Vĩnh Phúc: Bảo tồn và phát huy di sản của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu phát biểu khai mạc Hội thảo |
Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu khẳng định: Vĩnh Phúc là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng trong suốt lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Đây còn là vùng đất giàu truyền thống văn hiến, tinh thần hiếu học.
Trong lịch sử 765 năm của nền khoa cử Việt Nam, từ năm 1124 (triều Lý) đến năm 1889 (triều Nguyễn), tỉnh Vĩnh Phúc có 91 vị thi đỗ Tiến sĩ (đại khoa); nhiều làng được mệnh danh làng khoa bảng. Bề dày lịch sử và truyền thống quý báu đó đã kết tinh và hội tụ nên các giá trị di sản văn hóa, tạo nên sắc thái đặc trưng của vùng đất, con người Vĩnh Phúc: Anh hùng góp mặt, khoa bảng đề danh, luôn nằm trong dòng chủ lưu văn hóa của lịch sử dân tộc Việt Nam.
Dưới thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVI - XVII), xã Thanh Lãng thuộc huyện Yên Lãng, phủ Tam Đái, trấn Sơn Tây, nay là thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc là nơi phát tích của thủy tổ dòng họ Nguyễn Duy có tới 12 vị Tiến sĩ khoa bảng dưới triều Lê.
Đặc biệt, có gia đình từ cha, con, chú, cháu trong cùng chi họ nhiều thế hệ tiếp nối đều có người đỗ đạt, làm quan dưới thời Lê - Trịnh; trong đó, cha, con hai vị Hoàng giáp Nguyễn Duy Thì (1572 - 1651) và Nguyễn Duy Hiểu (1602 - 1639) là một minh chứng điển hình.
Danh nhân Nguyễn Duy Thì là người học rộng, tài cao, giữ nhiều chức trách quan trọng trong triều đình, giúp vương triều phong kiến thời Lê - Trịnh củng cố, ổn định đất nước thời Lê Trung Hưng.
Cuộc đời, sự nghiệp cùng những công lao đóng góp của ông đã được các tư liệu lịch sử ghi chép khá phong phú, tin cậy, phản ánh chân thực về con người, cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của ông cho dòng họ, cho quê hương, đất nước thế kỷ XVI - XVII.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Khắc Hiếu nhấn mạnh: Hội thảo hôm nay vừa là bước tiếp nối những nghiên cứu đã khá dày dặn của các thế hệ nhà khoa học và nhà quản lý trước đây, đồng thời, cũng là sự khởi đầu cho chặng đường nghiên cứu mới với những yêu cầu và kỳ vọng mới do thực tiễn đặt ra. Đó không chỉ là một gia tài quý báu cần được gìn giữ, bảo tồn mà chính là một nguồn xung lực to lớn trong sự nghiệp phát triển bền vững của quê hương, đất nước.
Đồng chí tin tưởng từ kết quả nghiên cứu và những đóng góp của các nhà khoa học, đội ngũ nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, ý kiến của đại diện hậu duệ các chi dòng họ Nguyễn Duy; chuyên gia, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý chuyên ngành tại Hội thảo sẽ góp phần giúp cho tỉnh Vĩnh Phúc có những định hướng lớn trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản văn hóa ngay trên quê hương các vị danh nhân.
Đồng thời, động viên, gắn kết chặt chẽ các chi họ, dòng họ Nguyễn Duy từ mọi miền đất nước, phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, góp sức, chung tay trong sự nghiệp xây dựng và phát triển con người Vĩnh Phúc, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra, hướng tới các nhiệm kỳ tiếp theo trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.
Tại hội thảo, 54 bài viết, tham luận của các phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia, nhà nghiên cứu khoa học và các đại biểu tập trung trao đổi, thảo luận xung quanh 4 chủ đề chính: Quê hương và nguồn gốc của dòng họ Nguyễn Duy; Thời đại lịch sử và sự nghiệp của Tham tụng Nguyễn Duy Thì (1572 - 1652); Hoàng giáp Nguyễn Duy Hiểu (1602 - 1639) và đóng góp của dòng họ Nguyễn Duy trong lịch sử dân tộc; Bảo tồn, tôn tạo và phát huy di sản của dòng họ Nguyễn Duy.
Hội thảo là một trong những hoạt động khoa học và thực tiễn ý nghĩa; đã bổ sung và làm rõ hơn, đầy đủ và tổng thể hơn về thân thế, sự nghiệp, công lao vào những đóng góp to lớn của danh nhân Nguyễn Duy Thì nói riêng và dòng họ Nguyễn Duy nói chung đối với quê hương, đất nước qua các giai đoạn lịch sử. Đồng thời, cung cấp cơ sở khoa học và đề xuất những định hướng lớn, giải pháp quan trọng trong việc gìn giữ và kế thừa, phát huy giá trị của những di sản văn hóa gắn với dòng họ Nguyễn Duy trong xã hội hiện đại.