Ký ức hào hùng mùa Thu lịch sử
Cửa ô Hà Nội – Chứng nhân lịch sử còn mãi Đại thực cảnh "Ngày về chiến thắng" - hào hùng cảm xúc lịch sử Những di tích lịch sử gắn với cuộc chiến bảo vệ và giải phóng Thủ đô |
Ngày về lịch sử
Đại tá Dương Niết quê ở làng Cổ Tiết, xã An Vinh, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ông nguyên là chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca, Tổ trưởng tổ tiếp quản Sở Cảnh sát Bắc Việt, nguyên Hiệu phó Trường Trung cao Không quân (nay là Học viện Phòng không - Không quân). 70 năm trước, ông là một trong 214 cán bộ, chiến sĩ đầu tiên về tiếp quản Thủ đô.
Trò chuyện thân tình, cởi mở với phóng viên báo Tuổi trẻ Thủ đô trong ngôi nhà nhỏ ở đường Nguyễn Viết Xuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), Đại tá Dương Niết bộc bạch: Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị ông chuẩn bị về giải phóng Bắc Giang thì có lệnh đình chiến. Đơn vị về tập kết tại Phùng.
Đại tá Dương Niết, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Bình Ca |
“Ngày 6/9/1954, một cán bộ tham mưu của ta ở trong nội thành ra phổ biến nhiệm vụ với tôi. Lúc đó, tôi mới biết mình được vinh dự vào tiếp quản Thủ đô”, Đại tá Dương Niết hồi tưởng.
Sau đó, Tiểu đoàn hành quân về Phù Lỗ. Tại đây, các chiến sĩ được học kỹ 10 điều khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Ông kể: “Vì ta với Pháp trao đổi với nhau tại Hội nghị Trung Giã, trước khi Pháp rút, ta phải vào tiếp quản nhưng Pháp yêu cầu ta không cho bộ đội chủ lực vào, không mang súng trường, không đeo huy hiệu chiến sĩ Điện Biên vì hai tiếng Điện Biên lúc đó là ác mộng đối với chúng. Đêm 7/10, chúng tôi về ngay làng Vân ở đầu cầu Đuống. Nhân dân nơi đây đón chúng tôi trong không khí rất sôi nổi, hò reo, hoan hô”.
Đại tá Dương Niết trò chuyện với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô |
Trầm ngâm một lát, Đại tá Dương Niết bảo, trong cuộc đời quân ngũ, trải qua cả 2 cuộc kháng chiến chống Mỹ và Pháp nhưng khoảnh khắc đáng nhớ nhất đối với ông chính là những ngày cùng đồng đội trở về tiếp quản Thủ đô Hà Nội năm 1954.
“Sáng hôm sau, chúng tôi ra đến cầu Đuống. Theo thỏa thuận ở Hội nghị Trung Giã, Pháp sẽ đón đoàn ở cầu Đuống. Đồng chí Vy lúc đó là Tiểu đoàn phó liền giới thiệu với Pháp chỉ huy Tiểu đoàn là đồng chí Vũ Huy Hậu. Sau đó, chúng dẫn đoàn lên xe về thẳng trụ sở Ban Liên hiệp đình chiến, đóng ở Nhà thương Bến Thủy (Bệnh viện Trung ương quân đội 108 bây giờ). Tại đây, đoàn được chia làm 35 tổ, mỗi tổ từ 3 - 5 người sẽ di chuyển về 35 vị trí có quân Pháp đóng. Đây là những vị trí quan trọng do Pháp đã chiếm giữ ngay từ khi chúng đặt chân đến Hà Nội như: Phủ Toàn quyền, Tòa thị chính, Tòa án Tối cao, Sở Cảnh sát Bắc Việt, Nhà máy điện, Nhà máy nước, Nhà máy đèn Bờ Hồ, ga Hàng Cỏ, Nhà tù Hỏa Lò, Bệnh viện Bạch Mai...”.
