Huyện Gia Lâm (Hà Nội): Học sinh hào hứng với hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp
Tăng tính kết nối giữa giáo viên và học sinh
Dự buổi chuyên đề có các lãnh đạo Sở GD&ĐT Thành phố Hà Nội; Phòng GD&ĐT các quận, huyện Thành phố Hà Nội; các hiệu trưởng, giáo viên các trường THCS trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Tham gia thực hiện chuyên đề, cô Nguyễn Thị Hồi và tập thể học sinh lớp 6C trường THCS Yên Thường đã xây dựng giờ học với chủ đề 8: "Phòng tránh thiên tai và giảm thiểu biến đổi khí hậu".
Chuyên đề môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp lớp 6 bộ sách “Chân trời sáng tạo” được giáo viên, học sinh Trường THCS Yên Thường thể hiện |
Tiết học được chia làm ba phần: Hoạt động Mở đầu; Hoạt động Vận dụng – mở rộng và Hoạt động tuyên truyền phòng tránh thiên tai và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Qua các hoạt động trong tiết học, cô giáo Nguyễn Thị Hồi đã giúp học sinh chủ động học tập một cách độc lập, theo nhóm và thể hiện sự sáng tạo.
Em Nguyễn Anh Quân, học sinh lớp 6C cho biết: “Chúng em được tham gia diễn kịch, thuyết trình, chia sẻ lời nhắn nhủ yêu thương với bạn bè, tham quan các gian hàng sản phẩm tái chế. Những hoạt động này giúp em thêm hiểu về môi trường sống quanh mình và biết cách bảo vệ môi trường”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồi và học sinh Trường THCS Yên Thường với tiết học trải nghiệm |
Trao đổi với PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Thường – cô giáo Nguyễn Thanh Hà chia sẻ, với cách giảng bài sáng tạo và sự chủ động tích cực tham gia của học sinh, tiết học trở nên vô cùng sôi nổi, không khí vui tươi, học sinh hăng hái tham gia, còn giáo viên thì tràn đầy nhiệt huyết sáng tạo, gợi mở tri thức cho các em.
“Đáng nói là, từ những tiết chuyên đề như thế này, học sinh phát triển năng lực giao tiếp, năng lực hợp tác qua hoạt động nhóm và trao đổi công việc với giáo viên; thực hiện những việc làm góp phần giảm thiểu biến đổi khí hậu; tuyên truyền, vận động người thân, bạn bè có ý thức thực hiện những việc làm giảm thiểu biến đổi khí hậu. Thông qua chuyên đề, học sinh có ý thức chăm chỉ, có trách nhiệm với môi trường thiên nhiên; có thái độ tôn trọng, giữ gìn và bảo vệ thiên nhiên” – cô Hà nói.
Học sinh trở nên chủ động và sáng tạo hơn
Tại tiết học chuyên đề, nhiều thầy cô tham dự ngạc nhiên vì bài thuyết trình của các em học sinh được trình bày hấp dẫn dưới nhiều hình thức: Video phóng sự, Power point, hay dưới dạng tranh vẽ, tờ rơi.... Học sinh biết vận dụng tích hợp kiến thức, kĩ năng của nhiều môn học như: Mĩ thuật, Âm nhạc, Ngữ Văn, Công nghệ, Tin học, ... đáp ứng mục tiêu dạy học tích hợp và phân hóa học sinh trong quá trình tổ chức hoạt động.
Điều này cho thấy, thông qua hoạt động trải nghiệm, giáo viên trao cơ hội cho tất cả học sinh được vận dụng kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm của bản thân vào giải quyết những vấn đề thực tiễn của cuộc sống một cách sáng tạo, tự hình thành phẩm chất, năng lực cho bản thân, thực hiện được các nhiệm vụ với những yêu cầu khác nhau.
Em Nguyễn Anh Quân, học sinh lớp 6C tỏ ra rất hào hứng với cách học mới mẻ này |
Cô giáo Nguyễn Thị Hồi cho biết, cô phải mất nhiều thời gian để chuẩn bị cho bài giảng. Song cũng từ đây, bản thân cô có thêm kiến thức chuyên sâu về các chủ đề để truyền đạt cho học sinh, đồng thời có sự kết nối với các em. “Tôi cho rằng, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả việc dạy học, nâng cao năng lực chuyên môn và kinh nghiệm giảng dạy, tích cực đổi mới phương pháp dạy học các môn nói chung, cho giáo viên dạy môn Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong nhà trường nói riêng” – cô nói.
Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong các trường THCS sẽ giúp giáo viên và học sinh chủ động, sáng tạo trong dạy và học |
Cuối buổi chuyên đề, các giáo viên 30 trường tại các quận, huyện, thị xã của thành phố tham dự đã trao đổi thảo luận sôi nổi, thẳng thắn về nội dung, phương pháp triển khai hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trong các trường THCS. Thông qua buổi chuyên đề, các thầy cô giáo có thêm những kinh nghiệm, phương pháp dạy học tích cực góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục, đáp ứng mục tiêu giáo dục mà chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 đang hướng tới.
Các giáo viên của 30 quận, huyện, thị xã trao đổi về hoạt động này |