Lan tỏa giá trị nhân văn, tạo ấn tượng trong lòng người dân Thủ đô
Người dân Thủ đô rục rịch sắm quất, đào, mai Người dân Thủ đô tưng bừng vui chơi trong đêm Giáng sinh Người dân Thủ đô trải nghiệm Lễ hội Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc - Việt Nam 2022 |
Những kết quả ấn tượng
Chính sách an sinh xã hội giúp ổn định lòng dân, hỗ trợ phục hồi kinh tế. Vì thế, thời gian qua, việc phát triển hệ thống an sinh xã hội luôn được Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội quan tâm. Hà Nội coi đây là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm và là động lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Những năm qua, Hà Nội đã thực hiện tốt nhiệm vụ này với nhiều dấu ấn đặc biệt.
Hà Nội luôn chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện |
Dấu ấn đặc biệt đầu tiên là việc rất nhiều chính sách đặc thù đã được Hà Nội triển khai hiệu quả. Trong đó, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của Nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025”.
Báo cáo về kết quả thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy tại Hội nghị giao ban quý III/2022, đại diện Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội thông tin, về phát triển thị trường lao động, giải quyết việc làm, đến nay, thành phố đã giải quyết việc làm cho 168.443/160.000 lao động, đạt 105,2% kế hoạch năm (tăng 44% so với cùng kỳ năm 2021). Bên cạnh đó, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 92,1% dân số.
Về kết quả tổng rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới giai đoạn 2022-2025, toàn thành phố có 3.612 hộ nghèo, chiếm 0,16% tổng số hộ dân toàn thành phố và 30.176 hộ cận nghèo, chiếm 1,38%. Hiện tại, các địa phương đang tập trung thực hiện công tác rà soát hộ nghèo, cận nghèo để đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu giảm nghèo năm 2022. Dự kiến cuối năm 2022 có 15 quận, huyện không có hộ nghèo theo chuẩn mới (11 quận: Ba Đình, Cầu Giấy, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Hoàn Kiếm, Long Biên, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Thanh Xuân, Đống Đa, Bắc Từ Liêm và 04 huyện: Đan Phượng, Gia Lâm, Hoài Đức, Đông Anh). Riêng quận Hai Bà Trưng, Cầu Giấy không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo...
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng đời sống, giảm chênh lệch mức sống của Nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội đã tích cực vận động Nhân dân hưởng ứng tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, nhân đạo, từ thiện; Đồng thời, quan tâm, chăm lo cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho các đối tượng chính sách người có công với cách mạng, hộ nghèo, cận nghèo, người cao tuổi, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng bảo trợ xã hội, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số...
Cùng với đó, thực hiện Nghị quyết số 15/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 của Thường trực HĐND thành phố, toàn thành phố đã hoàn thành việc hỗ trợ 297.140 người (thuộc 8 nhóm đối tượng) với số tiền 315,651 tỷ đồng.
Ngoài ra, thực hiện Quyết định số 08/QĐ-TTg ngày 28/32022 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, tính đến ngày 13/9/2022, thành phố đã hỗ trợ 420.279 lượt lao động với số tiền đã giải ngân là 220,402 tỷ đồng…
Theo Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Hà Nội Bạch Liên Hương, không chỉ thực hiện hiệu quả nhiều chính sách đặc thù, Hà Nội luôn chú trọng phát triển hệ thống an sinh xã hội toàn diện. Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy thị trường lao động luôn được quan tâm, triển khai có hiệu quả hệ thống 8 điểm, 5 sàn giao dịch việc làm vệ tinh tại các quận, huyện... Bên cạnh đó, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế ngày càng được mở rộng, số người tham gia tăng nhanh và dần trở thành trụ cột quan trọng của hệ thống an sinh xã hội…
Dấu ấn của những lực lượng tiên phong
Nhắc đến những thành quả trong công tác an sinh xã hội không thể không kể đến các chương trình hành động của các cấp công đoàn Thủ đô.
Thời gian qua, các cấp công đoàn Thủ đô đã có nhiều điểm mới, linh hoạt và thiết thực trong tổ chức hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động.
Ông Nguyễn Chính Hữu, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội trao quà hỗ trợ doanh nghiệp dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 |
Cụ thể, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TP Hà Nội đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa 50 nhà “Mái ấm Công đoàn” với số tiền 2 tỷ đồng cho các gia đình công nhân, người lao động có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn không có điều kiện xây mới, sửa chữa nhà ở.
