Làm thế nào để phòng tránh ngộ độc thực phẩm?

Ngộ độc thực phẩm gây nguy hiểm cho sức khỏe do ăn đồ ăn không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Mức độ ngộ độc thức ăn tùy thuộc vào mức độ kém vệ sinh của thức ăn đó. Sau đây là cách để phòng tránh ngộ độc thực phẩm.
Thuốc hiếm 8.000 USD giải độc bệnh nhân vụ pate Minh Chay có gì đặc biệt? Người phụ nữ nhập viện trong đêm vì ngộ độc sau khi ăn đào mua hàng rong

Chọn thực phẩm tươi sạch

Theo bác sĩ Phạm Công Danh - Bộ Môn Dinh dưỡng - ATTP trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, nên chọn các loại rau, quả tươi, không bị dập nát, không có mùi lạ. Thịt phải qua kiểm dịch thú y và đạt tiêu chuẩn thịt tươi, giữ nguyên màu sắc bình thường, không có dấu hiệu ươn.

Nên chọn thực phẩm tươi sạch, được đóng gói, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Lê
Nên chọn thực phẩm tươi sạch, được đóng gói, có nguồn gốc rõ ràng để đảm bảo an toàn. Ảnh: Ngọc Lê

"Các thực phẩm đã chế biến phải được đóng hộp hoặc đóng gói đảm bảo, phải có nhãn hàng hóa ghi đầy đủ nội dung như tên sản phẩm, trọng lượng... Không sử dụng thực phẩm khô đã bị mốc", bác sĩ Công Danh cho biết thêm.

Giữ vệ sinh nơi ăn uống và chế biến thực phẩm

Cũng theo bác sĩ Danh, để đảm bảo ATTP khu vực chế biến thực phẩm không có nước đọng, xa các khu khói, bụi bẩn, nhà vệ sinh hoặc khu chăn nuôi gia súc, rác thải gây ô nhiễm môi trường.

Tất cả các bề mặt sử dụng để chuẩn bị thực phẩm phải dễ cọ rửa, luôn giữ gìn sạch sẽ, khô ráo. Bếp phải đủ ánh sáng và thông gió.

Phải đủ nước sạch sử dụng để chế biến thực phẩm và vệ sinh khu vực chế biến thường xuyên. Ngăn ngừa sự đi lại của gián, chuột và các động vật khác trong khu vực chế biến thực phẩm.

Nấu chín thức ăn

Các thực phẩm như thịt, cá, xúc xích hay thậm chí là một số loại rau củ cũng cần được nấu chín để loại bỏ nguy cơ ngộ độc.

Vệ sinh cá nhân

Theo các chuyên gia, để giảm nguy cơ bị ngộ độc thực phẩm, bạn cũng cần giữ vệ sinh cá nhân luôn sạch sẽ. Để làm được điều này, bạn cần cắt móng tay sạch sẽ, giữ cho đầu tóc gọn gàng và không đi giày, dép có lẫn đất bẩn vào phòng ăn hay nhà bếp.

Nhiệt độ tủ lạnh dưới 5 độ C

Việc giữ cho nhiệt độ của tủ lạnh dưới 5 độ C sẽ giúp ngăn chặn quá trình gây hại và sinh sôi của vi trùng. Ngoài ra, bạn cũng cần tránh để quá nhiều đồ trong tủ lạnh vì như vậy không khí bên trong sẽ khó lưu thông, gây ảnh hưởng tới nhiệt độ chung của tủ.

Nấu lại thức ăn thừa

Nhiều người có thói quen dùng lại thức ăn thừa nhưng không nấu lại trước khi sử dụng. Thói quen này rất nguy hiểm vì sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm những vi khuẩn có hại. Các chuyên gia cũng khuyên nên hạn chế dùng lại thức ăn thừa nếu để lâu vì lúc này thực phẩm đã bị biến chất và mất dinh dưỡng.

Không ăn thực phẩm quá hạn

Để phòng ngừa nguy cơ ngộ độc, bạn cần tuyệt đối không tiêu thụ những thực phẩm đã quá hạn sử dụng dù cho nó trông vẫn còn “ổn” và không có mùi. Vì những thực phẩm để lâu sẽ là môi trường cho các loại bọ hay vi khuẩn có cơ hội sinh sôi và phát triển.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động