Những tư liệu lịch sử về ngày 10/10/1954 |
Vang mãi khúc khải hoàn ca
Đại tá Dương Niết kể, lúc ấy, ông đảm nhận nhiệm vụ vào vào tiếp quản Sở cảnh sát Bắc Việt (nay là trụ sở Công an thành phố Hà Nội). Nhiệm vụ của đơn vị ông là hạn chế thấp nhất mưu đồ của Pháp muốn phá hoại hạ tầng cơ sở của ta ở nội đô trước khi chúng rút; không để chúng cưỡng bức dân di cư; chuẩn bị mọi mặt để đón đại đoàn vào tiếp quản Thủ đô, giữ gìn an ninh trật tự. Đặc biệt là không được nổ súng, nếu cần thiết phải hy sinh để bảo đảm an toàn cho cuộc tiếp quản.
Khi tới Sở Cảnh sát Bắc Việt, tổ của ông thấy địch căng một khẩu hiệu rất to trên lan can tầng 2 với khẩu hiệu: “Có đi vào Nam hay ở lại để đi vào trại của Lý Bá Sơ?”, “Đây là một thủ đoạn thúc ép dân di cư. Chúng tôi yêu cầu Pháp gỡ xuống và chúng phải làm theo”, Đại tá Dương Niết cho biết.
Đồng chí Trần Duy Hưng, Phó Chủ tịch Ủy ban Quân chính, sau là Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội, trong ngày tiếp quản Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu) |
Trong ký ức của người chiến sĩ Điện Biên năm xưa, đêm 9/10/1954, người dân Hà Nội không ngủ. “16 giờ chiều 9/10/1954, những quân lính Pháp cuối cùng rút khỏi cầu Long Biên, quân ta hoàn toàn kiểm soát thành phố. Từ chiều tối, Hà Nội đã rợp cờ hoa. Dù chính quyền thành phố chưa thành lập nhưng người dân biết tin đã tự bảo nhau may cờ, khẩu hiệu. Mọi công tác chuẩn bị cho ngày hôm sau được chuẩn bị ngay trong đêm 9/10. Cả Hà Nội náo nức, vui sướng vì sau 9 năm bị đè nén dưới gót sắt của giặc, đây là đêm đầu tiên, người Hà Nội được sống trong không khí của hòa bình”.
Ảnh tư liệu |
Đến 5 giờ sáng 10/10/1954, cả Hà Nội tưng bừng nhộn nhịp cờ hoa đón mừng ngày hội lớn. Từ 5 cửa ô, đoàn quân trùng trùng tiến về. 15 giờ chiều 10/10/1954, sau 9 năm kháng chiến trường kỳ, lá cờ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức tung bay, còi Nhà hát Thành phố nổi lên, hàng chục vạn quân dân Hà Nội đã trang nghiêm dự Lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính tổ chức tại Sân vận động Cột Cờ.
Đeo huy hiệu “Chiến sĩ Điện Biên Phủ” trên ngực, ông Niết bày tỏ niềm tự hào: “Việc không phải đánh vào Hà Nội mà vẫn giải phóng Hà Nội, đó là kết quả của sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Hồ Chủ tịch, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sự hy sinh chiến đấu của toàn dân suốt 9 năm kháng chiến trường kỳ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã đưa đến kết quả giải phóng miền Bắc và giải phóng Thủ đô Hà Nội”.
Giờ đây, 70 năm sau ngày về lịch sử, Đại tá Dương Niết vẫn không khỏi bồi hồi mỗi khi Hà Nội bước vào những ngày Thu.
“Chúng ta đã sống trong không khí hào hùng của mùa Thu lịch sử. Thế hệ trước đã chiến đấu, ghi dấu ấn và để lại cơ đồ cho lớp trẻ hôm nay. Chúng tôi tự hào là một phần của lịch sử. Tôi mong sao, các bạn trẻ hôm nay tiếp nối truyền thống, nuôi dưỡng niềm tự hào, biết ơn, từ đó cống hiến trí tuệ, góp phần xây dựng Thủ đô văn minh, giàu đẹp, hiện đại”.