Chương trình "Mái ấm Công đoàn" do LĐLĐ TP Hà Nội triển khai đã mang lại cho đoàn viên, người lao động niềm vui, niềm hạnh phúc ấm áp bởi được sống trong tình yêu thương, chăm lo của tổ chức công đoàn. Sau nhiều năm triển khai chương trình đã và đang trở thành một hoạt động xã hội có sức lan tỏa sâu rộng, thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái “lá lành đùm lá rách” được đông đảo đoàn viên, người lao động đồng tình hưởng ứng.
Không chỉ chăm lo về nơi ở ổn định cho người lao động, công tác chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động cũng được công đoàn các cấp đặc biệt quan tâm. Thực hiện mô hình “Sức khỏe của bạn”, LĐLĐ TP đã phối hợp với các đơn vị tổ chức truyền thông kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản, khám, tư vấn chăm sóc sức khỏe và phát thuốc miễn phí cho 490 nữ công nhân lao động khu Công nghiệp và chế xuất Hà Nội. Cùng với thành phố, công đoàn cấp trên cơ sở cũng tích cực hưởng ứng hoạt động chăm sóc sức khỏe cho đoàn viên, người lao động. Đến nay, đã có 8 đơn vị công đoàn cấp trên cơ sở tổ chức khám sức khỏe miễn phí cho 2.133 đoàn viên, người lao động.
Phát huy tinh thần xung kích, sáng tạo, qua các hoạt động của phong trào, tuổi trẻ Thủ đô đã hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn, góp phần vào công tác an sinh xã hội của thành phố.
Các hoạt động được triển khai sâu rộng gắn sát với nhiệm vụ “kép” cùng hệ thống chính trị, lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch bệnh COVID-19 song song với phát triển kinh tế xã hội, hoàn thành các nhiệm vụ chính trị được giao. Nhiều mô hình góp phần an sinh xã hội được thực hiện mang dấu ấn riêng của tuổi trẻ.
Phong trào “Thanh niên tình nguyện” được triển khai tập trung vào các chiến dịch cao điểm, gắn với chuyên môn, nghiệp vụ, với các địa bàn trọng điểm, các địa phương khó khăn hoặc gặp tình huống thiên tai, dịch bệnh. Các chương trình đồng hành với thanh niên được các cấp triển khai với những nội dung thiết thực.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội
Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, trong điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 gắn với phát triển kinh tế - xã hội, thành phố đã thực hiện tốt nhiệm vụ trong đảm bảo các chính sách an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân; có cơ chế đặc thù cả với lực lượng tuyến đầu chống dịch...
Thành Đoàn Hà Nội đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội |
Năm vừa qua, thành phố cũng quyết liệt ban hành các Nghị quyết liên quan đến chính sách hỗ trợ học phí, bởi quan điểm của thành phố là tập trung lo cho vấn đề an sinh xã hội, đảm bảo mức thu học phí nhưng vẫn giảm 50% cho học sinh. Bên cạnh đó là Nghị quyết về hỗ trợ cho đội ngũ nhân viên y tế, tại Kỳ họp chuyên đề HĐND thành phố đã đưa ra và ban hành được Nghị quyết này với tổng số tiền hỗ trợ hơn 500 tỉ đồng, nhằm tri ân, tạo điều kiện nâng cao đời sống cho nhân viên y tế.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả các chương trình, hoạt động an sinh xã hội, trong thời gian tới, thành phố Hà Nội đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm.
Một là, thành phố tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, bảo đảm tính đa dạng, toàn diện, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng huy động, cân đối nguồn lực của thành phố.
Bên cạnh đó, thành phố phát triển hệ thống an sinh xã hội bền vững với những trụ cột cơ bản: Việc làm, bảo hiểm xã hội, giảm nghèo và trợ giúp xã hội. Ngoài ra, thành phố thực hiện hiệu quả các chính sách xã hội, bảo đảm khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản cho người dân về giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin...
Hoàn thiện hệ thống chính sách, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội và chất lượng đời sống Nhân dân là mục tiêu phát triển bền vững. Vì vậy, thời gian tới, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế, tranh thủ nguồn lực... từng bước nâng cao chất lượng đời sống Nhân dân ngang bằng với khu vực và quốc tế.