Không gian sáng tạo hỗ trợ năng lực sản xuất công nghiệp văn hóa cho thanh niên

Với tinh thần tiên phong, xung kích, trong thời gian vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã bước đầu chủ động xây dựng chương trình hành động của thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Thành ủy. Đặc biệt, với việc hình thành các không gian sáng tạo cho thanh niên đã hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp văn hóa.
Hà Nội: Khôi phục lại liên hoan nhóm nhạc, ban nhạc sinh viên, tổ chức thường niên tại phố đi bộ Trở thành triệu phú nhờ... nuôi bò 3B Quận Hoàn Kiếm: Nâng cao vai trò của thanh niên trong công tác phòng cháy, chữa cháy

Khơi nguồn sáng tạo

Nghị quyết số 09 được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Hà Nội ban hành Về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (Nghị quyết số 09) thể hiện quyết tâm chính trị cao của thành phố Hà Nội thực hiện các chủ trương của Đảng và chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, đồng thời cam kết với UNESCO trong việc xây dựng Hà Nội trở thành “Thành phố sáng tạo” trên lĩnh vực “Thiết kế” của khu vực Đông Nam Á, với nền tảng là các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo của Thủ đô.

Phối cảnh mô hình kiến trúc dự án Cung thiếu nhi Hà Nội
Phối cảnh mô hình kiến trúc dự án Cung thiếu nhi Hà Nội đang được xây dựng

Việc tham gia thực hiện Nghị quyết số 09 là yêu cầu cấp thiết và mang ý nghĩa chiến lược lâu dài; Là nhiệm vụ có tính ưu tiên, cần sự tham gia chủ động, tích cực của toàn xã hội, từng cấp, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.

Đoàn Thanh niên thành phố Hà Nội xác định vai trò của mình trong định hướng về tư tưởng, nhận thức để giúp thanh niên có tâm thế vững vàng, từng bước tham gia tích cực và chủ động vào quá trình xây dựng công nghiệp văn hóa và xây dựng “Thành phố sáng tạo” trong thời đại hội nhập văn hóa sâu rộng và toàn diện ngày nay. Bởi thanh niên vừa là thành phần thụ hưởng của những giá trị văn hóa, đồng thời là những người tiên phong, góp phần xây dựng nền công nghiệp văn hóa tương lai của dân tộc

Với tinh thần tiên phong, xung kích, trong thời gian vừa qua, Thành đoàn Hà Nội đã bước đầu chủ động xây dựng chương trình hành động của thanh niên nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 09 của Thành ủy Hà Nội.

Số hóa các di tích lịch sử đang được tuổi trẻ Thủ đô tích cực thực hiện
Số hóa các di tích lịch sử đang được tuổi trẻ Thủ đô tích cực thực hiện

Trong đó, việc hình thành các không gian sáng tạo cho thanh niên, hỗ trợ nâng cao năng lực sản xuất công nghiệp văn hóa được Đoàn Thanh niên thành phố chú trọng thực hiện. Thành đoàn Hà Nội đã chọn lựa một số địa điểm tại các đơn vị sự nghiệp công lập (Cung Thanh niên, Cung Thiếu nhi) xây dựng các không gian hỗ trợ đổi mới sáng tạo và công nghiệp văn hóa.

Đây cũng là nơi sinh hoạt của các Mạng lưới Câu lạc bộ Khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Câu lạc bộ Nghệ thuật và Văn hóa, Câu lạc bộ Phong cách và Thời trang sinh viên… với hàng nghìn thành viên là sinh viên các trường đại học trên địa bàn.

Đặc biệt, Thành đoàn Hà Nội phối hợp với Đảng ủy, Ban Giám hiệu 16 trường đại học, học viện, cao đẳng hình thành các không gian, vườn ươm doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và các mô hình hỗ trợ sản phẩm công nghiệp văn hóa trong các cơ sở giáo dục.

Bạn bè quốc tế tham quan không gian làm việc chung UPGEN tại Hà Nội
Bạn bè quốc tế tham quan không gian làm việc chung UPGEN tại Hà Nội

Hội Sinh viên Việt Nam thành phố Hà Nội đã và đang xây dựng “Nền tảng chân dung số sinh viên 4SV.vn” nhằm tạo môi trường hỗ trợ cho học sinh, sinh viên đăng tải, phát hành và tiêu thụ các sản phẩm sáng tạo, sản phẩm nghệ thuật trên nền tảng số; Đồng thời bước đầu làm việc với Ban Quản lý các khu vực phố đi bộ Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ) và Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng) hình thành các “Không gian biểu diễn thanh niên - sinh viên” cho các câu lạc bộ âm nhạc, hội họa, thời trang, biểu diễn… trình diễn hàng tuần theo chủ đề.

