Con trẻ đủ đầy mà “cô đơn” chỉ vì chiếc điện thoại

Nhiều cha mẹ dành phần lớn thời gian trên chiếc điện thoại mà quên việc dành thời gian “chất lượng” thực sự bên con.
Smartphone làm "tê liệt" học trò "Sự thông minh trống rỗng" khi cho học sinh dùng smartphone Khi bố mẹ yêu con qua... camera

Trẻ bị bỏ rơi ở mọi nơi vì bố mẹ mải xem điện thoại

Một cảnh tượng không hiếm gặp trong các gia đình trẻ hiện nay đó là vào các buổi tối hay ngày nghỉ, con cái xem điện thoại hoặc iPad, còn bố mẹ mỗi người một chiếc điện thoại không ai nói với ai câu nào. Trong khi rõ ràng, thời gian các bậc cha mẹ bên máy tính, điện thoại… hầu như đã là cả 8 tiếng trong lúc đi làm.

“Bố mẹ không ai chịu chơi với con. Đồ chơi chơi mãi cũng chán, chơi một mình với đồ chơi cũng không vui. Nếu có chơi cùng thì một lát bố mẹ lại sờ vào điện thoại xem có ai điện thoại nhắn tin không. Con rất buồn”, cháu Ngân Hà, 8 tuổi, ở chung cư Tứ Hiệp Plaza, Thanh Trì chia sẻ.

Con trẻ đủ đầy mà “cô đơn” chỉ vì chiếc điện thoại
Không khó để bắt gặp cảnh tượng mỗi người một chiếc điện thoại trong các quán cafe, khu vui chơi

Không chỉ ở nhà, tại các công viên, nơi vui chơi công cộng, hay quán café, bên cạnh những bố mẹ chơi cùng với con, “kèm chặt” con như hình với bóng thì một cảnh tượng không hiếm gặp là trẻ em đang nô đùa, nghịch ngợm, còn bố mẹ hoặc người thân của các em chăm chú vào điện thoại thông minh, thi thoảng mới ngẩng lên để nhìn đến con.

Điều đáng nói là nhiều người dùng điện thoại lúc đó không phải trong trường hợp cấp thiết mà đơn thuần chỉ để lướt mạng xem tin tức hay thậm chí chơi games. Có lần, người viết còn chứng kiến cảnh tượng một người bố vừa không rời mắt khỏi điện thoại, vừa cáu kỉnh với con khi cậu bé “mè nheo” muốn mua một cây kem.

Rất nhiều bậc phụ huynh chăm chăm vào điện thoại không chỉ vì phải bắt buộc giải quyết công việc. Chị Nguyễn Ngọc (ở quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Chồng tôi làm nghề môi giới bất động sản, nên việc anh ấy phải thường xuyên sử dụng điện thoại, tư vấn cho khách hàng. Tuy nhiên, cũng có thể vì bệnh nghề nghiệp nên anh dễ bị nghiện điện thoại. Mỗi khi lái xe, chỉ cần nghe thấy tiếng kêu báo tin nhắn là anh ấy vồ lấy điện thoại và ngó xem nội dung gì, trả lời ngay tức khắc; Đôi khi chẳng phải là công việc mà chỉ là một vài nội dung chát của các nhóm bạn bè mà công việc có không biết bao nhiêu nhóm. Điện thoại tý lại kêu nên rất nhiều lần ngồi xe chồng lái, mấy mẹ con bị đập mặt vào ghế trước vì bố giật mình phanh gấp. Đưa vợ con ra quán cà phê ngồi thì anh cũng “dán mặt” vào điện thoại. Mang tiếng cuối tuần đi chơi mà cũng có nói chuyện với nhau đâu”.

Không chỉ có chồng chị Nguyễn Ngọc, nhiều bậc cha mẹ, vào đến cầu thang máy cũng vẫn chỉ chăm chú chiếc điện thoại để đọc báo, chơi game… trong khi đó việc đấy có thể làm khi rảnh rỗi. Bởi vì, nguy cơ kẹp thang cuốn, kẹp người trong cửa ra vào thang máy… của những đứa trẻ là những điều rất dễ xảy ra.

Con trẻ đủ đầy mà “cô đơn” chỉ vì chiếc điện thoại
Đừng để những chiếc điện thoại đánh mất tuổi thơ của con trẻ (Ảnh minh họa)

Cách đây không lâu, mạng xã hội đăng tải đoạn clip ngắn gần 1 phút ghi lại cảnh tượng hãi hùng và đầy đau đớn mà một bé gái phải chịu đựng khi mẹ quá mải mê vào điện thoại di động.

Tra Google cụm từ “bố mẹ mải chơi điện thoại”, trong vòng 0,43 giây đã cho ra 20,7 triệu kết quả. Con số này đủ để thấy đây không phải là hiện tượng hiếm gặp, không những ở Việt Nam mà còn cả trên thế giới. Báo chí, mạng xã hội đã rất nhiều lần đăng tải thông tin những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi mà bố mẹ quá mải mê vào màn hình điện thoại, “quên” đi đứa con của mình.

