Khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp bị chê quá thấp

Khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp cao nhất 1.815 đồng/kWh.
Nguồn điện gió đạt công suất phát cao kỷ lục nhờ gió mùa Đông Bắc hoạt động mạnh EVN chính thức đề xuất khung giá cho điện gió, điện mặt trời

Bộ Công thương vừa ký ban hành Quyết định số 21/QĐ-BCT ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Theo đó, giá trần (giá cao nhất) của khung giá phát điện (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) áp dụng cho các nhà máy điện mặt trời mặt đất là 1.184,90 đồng/kWh, điện mặt trời nổi là 1.508,27 đồng/kWh, điện gió trong đất liền là 1.587,12 đồng/kWh, điện gió trên biển là 1.815,95 đồng/kWh.

Căn cứ khung giá phát điện này, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và đơn vị phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp sẽ thoả thuận giá phát điện theo quy định.

Khung giá phát điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp bị chê quá thấp
Ảnh minh họa

Được biết, hiện vẫn còn nhiều dự án/phần dự án điện gió, điện mặt trời đã triển khai trên thực tế nhưng không vào kịp thời hạn được hưởng biểu giá hỗ trợ (giá FIT).

Trong đó, có 62 dự án điện gió, tổng công suất 3.479 MW (trong tống số gần 150 dự án với tổng công suất trên 8.100MW), đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN nhưng do giá FIT hết hạn vào 1/11/2021 nên chưa có giá bán điện. Ngoài ra, có 452MW đã xây lắp xong nhưng chưa xác định giá bán điện.

Trao đổi với phóng viên sau khi Bộ Công thương ban hành khung giá phát điện, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng tái tạo đánh giá, khung giá phát điện quá thấp và điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhà đầu tư.

Theo phản ánh, việc giá điện thấp lại bằng VNĐ nữa thì nhiều nhà đầu tư năng lượng tái tạo sẽ không thấy hấp dẫn để đầu tư.

Một nhà đầu tư cho biết, khi Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ chế ưu đãi mua điện gió trên bờ với giá 8,5 cents/KWh, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã huy động vốn đầu tư vào năng lượng tái tạo. Các doanh nghiệp phải vay ngân hàng trong nước với lãi suất cao.

Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến nhiều ngân hàng trong nước ngừng không cho vay nữa. Các nhà đầu tư phải xoay xở vốn tự có và các nguồn tiền lãi suất cao khác để tiếp tục dự án. Nhiều chi phí cũng đội lên sau dịch (nhiều dự án chi phí giải phóng mặt bằng tăng nhiều lần, phí phạt của các nhà thầu do phải ngừng chờ việc…).

Vì thế, các nhà đầu tư đề nghị khi đánh giá lại mức giá mua điện, cần tính toán để dự án không bị lỗ.

Hậu Lộc
Phiên bản di động