Khi bố mẹ yêu con qua... camera
Chỉ thích khoe con
Mới đây, chị Lê Thu Nga, nhà ở Gò Vấp, TPHCM đang cân nhắc đến chuyện ly hôn vì đã hết sức chịu đựng ông chồng yêu con qua điện thoại.
Chồng chị không phải người bận rộn nhưng phó thác toàn bộ việc nuôi dạy hai con cho chị từ việc đưa đón, ăn uống, chăm sóc. Để chồng có trách nhiệm, trong tuần chị giao hẳn giờ nào con chơi với bố nhưng rồi, chồng chị mặc kệ con thích làm gì thì làm, còn mình chỉ ôm điện thoại.
Nhiều phụ huynh đưa con đi chơi nhưng bận... "săn" hình (Ảnh minh họa) |
Con đòi bố chơi cùng, nói chuyện là bị bố quát tháo, tránh chỗ khác. Thế nhưng, hài hước ở chỗ, chồng chị mê chụp hình, quay video clip của con rồi chỉnh sửa rất tỉ mỉ, cho đẹp, long lanh nhất.
Cứ thế chồng chị ngắm nghía, cười khúc khích nhìn con qua điện thoại rồi đăng lên mạng khoe khắp nơi khen con đẹp, con giỏi, khoe mình là ông bố dành hết mọi thứ cho con.
Lần gần nhất, con gái chị 6 tuổi vẽ bức tranh chú vịt con rất đẹp. Chồng chị liền lôi giấy, màu bắt con ngồi vẽ lại y chang để bố quay clip. Con vẽ không đẹp như lúc đầu, diễn đi diễn lại mấy lần không vừa ý bố thì bố mắng, đánh.
Chơi với con, bố mẹ bận "săn" hình
Những ông bố bà mẹ yêu con... qua camera như chồng chị Nga có thể nói nhan nhản quanh ta. Tất cả những yêu thương, nâng niu, ánh mắt, nụ cười họ dành cho đứa con trong điện thoại qua những bức ảnh, clip.
Nhiều trẻ ra ngoài chơi, khám phá nhưng bị bố mẹ bắt tạo dáng như trong... studio (Ảnh minh họa) |
Nhiều bà mẹ mẹ đưa con nhỏ đi chơi công viên hàng tiếng đồng hồ, chị làm công việc duy nhất là... canh con để chụp hình. Từ việc chạy theo con, còn bắt con đứng chỗ này, chỗ kia, tạo dáng để mẹ chụp hình. Xong khúc nào mẹ ngồi xem, ngồi sửa, ngồi chỉnh mặc cho đứa nhỏ lon ton một mình, lâu lâu chạy tới kéo mẹ liền bị gạt đi.
Đi chơi, đi du lịch nhưng nhiều trẻ chẳng chơi được gì khi trở thành "mẫu ảnh" của bố mẹ. Bố mẹ bắt tạo dáng kiểu này, đứng kiểu kia, giơ tay lên, cười đi, làm mặt mèo, mặt mếu... đủ trò.
Nhiều đứa trẻ ám ảnh đến độ, đến tuổi thấy được quyền của mình, chúng phản ứng ra mặt, cấm bố mẹ chụp ảnh.
Biết bao nhiêu đứa trẻ, khi chơi cùng bố mẹ phải gào lên: "Bố/mẹ cất điện thoại đi, nhìn con đây này" một cách bất lực.
Phu huynh đang dần mất kết nối với con trẻ vì không kiểm soát được việc sử dụng công nghệ (ảnh minh hoa) |
Chúc con ngủ ngon qua điện thoại
Không chỉ chuyện đi chơi, trong sinh hoạt, nhiều phụ huynh cũng yêu con... qua công nghệ. Mọi giao tiếp hàng ngày với con qua những dòng tin nhắn, cuộc gọi vội vã. Kể cả ngay trong bữa ăn, nhiều gia đình mỗi người một máy. Bố ngồi cạnh vi ti, mẹ cầm điện thoại, còn cầm Ipad.
Trong lần chia sẻ với phụ huynh, ThS Nguyễn Hồ Thụy Anh, nguyên chuyên viên Sở GD&ĐT TPHCM bày tỏ, nhiều người khoe mình dành thời gian cho con, chơi với con nhưng chơi với con không phải là hiện diện bên cạnh con rồi... mình ngồi xem tivi, điện thoại. Chơi với con là phải giao tiếp, phải lắng nghe, cùng cười, cùng chia sẻ với con.
Có những ông bố, bà mẹ dù ngay cạnh phòng con nhưng lại nhắn tin, gọi qua chát để chúc con ngủ ngon.
Chỉ cách một bức tường nhưng họ đã không bước qua để ôm hôn, để chúc con với sự hiện diện bằng người bằng thịt, bằng cảm xúc, bằng sự gắn kết.
Trẻ em ngày nay không chỉ đối diện với vấn nạn bản thân nghiện công nghệ mà mối nguy không kém chính là... bố mẹ nghiện công nghệ, mất tương tác với mình.
Bố mẹ nào cũng nói rất yêu con nhưng nhiều đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu đó. Bởi vì họ mất đi sự tương tác, gắn kết trong giao tiếp căn bản nhất là nụ cười, ánh mắt... trực tiếp dành cho nhau.
Một đứa trẻ không cảm nhận được tình yêu của bố mẹ, các em thấy mình không được yêu thương, sẽ rất khó thấy được giá trị của bản thân. Khi đó, trẻ mất đi sức đề kháng của bản thân và sẽ rất khó khăn trong cuộc sống.
ThS Phạm Thị Thúy, Học viện Hành chính Quốc gia kể, trong nhiều chương trình trẻ em, rất nhiều đứa trẻ tha thiết mong bố mẹ hãy bớt xem điện thoại, hãy thả điện thoại xuống... để nhìn mình, để chơi với mình.
"Chỉ khi cha mẹ thả điện thoại xuống, tập trung vào nói chuyện, lắng nghe con thì mới có thể nắm bắt được cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của con.
Còn cha mẹ tập trung vào điện thoại, xao nhãng đứa trẻ thì con trẻ dễ gặp nguy hiểm về mọi mặt, về sự an toàn của bản thân, và về phát triển tâm hồn, cảm xúc, tư duy", bà Thúy nhấn mạnh.