Mang tới những trải nghiệm mới

Bên cạnh đó, Thành đoàn Hà Nội đã chủ trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sự kiện về đổi mới sáng tạo, các cuộc thi quy mô lớn thu hút sự quan tâm và gây tiếng vang trong giới trẻ, tri thức, doanh nhân Việt Nam trong và ngoài nước (như Festival Thanh niên Đông Nam Á, Ngày hội Đổi mới sáng tạo Thủ đô, Thử thách khởi nghiệp Việt toàn cầu VietChallenge, Cuộc thi thiết kế Công viên Sáng tạo InnoPark…).

Đặc biệt, Đoàn Thanh niên từ cơ sở đến thành phố đã và đang triển khai đề án số hóa, mã hóa dữ liệu các địa chỉ đỏ, di tích lịch sử trên địa bàn thành phố. Đây là tiền đề quan trọng để hình thành trải nghiệm số cho khách du lịch chưa có dịp tham quan trực tiếp Thủ đô Hà Nội trong tương lai.

Không chỉ ở cấp thành phố, các cơ sở Đoàn cũng tích cực vào cuộc. Tại thị xã Sơn Tây, Đoàn Thanh niên thị xã phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tập đoàn công nghệ Meta365 triển khai thực hiện công trình thanh niên “Ứng dụng công nghệ thông tin trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Sơn Tây”; “Quét mã QR Code tại các điểm di tích lịch sử, văn hóa, địa chỉ đỏ trên địa bàn trên địa bàn thị xã Sơn Tây” tại 2 khu di tích lịch sử: Thành cổ và Văn miếu Sơn Tây.

Bằng công nghệ hình ảnh 360° hiện đại kết hợp các video clip, âm thanh và hình ảnh 2D, chỉ cần thao tác quét mã QR đơn giản, khách du lịch sẽ có được những thông tin đầy đủ, chi tiết về di tích, địa chỉ đang tham quan; Song song với đó là bản thuyết minh bằng tiếng Anh và tiếng Việt sẵn sàng đáp ứng nhu cầu tìm hiểu cho khách du lịch trong nước và du khách nước ngoài.

Không gian sáng tạo hỗ trợ năng lực sản xuất công nghiệp văn hóa cho thanh niên
Thanh niên Thủ đô với hoạt động số hóa các di tích lịch sử

Số hóa các di tích cũng được Đoàn Thanh niên quận Ba Đình chủ động tham gia. Trong đó, Ban Thường vụ Quận đoàn đã lựa chọn 5 địa danh nổi tiếng trên địa bàn gồm: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, đền Quán Thánh, đền Voi Phục, cột cờ Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để thiết kế một tour du lịch thực tế ảo.

Sau khi tour du lịch thực tế ảo hoàn thiện về mặt nội dung và hình thức, xuất bản dưới dạng QR code và thiết kế thành các hình chibi thanh niên dưới nhiều hình thức khác nhau sẽ được các cơ sở Đoàn cài đặt tại 140 khách sạn, nhà hàng, quán cà phê lớn, tập trung nhiều du khách trong nước và quốc tế để truyền thông, quảng bá hình ảnh du lịch Ba Đình.

Những hoạt động này đã mang đến những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ cho các du khách, góp phần vào sự phát triển du lịch văn hóa trên địa bàn Thủ đô.

Thực tế cho thấy, thanh niên Thủ đô đã và đang ý thức được trách nhiệm của mình trong việc duy trì và phát triển nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; Đồng thời tiếp thu một cách khoa học và hợp lý những giá trị văn hóa quốc tế.

Nhằm góp phần xây dựng một nền công nghiệp văn hóa Thủ đô phát triển, đậm đà bản sắc dân tộc, tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục triển khai nhiều hoạt động sáng tạo, đổi mới, trong đó đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực trẻ.

Ngày 16/8, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị trực tuyến nghiên cứu, quán triệt, học tập, tuyên truyền và triển khai thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn tới năm 2045”.

Quan tâm đến phát triển công nghiệp văn hóa, bạn Hoàng Anh Tuấn, sinh viên trường Đại học Kinh tế quốc dân đề xuất: "Thành phố cần triển khai nhiều giải pháp đồng bộ như: Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, phát triển mạnh nguồn nhân lực là thanh niên đang hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa; Đổi mới nội dung, phương thức đào tạo của các chương trình và cơ sở đào tạo công nghiệp văn hóa thông qua việc học hỏi có chọn lọc các mô hình và cách làm hay đã được kiểm chứng quốc tế".

Bạn Đàm Quang Thành (đoàn viên Quận đoàn Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: "Thành phố cần xây dựng được một hệ sinh thái hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp về công nghiệp văn hóa. Các cá nhân, tổ chức hoạt động về công nghiệp văn hóa cần phải có sự gắn kết với nhau nhiều hơn nữa. Hoạt động thu hút đầu tư vào công nghiệp văn hóa cũng cần được quan tâm, đặc biệt là thu hút đầu tư từ nước ngoài".

Nguyễn Dũng
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động