Khi những “ông lớn” công nghệ bị kiện dồn dập tại Việt Nam

Liên tiếp có đến 3 vụ khởi kiện những nền tảng công nghệ quốc tế tại Việt Nam được công bố chỉ trong vòng chưa đầy một tháng. Khởi đầu là TikTok bị VNG khởi kiện, tiếp đến là First News - Trí Việt khởi kiện Lazada, và gần nhất là Vie Channel cho biết đã khởi kiện Spotify.
Doanh nghiệp Việt cạnh tranh danh hiệu cùng “ông lớn” công nghệ thế giới Các “ông lớn” công nghệ thế giới chuyển dịch sản xuất sang Việt Nam 9X Việt giành suất thực tập của 3 "ông lớn" công nghệ Google, Facebook, Microsoft

Vì đâu nên nỗi?

Cáo buộc từ phía VNG đưa ra đối với phía TikTok tại Việt Nam, là có đến hơn 11 triệu clip ngắn trên nền tảng TikTok đã lồng ghép bản ghi âm những bài hát do Zing - một công ty con của VNG - sở hữu bản quyền và khai thác. Số bản ghi âm được phía VNG thống kê bị xâm phạm bản quyền lên đến khoảng 150. Vấn đề là, VNG cho rằng đã gửi thư khuyến cáo đến TikTok vào tháng 6.2019 song phía TikTok không gỡ các bài hát được VNG khẳng định là vi phạm. Chính vì thế, khoảng một năm sau thời điểm trên, VNG đã khởi kiện TikTok ra Tòa án Nhân dân TPHCM.

Vụ First News - Trí Việt (viết tắt First News) kiện Lazada, được cho rằng trước đó phía First News cũng đã một số lần gửi thư cảnh báo phía nền tảng thương mại điện tử. Tuy nhiên, tình hình bán sách giả trên Lazada, đặc biệt là những đầu sách do First News nắm quyền xuất bản, vẫn cứ tiếp diễn. Giọt nước tràn ly, First News đã tiến hành khởi kiện Lazada.
Vụ kiện về sách giả bán trên Lazada của First News - Trí Việt thu hút sự quan tâm. Ảnh: cắt từ clip.
Vụ kiện về sách giả bán trên Lazada của First News - Trí Việt thu hút sự quan tâm. Ảnh: cắt từ clip.
Trong 2 vụ kiện trên, các doanh nghiệp bị đơn đều là những công ty nước ngoài đang có chi nhánh/pháp nhân hoạt động tại Việt Nam, cụ thể là tại TPHCM. Có nghĩa là VNG và First News đang “nắm người có tóc”.

Tuy nhiên trường hợp Vie Channel kiện Spotify AB (nhánh cung cấp dịch vụ cho các thị trường ngoài Mỹ của Spotify - ứng dụng dịch vụ âm nhạc trực tuyến lớn nhất thế giới hiện nay) có khác một chút. Đó là Spotify AB hiện không có chi nhánh tại Việt Nam. Nền tảng âm nhạc trực tuyến này chính thức công bố xâm nhập thị trường Việt Nam từ tháng 3.2018. Tuy nhiên, dịch vụ này được cung cấp xuyên biên giới thông qua nền tảng trực tuyến và khách hàng/người mua dịch vụ cũng thanh toán qua phương thức trực tuyến với gói cước 59.000 đồng/tháng. Phía Vie Channel cáo buộc Spotify AB đã xâm phạm bản quyền hai chương trình Rap Việt với 19 bài hát và Người ấy là ai với 19 tập phát sóng.

TikTok, Lazada và Spotify AB đều là các nền tảng công nghệ trực tuyến toàn cầu. TikTok gần đây càng được biết đến nhiều sau khi vướng lệnh cấm tại Mỹ từ chính quyền của Tổng thống Trump. Là một nền tảng chuyên về video ngắn, bí quyết công nghệ của TikTok được cho chính là thuật toán AI (trí tuệ nhân tạo) mang tới thành công, với lượng người dùng bình quân 800 triệu mỗi tháng. Trong khi đó, Lazada là nền tảng thương mại điện từ hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á thuộc quyền sở hữu của một trong hai tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới là Alibaba của tỉ phú Jack Ma. Còn Spotify là ứng dụng âm nhạc trực tuyến toàn cầu, hiện có gần 300 triệu người dùng, trong đó hơn 130 triệu là thuê bao có trả phí.

“Ông lớn” càng không thể lơ là vấn đề bản quyền

Trên thực tế, các vi phạm liên quan tới vấn đề sở hữu trí tuệ, cụ thể là bản quyền âm thanh và hình ảnh trên các nền tảng công nghệ trực tuyến xảy ra phức tạp và khó kiểm soát. Đơn cử trường hợp TikTok, bị VNG cáo buộc vi phạm trong hơn 11 triệu clip ngắn có lồng ghép trái phép các bản ghi âm bài hát. Hay các gian hàng trên Lazada, bán những tựa sách giả do First News nắm bản quyền xuất bản.

