Mạng lưới cực đoan quốc tế đứng sau vụ tấn công Sri Lanka
Thương vong trong loạt vụ nổ ở Sri Lanka lên đến 790 người Thất bại của tình báo Sri Lanka trong loạt đánh bom làm hơn 200 người chết Xảy ra vụ nổ bom thứ 8 ở Sri Lanka dịp kỷ niệm lễ Phục sinh |
Trong buổi họp báo hôm qua, phát ngôn viên chính phủ Rajitha Senaratne tuyên bố nhóm Hồi giáo cực đoan National Thowheeth Jama'ath (NTJ) được “mạng lưới quốc tế” tiếp tay chính là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu ngày 21/4.
“Một tổ chức nhỏ trong nước không đủ khả năng thực hiện trót lọt vụ tấn công như thế này” - Reuters dẫn lời ông Senaratne nhấn mạnh. Văn phòng Tổng thống Sri Lanka Maithripala Sirisena cùng ngày ra thông báo kêu gọi các nước hỗ trợ truy lùng mạng lưới này.
Bên cạnh đó, trước sự bức xúc của dư luận trong nước, chính phủ Sri Lanka ngày 22/4 gửi lời xin lỗi đến quốc dân và gia đình các nạn nhân vì sự chủ quan trong xử lý thông tin tình báo.
Theo phát ngôn viên Senaratne, nước này đã nhận được cảnh báo từ “một quốc gia” bằng hữu về nguy cơ tấn công hồi đầu tháng 4, sau đó liên tiếp có thêm 2 cảnh báo vào ngày 20/4 và 10 phút trước khi quả bom đầu tiên phát nổ. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đã không có hành động cụ thể nào để ngăn chặn. Giới hữu trách cam kết sẽ tiến hành điều tra và không để tình trạng tương tự tái diễn.Theo báo cáo của chính phủ, Sri Lanka có dân số 21,44 triệu người, với khoảng 70% theo Phật giáo, 12,6% đạo Hindu, 9,7% Hồi giáo và 7,6% Công giáo. Lâu nay tại nước này hầu như không tồn tại các nhóm cực đoan và các cộng đồng tôn giáo tương đối hòa hợp với nhau.
Mạng lưới cực đoan quốc tế đứng sau vụ tấn công Sri Lanka |
Tuy nhiên, trong vài năm gần đây có nổi lên một số nhóm nhỏ và ít tên tuổi, trong đó có NTJ chủ yếu hoạt động phá hoại tượng Phật. Theo giới quan sát, không thể loại trừ khả năng tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan (IS) đứng sau giật dây vụ tấn công để lấy lại thanh thế sau khi gần như bị quét sạch tại Iraq và Syria.
"NTJ có thể đã tuyên thệ trung thành với IS. Các thành viên nhóm này có mối liên hệ với những công dân Sri Lanka đến Syria, Iraq để gia nhập IS" - Chuyên gia an ninh Rohan Gunaratna thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nhận định. Tuy nhiên, đến nay chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm.
Tính đến hôm qua, số thương vong tăng lên ít nhất 290 người thiệt mạng và 500 người bị thương sau 8 vụ đánh bom liên hoàn tại 4 khách sạn cùng 3 nhà thờ đang tổ chức thánh lễ vào ngày Phục sinh tại Colombo và các khu vực lân cận, theo CNN.
Giới điều tra viên bước đầu xác định có 7 kẻ đánh bom liều chết tham gia tấn công và cảnh sát đã bắt giữ 24 người có liên quan. Vào khuya 21/4, quả bom thứ 9 được phát hiện và xử lý thành công tại sân bay quốc tế Colombo. Trong ngày 22/4, cảnh sát phát hiện 87 ngòi nổ tại một trạm xe buýt ở trung tâm Colombo còn một chiếc xe tải nổ tung gần nhà thờ Thánh Anthony, một trong những điểm bị tấn công, trong lúc lực lượng đặc nhiệm nỗ lực tháo dỡ bom nhưng không rõ thương vong.
Hiện chính phủ đã áp đặt lệnh giới nghiêm từ 20h đến 4h sáng tại thủ đô Colombo và tình trạng khẩn cấp bắt đầu có hiệu lực kể từ rạng sáng 23/4. Với tình trạng khẩn cấp, cảnh sát và quân đội được trao thêm quyền bắt giữ, thẩm vấn nghi phạm mà không cần trát tòa án và biện pháp này từng được ban bố nhiều lần suốt cuộc nội chiến với lực lượng Hổ Tamil trong giai đoạn 1983 - 2009.
Đây cũng là vụ tấn công nghiêm trọng nhất tại Sri Lanka kể từ sau khi kết thúc nội chiến. Trong khuyến cáo dành cho công dân đang có mặt tại Sri Lanka, Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo nguy cơ các nhóm cực đoan sẽ tiếp tục âm mưu tấn công.