Làm sao để bảo vệ bí mật cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng?

Cục Trẻ em (Bộ Lao động – Thương binh – Xã hội) mới đây đã đề xuất Bộ TTTT chấn chỉnh, xử phạt các cơ quan, tổ chức, cá nhân đăng tải thông tin thuộc bí mật cá nhân, đời sống riêng tư của trẻ em nhằm nâng cao ý thức bảo vệ quyền trẻ em trong cộng đồng.
Tăng cường công tác bảo vệ trẻ em trên không gian mạng Trang bị “vắc xin số”, bảo vệ trẻ em khi tham gia môi trường mạng Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng – một nhiệm vụ cấp bách

Địa chỉ nhà ở, lớp học... đều thuộc "bí mật riêng tư" của trẻ em

Thời gian gần đây, thông tin về nạn nhân của các vụ xâm hại tình dục trẻ em, bạo hành trong trường học... tràn ngập trên các trang mạng xã hội và báo chí. Điển hình như mới đây, câu chuyện nữ sinh lớp 7 mang thai và sinh con khiến cộng đồng “rúng động”. Điều đáng nói là, thông tin của nữ sinh đó không chỉ thấy trên các trang mạng xã hội mà còn tràn ngập trên các trang báo. Địa chỉ lớp học, gia đình, địa chỉ nơi ở... của em – những gì được coi là “bí mật cá nhân” đã được phơi bày trên mặt báo chí.

Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, bà Nguyễn Thị Nga - Cục phó Cục Trẻ em cho biết: “Bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em đã được quy định trong Luật Trẻ em cũng như quy định trong Nghị định 56/2017/NĐ-CP. Trong đó, có những nội dung rất cụ thể thuộc về đời sống riêng tư, bí mật của trẻ em như là hình ảnh, địa chỉ nhà ở, địa chỉ lớp học, cha mẹ, mối quan hệ bạn bè, tài sản cũng như dịch vụ đang cung cấp cho trẻ em… cần được phải giữ bí mật.

Làm sao để bảo vệ bí mật cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng?
Bà Nguyễn Thị Nga - Cục phó Cục Trẻ em trả lời PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô

Đặc biệt Thông tư 09/2017 của Bộ Thông tin Truyền thông đã quy định trách nhiệm của cơ quan báo chí khi đăng tin bài, liên quan đến trẻ em là nạn nhân của các vụ bạo lực, xâm hại tình dục.

Tuy nhiên, rất tiếc, trong thời gian vừa qua,sau khi xảy ra những vụ trẻ em bị xâm hại tình dục vẫn còn một số trang báo điện tử đăng cụ thể đia chỉ, lớp học, nơi ở của em bé và gia đình. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển sau này của trẻ em và gia đình của các em”.

Lộ bí mật riêng tư của trẻ em có thể xử phạt đến 30 triệu đồng

Theo bà Nga, năm 2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2021/NĐ-CP quy định về các hành vi xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến trách nhiệm bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em, theo các điều Điều 31, 36. Trong đó,mức xử phạt hành chính có thể lên đến 30 triệu đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 7 tuổi trở lên.

Đó là các thông tin về: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em…

Làm sao để bảo vệ bí mật cá nhân của trẻ em trên môi trường mạng?
Những thông tin cá nhân về lớp học, quan hệ bạn bè, kết quả học tập của trẻ nếu không được sự đồng ý của cha mẹ, người giám hộ hoặc của trẻ thì không được phép tiết lộ, công bố (Ảnh minh họa)

Cục phó Cục Trẻ em bày tỏ mong muốn các phóng viên, biên tập viên, cơ quan báo chí khi lên án các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em, hãy quan tâm tới việc bảo vệ bí mật đời sống riêng tư cho trẻ, tránh trường hợp đáng tiếc sẽ bị xử phạt theo quy định trên.

Bà Nga cũng chia sẻ thêm, đối với các cơ quan báo chí, trang mạng xã hội làm lộ thông tin cá nhân của nữ sinh lớp 7 và một số trường hợp các em bị xâm hại tình dục vừa qua, bước đầu, Cục Trẻ em đã đề xuất Bộ TTTT nhắc nhở và chấn chỉnh. Các biện pháp xử phạt hành chính theo quy định của pháp luật sẽ được áp dụng sau khi tuyên truyền, nhắc nhở mà cơ quan báo chí, mạng xã hội không thực hiện gỡ bỏ, nhằm nâng cao nhận thức về việc bảo vệ quyền trẻ em.

Điều 31 - Nghị định 130/2021/NĐ-CP: Vi phạm quy định về cấm công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em.

1. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi công bố, tiết lộ một trong các thông tin mà không được sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em và trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên, gồm: tên, tuổi; đặc điểm nhận dạng cá nhân; thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong bệnh án; hình ảnh cá nhân; thông tin về các thành viên trong gia đình, người chăm sóc trẻ em; tài sản cá nhân; số điện thoại; địa chỉ thư tín cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em.

2. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc xin lỗi khi có yêu cầu đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này;

b) Thu hồi, xóa, gỡ bỏ các thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ

em đối với hành vi vi phạm tại khoản 1 Điều này

Điều 36- Nghị định 130/2021/NĐ-CP: Vi phạm về trách nhiệm bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm khi kinh doanh, cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng:

a) Cung cấp, chia sẻ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

b) Không cảnh báo hoặc gỡ bỏ thông tin, dịch vụ gây hại cho trẻ em, thông tin, dịch vụ giả mạo, độc hại, khiêu dâm, bạo lực, xúi giục tự tử, xuyên tạc, đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

c) Không sử dụng các biện pháp, công cụ bảo đảm an toàn về thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em; không gửi các thông điệp cảnh báo nguy cơ khi trẻ em cung cấp, thay đổi thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em

d) Không thực hiện yêu cầu xóa, gỡ bỏ các thông tin cá nhân của trẻ em khi cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em, người giám hộ của trẻ em hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền bảo vệ trẻ em yêu cầu.

đ) Không tổ chức tiếp nhận thông tin, đánh giá phân loại theo mức độ an toàn cho trẻ em được các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trẻ em gửi tới.

e) Không công bố danh sách các mạng thông tin, dịch vụ, sản phẩm trực tuyến theo mức độ an toàn đối với trẻ em.

g) Không thực hiện việc phát hiện, loại bỏ các hình ảnh, tài liệu, thông tin không phù hợp với trẻ em, ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

h) Không hướng dẫn sử dụng các dịch vụ, thiết bị công nghệ thông tin để bảo vệ trẻ em

i) Không có biện pháp bảo vệ người tiếp cận thông tin, sử dụng dịch vụ là trẻ em.

Thái Sơn
Phiên bản di động