Vụ việc bắt cóc cháu bé 2 tuổi ở Bắc Ninh mới đây đã kết thúc có hậu. Sau 27 tiếng quyết liệt tìm kiếm của cơ quan công an, cháu bé đã được giải nguy, trao tận tay bố mẹ. Cũng giống như lời chia sẻ của bố cháu bé, chỉ vì 5 phút nhìn điện thoại để giải quyết công việc mà để xảy ra sự việc liên quan đến an nguy của con. Vụ việc khiến nhiều bố mẹ phải nhìn lại mình, để quan tâm, gần gũi, đồng hành cùng với con nhiều hơn nữa.

Đừng để điện thoại “đánh mất” tuổi thơ của con

Thực ra trong thời đại 4.0 hiện nay, việc kết nối công việc, giải quyết công việc trên không gian mạng là điều cần thiết. Tuy nhiên, dành thời gian như thế nào để cân bằng giữa công việc và con cái là điều các bậc phụ huynh cần quan tâm. Bởi không chỉ xảy ra nhiều nguy cơ an toàn đối với trẻ, bố mẹ mải mê điện thoại còn ảnh hưởng đến sự phát triển về tâm lý, nhận thức (ví dụ khả năng ngôn ngữ) của trẻ.

Tiến sĩ Trần Thành Nam, giảng viên tâm lý học lâm sàng trẻ em (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, điều mà đứa trẻ mong muốn từ bố mẹ đôi khi chỉ là sự chú ý, quan tâm và tương tác cảm xúc với cha mẹ để cảm thấy an toàn và tự tin. Phụ huynh nên có kế hoạch và cam kết mỗi ngày dành 15 phút thật chất lượng tương tác cảm xúc với con. Trong khoảng thời gian này, cha mẹ hãy bỏ hết công việc, tâm trạng không vui và điện thoại sang một bên. 15 phút này, nếu làm thật tốt, có thể giúp trẻ vượt qua những thời gian trong ngày bố mẹ mải miết với điện thoại và máy tính.

Con trẻ đủ đầy mà “cô đơn” chỉ vì chiếc điện thoại
Mỗi hành động của cha mẹ đều ảnh hưởng đến tâm lý con trẻ (ảnh minh họa)

Nhiều chuyên gia khuyên rằng, các bậc phụ huynh hãy bỏ điện thoại xuống để chơi cùng con, không chỉ ở những nơi vui chơi công cộng mà còn ngay ở chính ngôi nhà của mình. “Ly hôn” điện thoại, chơi cùng con, hoặc nếu không chơi cùng thì hãy dõi mắt về con với sự ấm áp, tin tưởng, không rời. Điều đó không những đảm bảo an toàn cho con mà còn khiến tình cảm gia đình ngày càng bền chặt. Trẻ sẽ cảm nhận rõ hơn tình cảm yêu thương, sự gắn bó của bố mẹ; Có những kỷ niệm êm đềm, vui vẻ cùng gia đình mà trẻ sẽ nhớ mãi khi lớn lên.

"Vì công việc thu thập thông tin và tương tác nhóm, tôi thường xuyên phải dùng mạng xã hội và liên lạc qua điện thoại. Nhiều lần, bé trai lớn học lớp 3 nhà tôi bảo, “Con thấy bố suốt ngày vào Facebook mẹ ạ”. Bỗng giật mình vì thời gian dành cho điện thoại nhiều quá. Lao vào guồng quay với áp lực cao của công việc, tôi không còn thói quen ngồi kèm con học dưới ánh đèn nhưng lại có nhiều thời gian cho điện thoại và những lần lướt web. Có lẽ, điều đó sẽ phải thay đổi từ hôm nay...", anh Nguyễn Tùng (ở quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ.

Thời gian con còn nhỏ chính là những năm hình thành tính cách quan trọng nhất của trẻ. Khi con bắt đầu lớn lên, chúng sẽ dần cần có không gian riêng và không còn “làm phiền” cha mẹ như khi còn nhỏ nữa, không còn lao vào ôm lấy mẹ nói “Con yêu mẹ” nữa, không liên tục hỏi mẹ xem “Con có giỏi không? Mẹ có yêu con không?”, không còn năn nỉ bạn đọc cho mẩu chuyện trước lúc đi ngủ nữa… Những khoảnh khắc thân thiết với cha mẹ lúc ấy sẽ không còn, những điều bạn đánh mất sẽ không quay trở lại nữa…Con cái không đợi chúng ta giàu, cũng không đợi chúng ta thành công, không đợi chúng ta có thời gian mới lớn lên và cần được dạy dỗ.

Vì vậy, những bậc cha mẹ, hãy dành thời gian nhiều hơn cho con. Đặt điện thoại sang một bên và ở bên bé, thật sự như một người cha, mẹ luôn sẵn sàng lắng nghe và ở bên con. Điện thoại có thể ở bên bạn cả cuộc đời nhưng tuổi thơ của trẻ chỉ có một mà thôi.

Nguồn: Tuổi trẻ Thủ đô
tuoitrethudo.com.vn
Phiên bản di động