một số nhiệm vụ như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao năng lực điều hành, quản lý của chính quyền; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể để xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025 để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể Nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu.

Tập trung rà soát, bổ sung, điều chỉnh đồ án quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã phù hợp với Quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và của TP Hà Nội.

Tập trung huy động tối đa các nguồn lực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới đồng bộ, hiện đại. Đẩy nhanh triển khai thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP trên địa bàn huyện. Chú trọng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp; nhất là trồng hoa. Hằng năm, tổ chức Lễ hội hoa Mê Linh để quảng bá, giới thiệu về sản phẩm hoa Mê Linh.

Nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn. Đẩy mạnh chăm lo sự nghiệp y tế, giáo dục, đào tạo, phát triển văn hoá; đảm bảo an sinh xã hội. Phát triển cảnh quan nông thôn theo hướng văn minh hiện đại. Tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Niềm vui lớn của thành phố Hà Nội nói chung

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến chúc mừng thành tích của huyện Mê Linh. Đồng chí Nguyễn Thị Tuyến cho rằng, sự kiện là niềm vui lớn của huyện Mê Linh nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung, là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về những nỗ lực, cố gắng không ngừng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh trong việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu tại buổi lễ

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, mặc dù còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19 thời gian vừa qua. Song, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương, TP, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, huyện Mê Linh đã rất tích cực triển khai thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy (khóa 15, 16) và Chương trình 04 của Thành ủy (khóa 17) một cách chủ động, sáng tạo, với nhiều giải pháp mang tính đột phá, nhiều mô hình mới và cách làm hay, mang lại những hiệu quả thiết thực.

Huyện được bố trí và huy động hơn 5.777 tỷ đồng (trong đó ngân sách TP hỗ trợ là 993 tỷ, chiếm 17,15%; ngân sách huyện là 2.780 tỷ chiếm 48,12%; còn lại là nguồn vốn lồng ghép và xã hội hóa) để đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới một cách hiệu quả. Cơ sở vật chất được đầu tư đồng bộ, kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội và diện mạo quê hương có nhiều thay đổi ngày càng văn minh, khang trang, sạch đẹp. Sản xuất nông nghiệp được đặc biệt coi trọng theo hướng chuyên canh và tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Trên địa bàn huyện đã hình thành nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, liên kết chuỗi trong sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích canh tác.

Huyện đã hỗ trợ xây dựng 03 chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (Chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau, củ, quả, hoa tại HTXdịch vụ tổng hợp Đông Cao, xã Tráng Việt. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ quả sạch Khánh Phong, xã Tiến Thịnh. Chuỗi sản xuất và tiêu thụ bưởi đỏ Đông Cao, xã Tráng Việt) đem lại hiệu quả kinh tế cao, làm cơ sở để các doanh nghiệp trên địa bàn Huyện học tập và nhân rộng. Kết quả đến hết năm 2022, toàn huyện có 75 sản phẩm OCOP được đánh giá, phân hạng đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 50 sản phẩm OCOP đạt 3 sao và 25 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, xây dựng được 3 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.

Về xây dựng Nông thôn mới, đến nay 16/16 xã của huyện đều đạt 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Huyện đạt 9/9 tiêu chí. Trong đó nhiều nhóm tiêu chí đạt kết quả cao như: Tỷ lệ đường trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm được nhựa hóa, bê tông hóa đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ đường trục chính nội đồng cứng hóa đạt 100%; 100% Trạm Y tế xã, thị trấn đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe Nhân dân; Tỷ lệ người dân tham gia BHYT trên địa bàn đạt 92,5%...

Đời sống nông dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người dự kiến đến hết năm 2022 đạt 60 triệu đồng/người/năm (tăng 47,5 triệu đồng so với năm 2010); đa số các hộ gia đình có nhà ở kiên cố, khang trang; tỷ lệ lao động có việc làm khu vực nông thôn đạt 96,77%, tỷ lệ hộ nghèo hết nay trên địa bàn huyện còn 20 hộ, chiếm tỷ lệ 0,03% (theo tiêu chí mới của TP).

An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, quốc phòng địa phương được củng cố và tăng cường; an sinh xã hội được thực hiện tốt, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được chú trọng, đạt nhiều kết quả toàn diện.

