Lào Cai: Khách sạn 5 SAO Pao’s Sapa sử dụng tranh vi phạm bản quyền

Vừa qua, họa sĩ Hà Hùng Dũng đã phản ánh tới báo chí việc hàng loạt tranh của anh bị đạo bản quyền và vẽ lên tường tại Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao’ Sapa (Lào Cai), thậm chí cho vào khung treo trong quán bar mà không xin phép hay trả tiền bản quyền cho tác giả.
Thu giữ, tiêu hủy hàng trăm kg tôm hùm đất ở cửa khẩu Lào Cai Công an vào cuộc điều tra vụ hơn 400 tấn hàng bị bắt giữ Lào Cai: Nhà hàng 9999 xây dựng lấn chiếm lòng suối Cốc San

Chia sẻ với Tuổi trẻ & Pháp luật ngày 21/5, họa sĩ Hà Hùng Dũng cho biết: "Vừa qua, một đơn vị tự xưng là tranh tường Trần Tuân sao chép gần 20 bức tranh của anh để vẽ lên tường cho Mẩy Club, thuộc khách sạn Pao’ Sapa, cho vào khung treo trong quán bar để thu lợi. Những bức tranh của anh bị đạo bản quyền và vẽ lại tại đây không hề được xin phép hay đề nghị mua từ phía khách sạn Pao’s Sapa hay từ đơn vị tranh tường Trần Tuân mà vẫn vô tư sử dụng cả năm trời. Sự việc chỉ được phát hiện khi anh lên Sapa tham dự 1 cuộc triển lãm ảnh".

“Tôi thực sự mệt mỏi, buồn và mệt thật sự, những người nghệ sĩ lao động chân chính phải đầu tư nhiều công sức, thời gian và cả tiền bạc mới có thể sáng tác được 1 tác phẩm nghệ thuật. Tuy nhiên, việc thu lợi thì rất khó, có khi cả năm mới bán được 1 bức tranh, tiền bán tranh sẽ dùng để trang trải mọi chi phí sáng tác và dùng để tiếp tục phục vụ cho tái sản xuất các tác phẩm mới. Trong số các bức tranh họ sử dụng có bức đã được bán bản quyền cho khách, họ làm vậy thì tôi còn bán tranh kiểu gì nữa” - anh Dũng buồn bã.

lao cai khach san 5 sao paos sapa su dung tranh vi pham ban quyen
Tranh gốc của họa sĩ Hà Hùng Dũng.
lao cai khach san 5 sao paos sapa su dung tranh vi pham ban quyen
Và bức tranh bị đạo bản quyền vẽ lại tại khách sạn Pao's Sapa.

Liên quan đến việc này, ngày 19/5, trang Facebook của khách sạn Pao’s Sappa đã đăng thư xin lỗi gửi họa sĩ Hà Hùng Dũng. Bức thư được đăng tải có chữ ký của Giám đốc Ngô Thị Thu Lý nói rõ, do sơ suất trong khâu kiểm duyệt của nhà thầu thiết kế cùng sự thiếu trách nhiệm và không chuyên nghiệp của nhóm vẽ tranh đã dẫn đến sự việc vi phạm bản quyền các bức tranh về Sapa của họa sĩ Hà Hùng Dũng. Khách sạn đã chỉ đạo tháo dỡ, xoá bỏ tất cả hạng mục tranh vi phạm, yêu cầu bên vẽ tranh phải công khai gửi lời xin lỗi đến hoạ sĩ Hà Hùng Dũng.

Thông tin với báo chí, đại diện khách sạn Pao’s Sapa cũng đã xác nhận việc đơn vị này gửi thư xin lỗi qua tin nhắn Facebook cho họa sĩ Hà Hùng Dũng vì họa sĩ chưa hề có liên hệ nào tới khách sạn nên không biết thông tin liên hệ của anh. Đồng thời khẳng định khách sạn đã cư xử “văn minh”, trách nhiệm khác liên quan đến vi phạm bản quyền thì nhóm các các họa sĩ chép tranh sẽ phải chịu trách nhiệm, bởi trong hợp đồng với khách sạn, nhóm đã cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ vấn đề liên quan tới bản quyền.

lao cai khach san 5 sao paos sapa su dung tranh vi pham ban quyen
Thư xin lỗi của khách sạn Pao's Sapa gửi họa sĩ Hà Hùng dũng được đăng tải trên Facebook ngày 19/5.

Về vấn đề này, họa sĩ Hà Hùng Dũng bức xúc cho biết, khách sạn Pao’s Sapa đã sử dụng các bức tranh đạo bản quyền của anh đã 1 năm không thể đổ lỗi do sơ suất trong khâu kiểm duyệt, họ đã sử dụng những bức tranh được đạo bản quyền từ tranh của anh để kinh doanh trong ngần ấy thời gian thì không thể gửi lời xin lỗi là xong. Thư xin lỗi qua trang Facebook của khách sạn Pao’s Sapa nhưng rất sơ sài, anh chưa hề nhận được thư xin lỗi qua email và cũng chưa nhận được cuộc điện thoại nào liên hệ trực tiếp với anh từ khách sạn hay những người đã sao chép tranh của anh. Thậm chí, thông qua các mối quan hệ anh đã có số điện thoại của Giám đốc Ngô Thị Thu Lý nhưng khi anh gọi điện để “ba mặt một lời cho rõ ràng” thì không thấy nghe máy, nhắn tin không trả lời.

Việc tranh của họa sĩ bị đạo bản quyền xảy ra không phải là hiếm, tuy nhiên, các hành xử khi tác giả phát hiện ra thì có muôn vàn kiểu cách và không phải tổ chức, đơn vị, cá nhân nào cũng xử lí thấu tình đạt lí. Một số ý kiến của chuyên gia và dư luận cho rằng, việc gửi thư xin lỗi thôi là không đủ bởi những vi phạm này làm tổn hại lớn tới danh dự của họa sĩ, hơn nữa tuy khác sạn không phải trực tiếp vi phạm bản quyền song đã sử dụng những bức tranh đó vào việc kinh doanh có thu lợi nhuận. Các bên vi phạm cần phải đền bù danh dự không thể xin lỗi suông, cần phải có những hành xử có văn hóa.

Một số quy định pháp lý hiện hành về quyền tác giả, tác phẩm:

- Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ 2009 quy định Hành vi sao chép, sử dụng mà không được sự đồng ý của chủ sở hữu vi phạm quyền tác giả.

- Hành vi sao chép tác phẩm mà không hỏi ý kiến chủ sở hữu quyền tác giả, trừ trường hợp quy định tại Điểm D, khoản 1, Điều 23 của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009, bị coi là vi phạm quyền tác giả. Điều 22 Nghị định 22/2018/NĐ-CP có giải thích cụ thể về sao chép tác phẩm.

- Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả bị phạt tiền từ 15 - 35 triệu đồng. Khoản 1, điều 15 Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.

- Khoản 1 điều 225 Bộ luật Hình sự 2015 quy định người nào không được phép của chủ thể quyền tác giả mà sao chép tác phẩm, bản ghi âm, bản ghi hình thu lợi bất chính từ 50 - 300 triệu đồng hoặc gây thiệt hại cho chủ thể quyền tác giả, quyền liên quan từ 100 - 500 triệu đồng hoặc hàng hóa vi phạm trị giá từ 100 - 500 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

Trần Trung
Phiên bản di động