Lật tẩy chiêu quảng cáo sản phẩm Glu Metaherb vi phạm quy định của pháp luật
Ngày 14/9, Cục An toàn thực phẩm lại đưa ra cảnh báo cho người tiêu dùng sau khi phát hiện trên website: thuoctieuduong.net quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glu Metaherb vi phạm: Không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định; Liệt kê công dụng của từng thành phần của sản phẩm.
Nội dung cảnh báo như sau: Để an toàn sức khỏe cho người sử dụng, tránh sử dụng sản phẩm quảng cáo không đúng sự thật về công dụng sản phẩm, trong thời gian Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý vụ việc, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng không mua, không sử dụng sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glu Metaherb quảng cáo vi phạm trên website nêu trên".
Lật tẩy chiêu quảng cáo sản phẩm Glu Metaherb vi phạm quy định của pháp luật |
Được biết, sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty cổ phần Dược liệu Phương Đông, địa chỉ: số 1, ngách 69B/33 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.
Tuy nhiên theo Cục An toàn thực phẩm cho biết: Quá trình hậu kiểm, Công ty cổ phần Dược liệu Phương Đông không thừa nhận các website nêu trên của Công ty cổ phần Dược liệu Phương Đông, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Glu Metaherb trên website nêu trên.
Cách đặt tiêu đề SEO nguy hiểm khiến người bệnh có thể từ bỏ thuốc điều trị để sử dụng sản phẩm Glu Metaherb |
Phòng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô sau khi tiếp nhận được thông tin cảnh báo đã gõ tên sản phẩm Glu Metaherb vào thanh tìm kiếm của Google thì phát hiện trang web có tên miền metaherb.vn tạo thẻ tiêu đề (là tiêu đề được hiển thị trên trang kết quả tìm kiếm cùng thẻ mô tả Description - PV) gây hiểu nhầm sản phẩm là thuốc điều trị tiểu đường với nội dung:
"Glu Metaherb là sản phẩm ứng dụng công nghệ cao vào bào chế thảo dược thiên nhiên giúp ổn định đường huyết không cầm thuốc tây, tiêm insuIin..."
Mặc dù khi click vào trang thì thông tin sẽ được hiện ra đúng với nội dung giấy xác nhận quảng cáo do Cục An toàn cấp, nhưng theo một chuyên gia trong lĩnh vực SEO cho biết:
"Đây là "chiêu" lách luật để quảng cáo gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng và cách để hấp dẫn người tìm kiếm quyết định click tới trang"
Thiết nghĩ, công tác hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên internet và môi trường mạng của cơ quan chức năng cũng cần phải siết chặt và xử lý mạnh tay hơn nữađối với những chiêu trò lừa dối của các con buôn để bảo vệ quyền lợi và sức khỏe cho người tiêu dùng.
Đối với các hành vi vi phạm về hoạt động quảng cáo thực phẩm, quảng cáo thực phẩm chức năng sẽ bị xử lý hành chính, cụ thể: 1. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo thực phẩm chức năng và các sản phẩm không phải là thuốc với nội dung không rõ ràng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc”. Căn cứ Điểm a Khoản 4 Điều 68 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. 2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi: “Quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định”. Căn cứ Khoản 1 Điều 67 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017. 3. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: a) Quảng cáo thực phẩm dưới hình thức các bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; b) Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. Căn cứ Khoản 4 Điều 70 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo và được sửa đổi tại Nghị định 28/2017/NĐ-CP ngày 20/3/2017. 4. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi: “quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có nội dung khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.” Căn cứ Điều 23 Khoản 1 Nghị định 115/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm. 5. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với hành vi “Quảng cáo sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình bú và vú ngậm nhân tạo” Căn cứ Điểm c Khoản 1 Điều 50 Nghị định 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo. |