Các nền tảng công nghệ như TikTok, Lazada... không phải là đối tượng vi phạm trực tiếp mà do người dùng. Tuy nhiên, các bên nguyên đơn như VNG, First News đang quy trách nhiệm của phía cung cấp nền tảng, buộc TikTok, Lazada hay Spotify AB phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm bản quyền xảy ra trên nền tảng của họ. Điều này cũng phù hợp với qui định của pháp luật hiện hành tại Việt Nam. Theo đó, các nền tảng công nghệ trực tuyến như mạng xã hội, sàn thương mại điện tử phải chịu trách nhiệm về các hành vi vi phạm xảy ra trên đó, từ những nội dung video phản cảm, trái thuần phong mĩ tục Việt Nam, vi phạm pháp luật, cho đến hàng cấm, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng...

Không chỉ tại Việt Nam mà trên thế giới, những “ông lớn” công nghệ mà điển hình là Facebook, cũng đã nhiều lần bị phạt vì để xảy ra vi phạm trên nền tảng của mình. Điển hình Facebook, đã bị phạt 5 tỉ USD tại Mỹ vào tháng 9.2019 vì để rò rỉ thông tin tài khoản của 87 triệu người dùng vào tháng 3.2018. Ngoài ra, CEO của mạng xã hội này là Mark Zuckerberg cũng đã hơn một lần phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Cả 3 vụ kiện tại Việt Nam đối với các “ông lớn” TikTok, Lazada, Spotify đều liên quan tới vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ mà cụ thể là bản quyền ghi âm và hình ảnh. Phía các nguyên đơn đã cho lập vi bằng làm bằng chứng vì thế các bị đơn khó mà có thể chối cãi được. Vấn đề là, cáo buộc trách nhiệm từ phía nguyên đơn đối với bị đơn được các cơ quan tố tụng xác nhận và chấp nhận ở mức độ nào mà thôi.

Lời cảnh báo

Các vụ kiện dồn dập liên quan tới bản quyền tại Việt Nam mà bị đơn là các “ông lớn” công nghệ quốc tế cũng phát đi một thông điệp mạnh mẽ rằng, những nền tảng trực tuyến quốc tế làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam hoặc thu lợi từ thị trường Việt Nam không thể “phủi tay” với những hành vi vi phạm trên nền tảng của mình. Cụ thể, không thể cho rằng tình trạng vi phạm bản quyền tại Việt Nam còn phức tạp và nhức nhối, từ đó cũng buông xuôi cho người dùng, đối tác, khách hàng... trên nền tảng của mình muốn làm gì thì làm, hoặc không nỗ lực đến cùng trong việc kiểm soát và ngăn chặn các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bản quyền.

Bản quyền luôn gắn với sáng tạo, việc cung cấp dịch vụ cũng như kinh doanh của TikTok, Lazada, Spotify cũng liên quan mật thiết với vấn đề bản quyền và sáng tạo. Chính vì thế, các nền tảng này càng phải hiểu rõ hơn ai hết việc xâm phạm bản quyền của đơn vị, doanh nghiệp khác sẽ gây ra thiệt hại và khó khăn như thế nào.

Theo phía VNG, việc xâm phạm bản quyền ghi âm thuộc sở hữu của doanh nghiệp này trong các video ngắn trên TikTok đã gây ra thiệt hại đến hơn 221,5 tỉ đồng. Và VNG đã khởi kiện yêu cầu TikTok phải bồi thường thiệt hại với giá trị tương đương số tiền trên. Trong khi đó, khoản thiệt hại được phía Vie Channel nêu ra đòi Spotify AB bồi thường là hơn 9,5 tỉ đồng, dù không lớn bằng khoản thiệt hại của phía VNG nhưng cũng cho thấy, giá trị thiệt hại chia bình quân trên mỗi đơn vị bài hát, tập chương trình phát sóng cũng không hề nhỏ.

Sau khi thông tin các vụ kiện được đưa lên công luận, rất nhiều ý kiến độc giả bình luận cho biết ủng hộ việc khởi kiện đòi bản quyền vì đây là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sáng tạo. Mặt khác, khi các bên vi phạm dù trực tiếp hay chỉ ở vai trò cung cấp nền tảng cứ phớt lờ các cảnh báo về hành vi vi phạm bản quyền trên nền tảng của mình, việc khởi kiện ra tòa chính là cách hành xử văn minh, minh bạch và cần thiết để bảo vệ quyền lợi, đồng thời cũng đánh động dư luận ngày càng đồng thuận trong tiếng nói phản đối hành vi vi phạm bản quyền.

Nguồn: Lao Động
laodong.vn
Phiên bản di động