Khai mạc hội Gióng Phù Đổng 2023
Độc đáo Hội Gióng Phù Đổng Hội Gióng - Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại |
Hội Gióng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Gióng một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.
Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng phát biểu |
Tương truyền, xã Phù Đổng xưa là chiếc nôi sinh dưỡng cậu bé làng Gióng, người có công đánh đuổi giặc Ân xâm lược ra khỏi đất nước. Để ghi nhớ công ơn, triều đình đã phong cậu là “Phù Đổng Thiên Vương”, cho lập đền thờ tại quê nhà, chính là đền Phù Đổng ngày nay, vẫn lưu giữ nguyên vẹn quy mô kiến trúc, cùng các mảng chạm khắc nghệ thuật mang đậm phong cách của vùng châu thổ Bắc Bộ.
Hội Gióng được tổ chức nhằm tưởng nhớ công đức của Đức Thánh Gióng một trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. |
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng khẳng định, cùng với hội Gióng đền Sóc ở huyện Sóc Sơn, hội Gióng đền Phù Đổng ở huyện Gia Lâm đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc - UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm, đồng thời là sự nhắc nhở sâu sắc về ý thức trách nhiệm lớn lao trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn.
Các đại biểu tham dự khai mạc hội Gióng năm 2023 |
Sau hơn 10 năm được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, hội Gióng đền Phù Đổng vẫn được cộng đồng lưu giữ, bảo vệ như một phần máu thịt. Lễ hội vẫn duy trì, phát triển cho đến ngày nay. Nét độc đáo của hội Gióng là vẫn diễn ra tự nhiên theo truyền thống, không bị “sân khấu hóa”, “kịch bản hóa”.
Cũng nhân dịp này, Bí thư Huyện ủy Gia Lâm Nguyễn Việt Hà, Phó Bí thư Thường trực Huyện uỷ Nguyễn Tiến Việt và Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Đặng Thị Huyền đã trao Bằng công nhận xã NTM kiểu mẫu cho Nhân dân và lãnh đạo xã Phù Đổng.
Đông đảo quần chúng Nhân dân tham gia vào lễ khai mạc |
Hội Gióng đền Phù Đổng diễn ra trong 3 ngày, từ 25 đến 27/5 (tức từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Tư âm lịch), tại đền Phù Đổng và nhiều địa điểm liên quan. Lễ hội năm nay diễn ra đúng dịp xã Phù Đổng cũng sẽ vinh dự đón quyết định công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; đồng thời cũng diễn ra Tuần lễ du lịch xã Phù Đổng. Về phần lễ, các nghi thức vẫn được tổ chức đầy đủ với lễ tế Thánh tại Đền Thượng; Lễ dâng hương; Rước khám đường; Lễ rước cỗ; Hội trận truyền thống tại Soi Bia. Phần hội, Ban tổ chức cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hoá - thể thao đa dạng như Lễ hội Hoa giấy Phù Đổng; Giải Cầu lông Hội Gióng Phù Đổng năm 2023; Hội thi “Tiếng hót chim Chào mào”; Cúp bóng chuyền; Giải vật dân tộc; Văn nghệ quần chúng chào mừng; Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống quan họ, hát chèo, hát tuồng… Ngoài ra còn có nhiều hoạt động quảng bá du lịch như: Khai trương các hoạt động tham quan, trải nghiệm, giới thiệu sản phẩm du lịch, ẩm thực địa phương; Tổ chức các gian hàng giới thiệu du lịch Gia Lâm, du lịch Hà Nội; Các gian hàng OCOP; Trưng bày, giới thiệu sản phẩm cây cảnh, hoa giấy Phù Đổng… |