Lãnh đạo thành phố Hà Nội tăng hoa chúc mừng huyện Mê Linh
Lãnh đạo thành phố Hà Nội tăng hoa chúc mừng huyện Mê Linh

Với sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Mê Linh trong hơn 10 năm qua, tháng 6/2022, huyện Mê Linh đã được Thủ tướng Chính phủ ký quyết định công nhận Huyện đạt chuẩn Nông thôn mới năm 2020. Đó là kết quả của sự nỗ lực, cố gắng của cấp ủy, chính quyền và toàn thể nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong huyện, là thành tích đáng tự hào mà cán bộ, đảng viên và nhân dân huyện Mê Linh đã đạt được trong nhiều năm qua.

Thay mặt Thành ủy-HĐND-UBND-UBMTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội ghi nhận và biểu dương những nỗ lực, phấn đấu xây dựng nông thôn mới của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh trong thời gian qua.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà NộiNguyễn Thị Tuyến đề nghị Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Mê Linh cần thực hiện tốt một số nội dung sau:

Thứ nhất, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quán triệt và xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết số 15-NQ/TW, ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị và các Chỉ thị, Nghị quyết, Chương trình công tác của Thành ủy, HĐND, UBND TP vào điều kiện của địa phương để thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Trung ương và TP.

Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện ”tự diễn biến”, ”tự chuyển hóa”; đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ, tâm huyết, năng động, sáng tạo, vì sự nghiệp chung. Phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các Chỉ thị, Nghị quyết của cấp trên và nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Mê Linh rực sáng trong ngày đón nhận danh hiệu Nông thôn mới

Thứ hai, Khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Huyện theo hướng phát triển mạnh công nghiệp, tiểu thủ, công nghiệp và thương mại dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp sạch, nông nghiệp sinh thái hiệu quả và bền vững, ứng dụng khoa học - công nghệ cao gắn với công nghệ chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa, kết nối với thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo vành đai xanh cho TP Hà Nội.

Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ chuyển đổi số trong phát triển kinh tế của Huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp; kế hoạch thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đảm bảo yêu cầu, hiệu quả và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm đồng bộ. Tiếp tục huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực cho nông nghiệp, nông thôn, từng bước xây dựng: “Kinh tế xanh - nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái - nông thôn hiện đại - nông dân văn minh”.

Thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường. Tiếp tục rà soát lại các quy hoạch; tích hợp quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, trong đó, chú trọng đến công tác lập quy hoạch vùng huyện để tiếp tục duy trì và nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí xây dựng Nông thôn mới theo hướng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, gắn với phát triển đô thị. Đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ bồi thường, hỗ trợ tái định cư, tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là dự án đường Vành đai 4 đi qua địa bàn Huyện; đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp, khu công nghiệp sạch Tiến Thắng đã được quy hoạch; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch trên địa bàn. Quy hoạch, đầu tư và phát triển du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm (nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt Đền thờ Hai Bà Trưng), xứng tầm với điều kiện và lợi thế của huyện, từng bước tạo nguồn thu và tăng thu nhập cho người dân.

Thứ ba, Huyện cần bám sát Nghị quyết Đại hội lần thứ 13 của Đảng,Nghị quyết Đại hội lần thứ 17 Đảng bộ TP, Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của BCH Trung ương Đảng khóa 13 “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” và Chương trình số 04 của Thành ủy để tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao trong giai đoạn tới. Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Văn phòng Điều phối nông thôn mới TP và các sở, ngành liên quan để thực hiện các Bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở đó, chỉ đạo các xã đã được công nhận nông thôn mới chú trọng công tác lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu gắn với tiêu chí đô thị gắn với việc phân công, phân nhiệm, lộ trình rõ ràng, đảm bảo hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2020-2025 là: 08 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Thứ tư, Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; phải quán triệt trong nhận thức và hành động, đó là xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử văn hóa trong giai đoạn 2022 - 2025 theo chủ trương, chỉ đạo của TP. Nâng cao chất lượng các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Làm tốt công tác xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo ngày càng tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Thứ năm, Giữ vững ổn định chính trị, bảo đảm an ninh và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Tăng cường nắm bắt tình hình nội bộ nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thực hiện tốt công tác quốc phòng, quân sự địa phương. Quan tâm thực hiện tốt công tác tiếp công dân và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, đảm bảo giữ vững ổn định tình hình địa phương; không để phát sinh thành điểm nóng, phức tạp về an ninh, trật tự, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Trước mắt chuẩn bị tốt nhất cho nhân dân đón Tết Quý Mão 2023 để nhân dân đón tết bình an, hạnh phúc, người người có Tết, nhà nhà có Tết.

tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động