Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (nhà và hầm D67) là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 1967 -1975. Đặc biệt, từ cuối năm 1974 -1975, tại đây, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã ra nhiều quyết định quan trọng tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước vào thời khắc ngày 30.4.1975 tại Dinh Độc Lập.
Mới đây, tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long đã diễn ra triển lãm “Mùa xuân 1975: Từ Tổng Hành dinh đến Dinh Độc Lập” giới thiệu với công chúng về hai di tích tiêu biểu, nơi từng là “bộ não” chỉ huy quan trọng nhất trong giai đoạn 1968 – 1975 là Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) và Dinh Độc Lập.
Cùng PV Báo Lao Động ngắm những bức ảnh, tư liệu quí được trưng bày tại triển lãm:
|
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) là nơi làm việc của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam. Nơi đây được xây dựng vào năm 1967. |
|
Từ Tổng Hành dinh, những mệnh lệnh chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương được gửi đến toàn quân, biến thành hành động cách mạng, thành sức mạnh đoàn kết, làm nên chiến thắng trên khắp các chiến trường. Trong ảnh: Các đồng chí Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trước nhà D67, năm 1975. |
|
Hầm D67 là địa điểm bí mật tuyệt đối nằm sâu 9m với hai lớp cửa là thép nguyên tấm có trang bị gioăng cao su để ngăn nước và khí độc. Tường dày 0,47m bằng bê tông cốt thép mác cao. Đây chính là nơi diễn ra những cuộc họp vào thời điểm ác liệt khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội. Hầm D67 gồm có: Phòng họp, Phòng trực ban tác chiến cùng trang thiết bị kỹ thuật liên lạc, hệ thống thông hơi lọc độc. |
|
Phòng Đại tướng Văn Tiến Dũng nằm ở phía Tây căn nhà với diện tích 35m2 được Đại tướng làm việc từ tháng 8.1968-1992. Cũng tại nơi đây, ông đã ký nhiều chỉ thị, quyết định quan trọng, góp phần đánh bại chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. |
|
Phòng nghỉ giải lao nằm giữa phòng họp và phòng làm việc của Đại tướng Văn Tiến Dũng. Đây là nơi nghỉ ngơi sau những giờ phút căng thẳng giữa các cuộc họp. |
|
Phòng họp có diện tích 76m2 với 4 cửa đối xứng là nơi diễn ra hàng trăm cuộc họp, đưa ra quyết sách quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. |
|
Phòng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nằm ở phía Đông căn nhà với 35m2. |
|
Dinh Độc Lập không chỉ là đầu não của Chính quyền Việt Nam Cộng hòa mà còn là nơi hội tụ của các đoàn quân giải phóng, trở thành điểm hẹn chiến thắng, nơi lá cờ Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam được kéo lên vào thời khắc 11h30 phút ngày 30.4.1975, ghi dấu ngày thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. |
|
Dinh Độc Lập, nơi chính quyền Ngô Đình Diệm (1955-1963) và Đệ nhị Việt Nam Cộng hòa (1967-1975) họp bàn và đưa ra các quyết sách tối cao giữa Tổng thống Việt Nam Cộng hòa với các tướng lĩnh cấp cao trong quân đội; là nơi thương thảo các kế hoạch của chính quyền Sài Gòn và Hoa Kỳ cho âm mưu chia cắt lâu dài đất nước Việt Nam. |
|
Phòng Nội các có diện tích 125m2 là phòng họp Hội đồng Tổng trưởng và những hội nghị quan trọng khác do lãnh đạo quốc gia chủ tọa. |
|
Phòng Khánh tiết có sức chứa 500 người để tổ chức các cuộc họp, chiêu đãi, lễ ra mắt Nội các. |
|
Phòng làm việc của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu có diện tích 76m2. Phòng có 3 cửa: 1 cửa ra hành lang, 1 cửa thông với phòng họp và 1 cửa là lối xuống hầm. |
VƯƠNG TRẦN
Theo Lao Động