Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, đối ngoại - ngoại giao Việt Nam với tâm thế mới, diện mạo mới và tư duy mới, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Khẳng định cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về phòng chống tội phạm xuyên quốc gia

Chủ tịch nước Lương Cường vừa có chia sẻ về những định hướng cho công tác đối ngoại năm 2025 với TTXVN.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, nhìn lại những chuyển biến phức tạp, sâu rộng ở khu vực và trên thế giới trong năm 2024 mới thấy rằng nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam, trên cơ sở nguyên tắc kiên định sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ giữa ba trụ cột đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân đã góp phần mở ra cục diện đối ngoại mới, rộng mở, thuận lợi chưa từng có cho Việt Nam.

Đối ngoại - ngoại giao Việt Nam tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong, góp phần tạo lập và giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ; phục vụ đắc lực cho phát triển và nâng cao vị thế, uy tín và tầm vóc mới của đất nước.

Trong quan hệ với bạn bè láng giềng, truyền thống, các đối tác chủ chốt, quan trọng, cả ở bình diện song phương và đa phương, tiếp nối kinh nghiệm, thành quả của các thế hệ đi trước, “câu chuyện Việt Nam” ngày càng được thế giới quan tâm, được đón nhận với sự ngưỡng mộ, khâm phục và thiện cảm của bạn bè quốc tế.

Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam
Chủ tịch nước Lương Cường. Ảnh: QĐND.

Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, sự kiện Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24/12/2024 đồng thuận thông qua Công ước Liên Hợp Quốc về chống tội phạm mạng với tên gọi “Công ước Hà Nội” - một vấn đề thời sự của Việt Nam và cộng đồng quốc tế, sẽ được mở ký tại Hà Nội trong năm 2025, một lần nữa khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam, cũng như sự tham gia tích cực, có trách nhiệm và thực chất của chúng ta trước những vấn đề toàn cầu.

Cùng với đó, ngoại giao kinh tế, kinh tế đối ngoại phát triển mạnh mẽ, góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, cũng như thúc đẩy quá trình tái cơ cấu nền kinh tế trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Đồng thời, ngoại giao văn hóa, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, thông tin đối ngoại… đã làm đậm nét và lan tỏa thêm hình ảnh một Việt Nam hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực cũng như trên thế giới.

"Đối ngoại - ngoại giao Việt Nam với tâm thế mới, diện mạo mới và tư duy mới, tự tin bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc", Chủ tịch nước Lương Cường nhận định.

Theo Chủ tịch nước Lương Cường, trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, nhiệm vụ của đối ngoại trong năm 2025 cũng như thời gian tới là tiếp tục củng cố cục diện đối ngoại thuận lợi, định vị Việt Nam trong dòng chảy của thời đại, thúc đẩy lợi ích quốc gia - dân tộc, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Khẳng định vị thế, uy tín quốc tế ngày càng cao của Việt Nam
Đồng chí Lương Cường tuyên thệ nhậm chức khi được Quốc hội bầu làm Chủ tịch nước, tháng 10/2024.

Năm 2025, Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng đối ngoại - ngoại giao Việt Nam cần phát huy vai trò trọng yếu, thường xuyên cùng các lực lượng khác giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ; chủ động, tích cực ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống.

Để làm được điều này, đối ngoại - ngoại giao Việt Nam cần bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp Quốc, thấm nhuần và vận dụng sáng tạo phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” và nghệ thuật ngoại giao tâm công của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “thuyết phục người, chinh phục người, tranh thủ người” bằng lẽ phải và đạo lý.

Đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong việc kết hợp chặt chẽ đối ngoại với quốc phòng, an ninh để “giữ nước từ xa, giữ nước từ khi nước còn chưa nguy”, không để bị động, bất ngờ theo phương châm “quốc phú, binh cường, nội yên, ngoại tĩnh”, “trong ấm, ngoài êm”, một bản sắc độc đáo mà ít dân tộc nào có được.

Chủ tịch nước Lương Cường cho rằng, trong một thế giới mà sự phát triển của mỗi quốc gia không thể tách rời khỏi môi trường bên ngoài, đối ngoại còn có nhiệm vụ kiến tạo cơ hội, thu hút nguồn lực cho phát triển đất nước.

Theo đó, cần đẩy mạnh ngoại giao kinh tế và kinh tế đối ngoại trong giai đoạn tăng tốc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 với các hướng đi mới, cách làm mới đột phá. Kịp thời nhận diện và tranh thủ những động lực phát triển mới có tính dẫn dắt, những xu hướng đang định hình thế giới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chuyển đổi năng lượng; các lĩnh vực tạo đột phá như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng xanh…; hợp tác với các trung tâm đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới đổi mới sáng tạo và chuỗi sản xuất toàn cầu…

Với thế và lực mới, đất nước ta có điều kiện để nâng tầm đóng góp, khẳng định vị thế mới của Việt Nam trên trường quốc tế. Cùng với việc tổ chức thành công các sự kiện quốc tế mà Việt Nam đăng cai, đối ngoại - ngoại giao cần phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò, trách nhiệm quốc tế, đóng góp thiết thực, có trách nhiệm vào việc giải quyết các vấn đề chung của thế giới.

"Chúng ta không chỉ chủ động, tham gia xây dựng quy định và luật lệ trong quản trị toàn cầu mà cần phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong những vấn đề và cơ chế quan trọng mang tầm chiến lược, phù hợp với lợi ích của ta cũng như đóng góp tích cực vào việc xây dựng trật tự quốc tế công bằng, bình đẳng dựa trên luật pháp quốc tế", Chủ tịch nước Lương Cường chia sẻ.

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa “sức mạnh mềm” của dân tộc để lan tỏa mạnh mẽ hình ảnh một đất nước đang vươn mình; không chỉ huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước mà cao hơn là kết nối Việt Nam với thế giới, vun đắp tình hữu nghị với các dân tộc khác, gia tăng vị thế, ảnh hưởng của đất nước, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề của khu vực và toàn cầu.

Cuối cùng, trong cuộc cách mạng sắp xếp, tinh gọn bộ máy đang diễn ra trên cả nước, đối ngoại phải xây dựng được tổ chức bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, chuyên nghiệp; đội ngũ cán bộ có trình độ, năng lực và bản lĩnh chính trị, góp phần xây dựng nền đối ngoại - ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, tương xứng với tầm vóc của đất nước.

Hậu Lộc
Phiên bản di động