Mê Linh rực rỡ sắc hoa

Những bông hoa tươi thắm nồng nàn tình yêu trở thành đặc trưng mới của huyện Mê Linh trong các năm gần đây. Nhờ đó, không chỉ được biết đến là quê hương Hai Bà Trưng, huyện Mê Linh (Hà Nội) hiện nay còn được gọi là “thủ phủ của hoa hồng”.
Huyện Mê Linh hoàn thành chi trả đợt 1 kinh phí hỗ trợ, GPMB phục vụ dự án vành đai 4

“Đặc sản” từ quê hương Hai Bà Trưng

Những ngày giáp Tết, gió từ sông Hồng thổi vào ù ù càng làm cái lạnh của mùa Đông thêm tê tái, tuy nhiên, ông Phạm Đức Tài (chủ vườn hoa Tài Lý, xã Mê Linh, huyện Mê Linh) cùng các thành viên trong gia đình vẫn xắn tay vào công việc từ sáng sớm. Hàng ngàn chậu hoa hồng thế, hoa chậu trang trí của nhà vườn Tài Lý đều đang chuẩn bị bung cánh, ngõ hầu đón một cái Tết rạng rỡ cho khách hàng - cũng như sung túc cho người nông dân trồng hoa.

Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan lễ hội “Mê Linh rực rỡ sẵc hoa”
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan lễ hội “Mê Linh rực rỡ sẵc hoa”

Là một trong những người nông dân đầu tiên ở địa phương chuyển đổi từ mô hình trồng hoa cắt cành sang trồng hoa hồng thế, hoa chậu trang trí; Gia đình ông Tài thu nhập đều đặn hàng năm khoảng 600-800 triệu đồng. Do được chăm sóc cẩn thận, tỷ mỷ, các chậu hoa hồng mang thương hiệu Mê Linh có thể đi tới những vùng đất xa xôi của đất nước, thậm chí, theo chân du khách nước ngoài chu du tới nhiều quốc gia.

Hoa hồng Mê Linh đẹp rực rỡ
Hoa hồng Mê Linh đẹp rực rỡ

Ông Phạm Đức Tài hồ hởi cho hay: “Hầu hết, khách sành hoa đều ưa chuộng hồng Mê Linh. Không chỉ đa dạng về chủng loại, hoa Mê Linh luôn nở bông đều, to, tươi lâu. Đối với những chậu hoa được gia chủ chăm sóc tốt, hoa có thể nở từ tháng Chạp đến hết tháng Giêng”.

Ngoài xã Mê Linh với diện tích khoảng 13ha, mô hình trồng hoa đã nhân rộng đến các xã khác như: Liên Mạc, Thanh Lâm, Tiền Phong, Đại Thịnh, Văn Khê… Qua đánh giá thực tế, kết quả trồng hoa hồng thế, hoa chậu, hoa cảnh của bà con đã mang lại thu nhập khá cao. Bình quân cho thu nhập 70 triệu đồng/sào/năm sau khi đã trừ chi phí, đạt 1,8-2 tỷ đồng/ha, cao gấp 6,2 lần so với hoa hồng cắt cành.

Xây dựng hình ảnh, nâng cao đời sống Nhân dân

Đầu tháng 12/2022, người dân huyện Mê Linh và các địa phương lân cận nô nức tìm đến lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” được tổ chức tại di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Đây là lễ hội hoa lần đầu tiên được tổ chức tại quê hương Nhị vị nữ vương, tựa như tuyên bố về vị thế, tầm vóc của ngành kinh tế nuôi trồng, sản xuất hoa tại huyện Mê Linh.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đưa du khách trải nghiệm lễ hội hoa
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đưa du khách trải nghiệm lễ hội hoa

Lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” lấy ý tưởng "Khúc khải hoàn" nhằm chào mừng huyện Mê Linh đạt chuẩn Nông thôn mới, đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba và công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng. Trực tiếp có mặt tại lễ hội mới cảm nhận đầy đủ sự quy mô, hoành tráng cũng như tâm huyết của ban tổ chức. Lễ hội được giàn dựng trên quy mô 4.300m2, với 10 cụm nghệ thuật sắp đặt, trang trí hoa quy mô lớn tại khu vực đường kéo quân cổng đền Hai Bà Trưng. Điểm nhấn của lễ hội hoa là con đường trái tim dài 20m được trang trí 100% từ hoa hồng và sự kết hợp khéo léo của các thác hoa cao 4m cùng sự tương tác của nghệ thuật ánh sáng. Bên cạnh hoa hồng, các loài hoa khác như hoa lan, dạ yến thảo, phong ngũ thảo, hoa trạng nguyên cũng góp phần tạo nên vẻ đẹp rực rỡ của lễ hội.

Mê Linh rực rỡ sắc hoa

Lễ hội “Mê Linh rực rỡ sắc hoa” không đơn thuần chỉ có giá trị về mặt tinh thần. Hơn hết, đó là cơ hội hiếm có để quảng bá hình ảnh về vùng hoa Mê Linh tới cả nước, cũng như quốc tế.

Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm cho hay: “Từ năm 2018, sản phẩm hoa hồng, hoa cúc và hoa ly của huyện Mê Linh được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận nhãn hiệu tập thể "Hoa Mê Linh" cho vùng sản xuất 18 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Để phát triển thương hiệu “Hoa Mê Linh”, ngoài các chính sách của Trung ương và thành phố, huyện Mê Linh đã có nhiều cơ chế chính sách như hỗ trợ đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, hỗ trợ xây dựng tem, nhãn mác sản phẩm, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá tiêu thụ sản phẩm, ứng dựng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, phòng trừ sâu bệnh hại, tham gia hội chợ, triển lãm… Tất cả nhằm nâng cao hình ảnh của thương hiệu “Hoa Mê Linh”, qua đó nâng cao đời sống Nhân dân, phát triển kinh tế chung của huyện”.

Vũ Cường
Tags:
Phiên bản di động