Kích thích “cỗ xe tam mã” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Quốc gia nào là nền kinh tế tự do nhất thế giới? Một số điểm sáng của kinh tế - xã hội Việt Nam Kinh tế - xã hội Việt Nam: Nhiều dấu hiệu khởi sắc tích cực |
Thách thức lớn cho mục tiêu tăng trưởng
Theo TS. Nguyễn Thị Hương - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), những tháng cuối năm 2023, dự báo tình hình thế giới, trong nước còn nhiều rủi ro, bất định.
Do đó, nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 gặp nhiều khó khăn, trong đó mục tiêu tăng trưởng năm 2023 (khoảng 6,5%) là thách thức lớn, khó có thể đạt được nếu không có những giải pháp quyết liệt, mang tính đột phá cao dù một số cơ chế, chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã được Chính phủ chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung triển khai và bước đầu đã phát huy hiệu quả.
TS. Nguyễn Thị Hương cho rằng, trong bối cảnh đó, kinh tế nước ta cần tiếp tục đảm bảo nguồn cung từ sản xuất và tập trung vào những giải pháp thúc đẩy “cỗ xe tam mã” (tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu) để đạt được kết quả tăng trưởng cao nhất trong những tháng cuối năm 2023.
Trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, nhiều doanh nghiệp đối mặt với tình trạng thiếu đơn hàng…, ưu tiên kích cầu tiêu dùng trong nước được coi là giải pháp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả năm 2023.
Theo TS. Hương, để kích cầu tiêu dùng, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cần thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Giảm giá hàng tiêu dùng; điều chỉnh tăng lương; giảm thuế thu nhập cá nhân và doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời thực hiện giãn, khoanh nợ và tăng các khoản hỗ trợ an sinh xã hội, nhất là trợ cấp trực tiếp cho người nghèo, mở rộng bảo hiểm thất nghiệp, giảm học phí, viện phí.
Đồng thời thực hiện chính sách giảm thuế VAT để kích thích người tiêu dùng mua sắm nhiều hơn, các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh sẽ quay vòng vốn tốt hơn.
"Việc được giảm 2% thuế VAT đối với nguyên vật liệu, phụ tùng, thiết bị… sẽ giúp giảm chi phí sản xuất đầu vào, dẫn đến giá thành sản phẩm giảm, nhờ đó doanh nghiệp chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đồng thời, chính sách này cũng tác động trở lại giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh do tăng nhu cầu tiêu dùng", bà Hương đánh giá.
Đồng thời, Chính phủ, bộ, ngành và địa phương cũng cần đẩy mạnh triển khai các hoạt động kích cầu tiêu dùng nội địa tại các địa phương có các sản phẩm đặc thù, lợi thế; kết hợp chặt chẽ giữa thương mại truyền thống với hiện đại nhằm khai thác hiệu quả thị trường 100 triệu dân trong nước còn nhiều tiềm năng. Đồng thời, theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả, thị trường các mặt hàng thiết yếu để điều hành phù hợp, hiệu quả, bảo đảm nguồn cung về điện, xăng dầu cho thị trường trong mọi tình huống.
Kích thích "cỗ xe tam mã"
Về giải pháp kích cầu đầu tư, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, thúc đẩy đầu tư, bao gồm cả đầu tư công và đầu tư tư nhân là nhân tố quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, Chính phủ cần ưu tiên kích cầu đầu tư vào các dự án sắp hoàn thành, nhanh đưa vào sử dụng các dự án có quy mô, có tiềm năng, góp phần trực tiếp duy trì và mở rộng năng lực sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Chúng ta cần hướng đến là thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững. |
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần đẩy nhanh tiến độ đầu tư công khiến tổng cầu của nền kinh tế tăng lên, nhờ đó sẽ kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn để sản xuất các nguyên vật liệu đáp ứng nhu cầu đầu tư.
Cùng với đó, chúng ta cần thực hiện tốt hơn việc công khai danh mục đầu tư, thúc đẩy mạnh và hiệu quả các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại; cải thiện căn bản môi trường đầu tư theo hướng tự do hóa, thuận lợi hóa, giảm các chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp, khuyến khích xã hội hóa.
"Thực hiện chính sách giảm thuế, tăng các hoạt động bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ từ các quỹ hỗ trợ doanh nghiệp có một phần vốn Nhà nước; tiếp tục đẩy mạnh quá trình cổ phần hóa cả doanh nghiệp Nhà nước", bà Hương chia sẻ.
Ngoài ra, bà Hương cũng cho rằng cần đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Khuyến khích các phương thức đầu tư, mô hình kinh doanh mới, xanh, ít phát thải, có sự tham gia của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, đầu tư tư nhân, nhất là phát huy hiệu quả mô hình hợp tác công – tư vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của doanh nghiệp đầu tư; bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người lao động.
Cuối cùng, động lực thứ 3 mà chúng ta cần hướng đến là thúc đẩy xuất khẩu, duy trì thặng dư thương mại bền vững.
Theo bà Hương, hoạt động xuất khẩu sẽ phục hồi tốt hơn vào những tháng cuối năm do lượng tồn kho hàng hóa tại các thị trường lớn, đặc biệt là tại Mỹ đã giảm đáng kể trong thời gian qua.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam, việc xác định các động lực tăng trưởng là quan trọng để có những giải pháp đúng và trúng đưa nền kinh tế nước ta đạt tăng trưởng ở mức cao nhất có thể.
Trong đó, giải pháp kích cầu tiêu dùng, đầu tư và duy trì cân bằng bền vững của cán cân thương mại hàng hóa là những giải pháp quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2023, tạo đà tăng trưởng cho những năm tiếp theo.